Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Nhiều nhiệm vụ chậm thực hiện, gây hoài nghi trong dư luận

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đáng nói là việc thực hiện Quy chế làm việc và kỷ luật, kỷ cương chưa thực sự nghiêm túc. Nhiều nhiệm vụ chậm thực hiện, gây hoài nghi trong dư luận như: thu phí không dừng, cơ chế sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT, công bố các thủ tục hành chính đã cắt giảm...
Đây là một trong những điểm được nhấn mạnh trong Báo cáo kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm, phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.
 
Bộ trưởng cho biết, người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không hoàn thành các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực
3.451 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm
Ông cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 6 trọng tâm điều hành là: Phát triển kinh tế, củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng; phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; cải cách hành chính mạnh mẽ, xây dựng chính phủ điện tử, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Với phương châm đó, về xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, Chính phủ tập trung thể chế hóa các chủ trương của Đảng, tích cực triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Quan điểm xây dựng chính sách là bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, loại bỏ lợi ích nhóm, tháo gỡ mọi vướng mắc, tạo động lực thực sự cho đầu tư kinh doanh, phát triển…
Theo đó, đã ban hành 3 Nghị định để tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thêm 106 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số lên 3.451 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát việc cắt giảm thực chất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, không để phát sinh các giấy phép con...
Phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và nâng triển vọng xếp hạng từ “ổn định” lên “tích cực”. Quy mô ngân sách tăng; mức độ minh bạch được xếp thứ 42/100 quốc gia…
Cùng với đó, chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế và từng ngành, lĩnh vực thực chất và hiệu quả hơn, trong đó tập trung giải quyết những bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh quốc gia. Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ…Triển khai hiệu quả cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
 
Ngoài ra, thủ tục hành chính còn chồng chéo, bất cập, gây khó khăn trong quản lý, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp 
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo giải quyết căn bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn nhằm ngăn chặn hậu quả xấu cho xã hội. 
Việc thực hiện Quy chế làm việc và kỷ luật chưa nghiêm túc
Song, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác xây dựng thể chế, hoạch định chính sách còn có những điểm yếu, chậm được khắc phục. Việc xây dựng văn bản hướng dẫn chậm, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong quản lý, điều hành, thực thi.
Đáng nói là việc thực hiện Quy chế làm việc và kỷ luật, kỷ cương chưa thực sự nghiêm túc. Nhiều nhiệm vụ chậm thực hiện, gây hoài nghi trong dư luận như: thu phí không dừng, cơ chế sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT, công bố các thủ tục hành chính đã cắt giảm... Còn tình trạng trình Chính phủ, Thủ tướng những công việc không thuộc thẩm quyền, không rõ chính kiến, đặc biệt là liên quan đến quy hoạch, đất đai, dự án.
Ngoài ra, thủ tục hành chính còn chồng chéo, bất cập, gây khó khăn trong quản lý, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp. Các vướng mắc chậm được tháo gỡ, nhất là thủ tục phân bổ, triển khai đầu tư, giải ngân vốn; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch...
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan thì những hạn chế trên là  do người đứng đầu một số cơ quan chưa sâu sát, thiếu quyết liệt. Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu, thiếu trách nhiệm; còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ…
Từ những đánh giá đó, ông cho biết, trong 6 tháng cuối năm, từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cần đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng thể chế, xử lý vướng mắc do chính sách của ngành, lĩnh vực.
Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá, mang lại hiệu quả thực chất. “Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không hoàn thành các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực”- Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Minh Nhật (BVPL)

Có thể bạn quan tâm