'Nhiều người kiên quyết không từ chức vì... áp lực gia đình'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, nhiều người sẽ sẵn sàng rời ghế khi phạm lỗi hay không đủ năng lực đảm nhiệm công việc, nhưng xã hội, gia đình, dòng họ còn nhìn việc từ chức quá nặng nề nên họ cương quyết không chịu thôi chức.
 
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng nhiều cán bộ công chức sẽ sẵn sáng từ chức nếu xã hội không nhìn việc từ chức quá nặng nề nữa - Ảnh: BTC
Thứ trưởng Triệu Văn Cường đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bên lề buổi giao lưu trực tuyến chủ đề Văn hóa công sở - thực trạng và giải pháp do báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức hôm nay, 27-11.
Liên quan tới câu chuyện văn hóa công sở, Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi với Thứ trưởng Triệu Văn Cường về văn hóa từ chức đã được đưa vào trong kế hoạch tổ chức phong trào Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành hồi tháng 6.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng việc cán bộ, công chức, viên chức cần chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín như quy định trong bản kế hoạch này là đúng, nhưng quan trọng là thực thi thế nào.
Theo ông, phải làm sao để cả xã hội thấy việc thôi chức là bình thường thì mới khuyến khích được những người cảm thấy không đủ năng lực sẽ chủ động xin từ chức. Khi xã hội còn coi chuyện từ chức là điều rất căng thẳng, đáng xấu hổ thì rất khó có văn hóa từ chức.
"Nhiều khi cán bộ vi phạm, họ xin thôi việc thì đó là một hình thức xử lý vi phạm rồi. Hoặc cán bộ, công chức thấy không đủ nặng lực, uy tín, tôi tin là nhiều người sẵn sàng chủ động xin thôi chức. Nhưng gia đình, dòng họ lại vẫn bị nặng nề quá, căng thẳng quá thì rất khó để những cán bộ này chủ động xin thôi chức. Họ sợ bị đánh giá, ảnh hưởng đến danh dự gia đình", ông Cường nói.
Theo ông, để có văn hóa từ chức trong xã hội thì phải thay đổi nhận thức dần dần, "phải có thời gian".
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết theo quan sát của ông, Bộ Nội vụ cũng chưa ghi nhận trường hợp chủ động xin thôi chức nào từ bộ này.
Lợi ích nhóm là thứ đáng sợ nhất ở công sở
Tại buổi giao lưu trực tuyến, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nêu quan điểm cho rằng lợi ích nhóm mà dân gian gọi là phe nhóm, chính là thứ "đẻ ra mâu thuẫn nội bộ", bất công trong công sở, khiến những người có danh dự bị mất lòng tin, chán nản, mệt mỏi rồi dần từ chối từ trách nhiệm công việc của mình…

Theo ông, những thói tật khác của văn hóa công sở sớm muộn có thể sửa được, nhưng nếu để tồn tại lợi ích nhóm sẽ tạo ra sự thù hận, tranh giành, mất dân chủ, gây bất công, hoài nghi trong xã hội, rất nguy hại.

Thiên Điểu (TTO)

Có thể bạn quan tâm