Thời sự - Sự kiện

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý tài nguyên khoáng sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tuy đạt được một số kết quả nhưng công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn đối diện với khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp

Huyện Chư Sê có hơn 109 ha đất có khoáng sản, chiếm 0,17% diện tích tự nhiên. Bên cạnh những vị trí có trữ lượng lớn đã được quy hoạch, trên địa bàn huyện còn nhiều vị trí có khoáng sản nhỏ lẻ xen lẫn trong phần đất nông nghiệp của người dân hoặc các vị trí sườn đồi, giáp suối, xa khu dân cư.

Do đó, các đối tượng lợi dụng thời điểm ban đêm hoặc ngoài giờ hành chính không có lực lượng quản lý để khai thác khoáng sản trái phép. Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng việc cải tạo đất nông nghiệp và tận thu khoáng sản để trục lợi. Năm 2023 và 6 tháng năm 2024, ngành chức năng của huyện đã xử phạt 23/25 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.

Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc cải tạo ruộng để tận thu các khoáng sản nhỏ lẻ trên đất sản xuất của người dân. Ảnh: Hồng Thương

Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc cải tạo ruộng để tận thu các khoáng sản nhỏ lẻ trên đất sản xuất của người dân. Ảnh: Hồng Thương

Ông Dương Duy Hùng-Chủ tịch UBND xã Kông Htok-cho hay: Xã có trữ lượng khoáng sản lớn, nằm rải rác tại khu vực đất nông nghiệp. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xã xảy ra 10 vụ khai thác khoáng sản trái phép. Tất cả đều do người dân cải tạo đất rồi tận dụng số khoáng sản sau cải tạo để bán.

“Các đối tượng thường lợi dụng ngày nghỉ để khai thác trái phép. Cùng với đó, các khu vực khai thác thường chỉ có 1 đường duy nhất để đi vào nên các đối tượng thường cắt cử người trông coi và báo động nếu thấy đoàn kiểm tra. Khi đoàn kiểm tra vào đến nơi thì các đối tượng đã bỏ chạy và tẩu tán dụng cụ, phương tiện, gây khó khăn cho việc xác định đối tượng vi phạm để xử lý. Bên cạnh đó, nhiều người dân viện lý do “không khai thác mà chỉ tận dụng sau khi cải tạo đất”.

Ngoài ra, việc xử phạt vi phạm hành chính và đấu giá khoáng sản gặp không ít khó khăn, nhất là các trường hợp khoáng sản không xác định được chủ sở hữu. Do đó, xã đề nghị cấp trên cần có quy định cụ thể về khai thác các khu vực có trữ lượng khoáng sản phân tán, vừa đảm bảo không thất thoát thuế tài nguyên, vừa thuận tiện trong công tác quản lý”-Chủ tịch UBND xã Kông Htok kiến nghị.

Trong khi đó, ông Phạm Hữu Viên-Chủ tịch UBND xã Hbông-thông tin: Xã có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là đá nằm trên bề mặt đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Tình trạng lợi dụng cải tạo đất để lấy khoáng sản diễn ra phổ biến. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý gặp khó khăn. Trường hợp xử lý được thì mức phạt lại nhẹ, không đủ sức răn đe.

“Theo tôi, đối với lượng đá mặt, tỉnh cần có cơ chế cho các doanh nghiệp tận thu để có thêm nguồn thu ngân sách và hạn chế tình trạng khai thác trái phép”-Chủ tịch UBND xã Hbông nêu ý kiến.

Tại huyện Chư Păh, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản cũng gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Minh Phụng thông tin: Trên địa bàn huyện có 9 mỏ khoáng sản được cấp giấy phép khai thác. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo quyết liệt và triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm việc khai thác, mua bán khoáng sản không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn lén lút diễn ra. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng của huyện đã xử lý 22 trường hợp vi phạm, phạt vi phạm hành chính 148,5 triệu đồng.

Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh tiến hành giám sát thực địa tại một điểm khai thác cát xây dựng trên địa bàn huyện Chư Păh. Ảnh: LÊ NAM

Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh tiến hành giám sát thực địa tại một điểm khai thác cát xây dựng trên địa bàn huyện Chư Păh. Ảnh: LÊ NAM

Ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở TN-MT:Thời gian qua, Sở TN-MT triển khai rà soát, cập nhật bổ sung các khu vực mỏ khoáng sản vào phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng số 539 khu vực mỏ. Cụ thể, 5 khu vực mỏ đá ốp lát (tổng diện tích khoảng 68,81 ha), 94 khu vực mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường (tổng diện tích khoảng 1.135 ha), 86 khu vực mỏ cát xây dựng (tổng diện tích khoảng 842,69 ha), 309 khu vực mỏ đất san lấp (tổng diện tích khoảng 2.623 ha), 42 khu vực mỏ đất sét làm gạch (tổng diện tích khoảng 259,3 ha) và 3 khu vực mỏ than bùn (tổng diện tích khoảng 17,21 ha).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh: Luật Khoáng sản và các văn bản chưa quy định chi tiết về bảo vệ khoáng sản tại khu vực nhỏ lẻ. Đối với các khu vực có khoáng sản nhỏ lẻ, tận thu ở ruộng... muốn cấp phép cho người dân tận thu khoáng sản thì đòi hỏi lập quy hoạch, đưa ra đấu giá, thăm dò, đánh giá trữ lượng trình UBND tỉnh phê duyệt.

Vào mùa mưa thường xảy ra tình trạng cát, đá rửa trôi vào ruộng, đất sản xuất, mương dẫn nước nên người dân buộc phải cải tạo ruộng đất và khơi thông dòng chảy. Số khoáng sản này được người dân tận thu để bán.

Trao đổi với P.V, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết: Toàn tỉnh có 71 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Thời gian qua, Sở TN-MT đã phổ biến các quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản; hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan; tích cực vận động các doanh nghiệp khai thác khoáng sản lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường phối hợp trong công tác thanh-kiểm tra tại các mỏ được cấp phép khai thác cũng như các khu vực có khoáng sản chưa được cấp phép khai thác. Riêng năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, các ngành, địa phương đã xử phạt 77 trường hợp. Cụ thể, UBND tỉnh xử phạt 1 trường hợp với số tiền 175 triệu đồng; Thanh tra Sở TN-MT xử phạt 1 trường hợp 30 triệu đồng; UBND các huyện, thị xã, thành phố xử phạt 75 trường hợp với số tiền hơn 755 triệu đồng; đồng thời, tịch thu nhiều tang vật và phương tiện vi phạm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 71 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Ảnh: Hồng Thương

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 71 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Ảnh: Hồng Thương

Siết chặt công tác quản lý

Hiện nay, công tác thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các mỏ đất san lấp. Ông Nguyễn Trí Quang-Trưởng phòng TN-MT huyện Krông Pa-cho hay: “Trên địa bàn huyện chỉ còn 1 mỏ khai thác khoáng sản tại xã Chư Gu đang hoạt động. Đồng thời, có 2 doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng vẫn chưa được cấp quyền khai thác dẫn đến khan hiếm vật liệu xây dựng”.

Còn ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Ia Grai thì thông tin: “Vừa qua, Công ty TNHH một thành viên Hồng Ngân Phát Gia Lai trúng đấu giá mỏ đá bazan xây dựng tại xã Ia Bă và Công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai trúng đấu giá mỏ đá xây dựng tại xã Ia Grăng.

Tuy nhiên, một phần diện tích mỏ nằm trong đất nông nghiệp của người dân. Do người dân đòi giá bồi thường cao (1 tỷ đồng/sào) nên cả 2 doanh nghiệp vẫn chưa thỏa thuận để làm thủ tục thuê đất và cấp quyền khai thác”.

Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh thực hiện giám sát công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại huyện Chư Păh. Ảnh: H.T

Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh thực hiện giám sát công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại huyện Chư Păh. Ảnh: H.T

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT: Hiện nay, nhu cầu sử dụng đất san lấp để phục vụ thi công các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước là rất lớn. Tuy nhiên, việc cấp phép khai thác các mỏ đất san lấp gặp rất nhiều khó khăn, một số trường hợp đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng doanh nghiệp chưa thể thăm dò, khai thác do vướng mắc công tác thỏa thuận đền bù về đất đai và tài sản trên đất trong diện tích mỏ; thời gian làm thủ tục để cấp giấy phép khai thác kéo dài.

Bên cạnh đó, một số hộ gia đình, cá nhân trong quá trình cải tạo đất phát sinh khối lượng khoáng sản dôi dư. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có quy định cho phép sử dụng khối lượng đất, đá này phục vụ cho các công trình dẫn tới một số đối tượng lợi dụng để khai thác trái phép.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ TN-MT báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo để tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Đồng thời, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; tăng cường thanh-kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định.

Có thể bạn quan tâm