Nhiều người Trung Quốc đến Nha Trang để lao động "chui", vi phạm pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 
Các showroom trái phép phục vụ khách Trung Quốc ở đại lộ Nguyễn Tất Thành, Nha Trang, Khánh Hòa vẫn tồn tại năm này qua năm khác, trong khi kế hoạch cưỡng chế nằm trên giấy. Ảnh: PV
Không chỉ thuê nhà đánh bạc xuyên quốc gia, nhiều người Trung Quốc đến Nha Trang (Khánh Hòa) còn đánh bạc bằng tiền, chơi trò chơi có thưởng không phép. Bên cạnh đó, nhiều showroom không phép cũng ồ ạt mọc lên, phục vụ khách Trung Quốc, trong khi chính quyền địa phương bất lực quản lý. 
Thuê nhà hoạt động đánh bạc
Ngày 8.12, báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, cơ quan chức năng tỉnh thời gian qua đã kiểm tra 3 vụ việc, phát hiện 24 đối tượng đánh bạc trái phép (trong đó có 8 đối tượng quốc tịch người Trung Quốc) dưới hình thức ăn thua bằng tiền và một đối tượng người Trung Quốc có hành vi tổ chức đánh bạc.
Cơ quan chức năng đã tạm giữ 6 bàn đánh mạt chược, 8 bộ mạt chược, 4 xúc xắc, 4 lá bài “vị”, 1 bộ bài tây, 4 điện thoại di động, 21 ghế nhựa, 7 môtô, 25 triệu đồng và 2.490 Nhân dân tệ, xử phạt hành chính 9 đối tượng, với số tiền 19,5 triệu đồng.
Qua kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh trò chơi có thưởng, dành cho người nước ngoài tại Nha Trang, cơ quan chức năng phát hiện 30 bàn chơi không có giấy phép. Hiện vụ việc đang tiếp tục được phân loại và củng cố hồ sơ để tiếp tục xử lý.
Đặc biệt, chính quyền tỉnh Khánh Hòa cho biết,  xuất hiện tình trạng nhiều người Trung Quốc đến địa bàn Nha Trang, Khánh Hòa thuê nhà, sử dụng Internet để tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia. Các đối tượng tổ chức đánh bạc thường gắn với hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi để cờ bạc, kéo theo các băng nhóm đòi nợ thuê, đánh nhau, gây mất trật tự công cộng.
Lén lút lao động không phép bên trong các showroom
Theo Sở LĐTBXH, trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam được cơ quan xuất nhập cảnh cấp thị thực không phải là thị thực lao động, mà các thị thực khác như du lịch (ký hiệu DL), thăm thân (ký hiệu TT), hoạt động phóng viên, báo chí (ký hiệu PV2)... hiện đang tạm trú tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đang nghi vấn làm việc “chui” cho các đại lý tour du lịch, đi phát tờ rơi quảng cáo, điều hành xe tour, biểu diễn nghệ thuật, bán hàng đồ mỹ nghệ, đá quý, phục vụ nhà hàng, khách sạn.
“Các đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau, không phải mục đích lao động” - Sở LĐTBXH cho hay. Đáng nói, tại nhiều khu vực ở Nha Trang (nhất là xã Phước Đồng), nhiều showroom không phép, không phù hợp quy hoạch cũng ồ ạt mọc lên để phục vụ khách Trung Quốc, trước sự lúng túng, bất lực của chính quyền địa phương.
Qua kiểm tra 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở LĐTBXH phát hiện 185 người nước ngoài quốc tịch Trung Quốc làm việc cho các doanh nghiệp kinh doanh buôn bán các mặt hàng mỹ nghệ, đá quý, tơ lụa... cho khách hàng là các tour du lịch nhưng không có giấy phép lao động. Sở LĐTBXH phải gửi hồ sơ sang Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị trục xuất về nước. 
7 showroom xây dựng không phép và trái phép trên đại lộ Nguyễn Tất Thành (xã Phước Đồng) dù đã phát hiện từ những năm trước nhưng đến nay công tác cưỡng chế tháo dỡ vẫn nằm trên giấy, khiến người dân và cử tri địa phương bức xúc. 
PV Lao Động từng vào một trong các showroom trên đại lộ Nguyễn Tất Thành và phát hiện hàng hóa bán cho người khách Trung Quốc đều không địa chỉ nhà sản xuất, tem, nhãn mác, thông tin sản phẩm... 
Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng (Nha Trang) cho biết, xã đã lập 7 kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ các showroom trên nhưng hiện nay vướng mắc trong việc cưỡng chế là do Phòng Quản lý đô thị Nha Trang đề nghị xã thay công ty tư vấn xây dựng tháo dỡ đủ năng lực, trình thành phố thẩm định. “Các công trình này quá lớn và phức tạp, trong khi đơn vị thuê tư vấn trước đây chỉ tháo được công trình cấp 4 (!)” - ông Pháp cho hay. 
Nhiệt Băng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm