Nhiều nơi cho công nhân được nghỉ làm ngày thứ bảy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thông thường, công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên cả nước đang phải làm ngày thứ bảy (tức 48 tiếng/tuần), chỉ được nghỉ ngơi mỗi ngày chủ nhật. Tuy nhiên, tại TP Hải Phòng, khoảng 100.000 công nhân tại nhiều khu công nghiệp lại đang được nghỉ thêm ngày thứ bảy.
Liên quan dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (chuẩn bị trình Quốc hội xem xét) và đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động trong khu vực doanh nghiệp từ 48 giờ/tuần (như hiện nay) xuống 44 giờ/tuần, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức chuyến khảo sát thực tế, gặp gỡ công nhân lao động tại các khu công nghiệp ở TP Hải Phòng (trước đó là tại Hà Nội, TPHCM, Tiền Giang, Cao Bằng…) để trao đổi với các doanh nghiệp và lắng nghe ý kiến công nhân lao động về đề xuất này.
Theo lý lẽ mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra, hiện nay người lao động trong khu vực hành chính chỉ làm việc 40 giờ/tuần (tức là từ thứ hai đến thứ sáu), được nghỉ 2 ngày thứ bảy và chủ nhật. Trong khi người lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh phải làm việc 48 tiếng/tuần, chỉ được nghỉ 1 ngày chủ nhật.
Do đó, Công đoàn Việt Nam (tổ chức đại diện và chăm lo cho người lao động) đề nghị giảm giờ làm việc cho công nhân, người lao động trong khu vực doanh nghiệp xuống 44 ngày, tức chỉ làm việc một nửa ngày thứ bảy (thay vì cả ngày).
Thực tế khảo sát tại TP Hải Phòng cho thấy, nhiều doanh nghiệp tại đây đang áp dụng chính sách cho công nhân, lao động được nghỉ cả ngày thứ bảy và chủ nhật. 
 Nhiều công nhân tại Công ty TNHH Nichias Hải Phòng (100% vốn Nhật Bản) bày tỏ mong muốn có thêm 1 ngày nghỉ nữa vào thứ bảy (ngoài chủ nhật) mà vẫn được hưởng nguyên lương như quy định, vì làm việc khá vất vả. Ảnh: VĂN PHÚC
Nhiều công nhân tại Công ty TNHH Nichias Hải Phòng (100% vốn Nhật Bản) bày tỏ mong muốn có thêm 1 ngày nghỉ nữa vào thứ bảy (ngoài chủ nhật) mà vẫn được hưởng nguyên lương như quy định, vì làm việc khá vất vả. Ảnh: VĂN PHÚC
Ông Đinh Thế Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nichias Hải Phòng (100% vốn Nhật Bản, tại khu công nghiệp Nomura, huyện An Dương) cho biết, từ năm 2013 đến nay, ở đây đã thực hiện chính sách cho công nhân mỗi tháng được nghỉ một ngày thứ bảy.
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, nhiều công nhân đang đứng máy tại công ty này lại bày tỏ mong muốn có thêm 1 ngày nghỉ vào thứ bảy nữa (tức là 2 ngày/tháng), hoặc nghỉ đều đặn các ngày thứ bảy hàng tuần như bên hành chính sự nghiệp, mà vẫn được hưởng nguyên lương như quy định, bởi họ phải làm việc khá vất vả.
Với mức lương khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, anh Bùi Văn Thuộc, 42 tuổi, ở xưởng làm gioăng đệm của công ty này, cho biết công việc khá độc hại, phải đeo mặt nạ chống độc, nhiều khi phải làm thêm, tăng ca để có thêm thu nhập, nên rất mong có thêm ngày nghỉ.
Còn chị Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Quản lý nhân sự, Công ty Synztec Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) cũng tại huyện An Dương, Hải Phòng) cho biết, từ năm 2008 đến nay, gần 1.000 công nhân tại đây đã được áp dụng chính sách cho nghỉ thêm 2 ngày thứ bảy mỗi tháng.
Tổng số ngày nghỉ dành cho công nhân tại công ty này hồi năm 2008 chỉ có 85 ngày/năm, nhưng sau quá trình thương lượng giữa công đoàn và doanh nghiệp, thì đến năm 2018, tổng số ngày nghỉ dành cho công nhân đã được tăng lên tới 93 ngày/năm, và đến năm nay tiếp tục có thêm 1 ngày, tổng là 94 ngày/năm.
 Hàng ngàn công nhân tại Công ty Synztec Việt Nam phải đứng liên tục 8 tiếng mỗi ngày, mức lương trung bình 7,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, công ty cho nghỉ 2 ngày thứ bảy mỗi tháng, nhưng nhiều người vẫn muốn có 3 đến 4 ngày nghỉ thứ bảy, cùng với chủ nhật theo quy định, mỗi tháng
Hàng ngàn công nhân tại Công ty Synztec Việt Nam phải đứng liên tục 8 tiếng mỗi ngày, mức lương trung bình 7,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, công ty cho nghỉ 2 ngày thứ bảy mỗi tháng, nhưng nhiều người vẫn muốn có 3 đến 4 ngày nghỉ thứ bảy, cùng với chủ nhật theo quy định, mỗi tháng
Chị Nguyễn Thị Lê, sinh năm 1981, thuộc phân xưởng làm lõi, con lăn máy in của công ty này cho biết, đã gắn bó suốt 9 năm, lương dao động từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng tùy thuộc có làm tăng ca hay không, vẫn mong muốn có 4 ngày nghỉ vào thứ bảy mỗi tháng (ngoài chủ nhật) để có thời gian lo công việc gia đình, chăm sóc con cái và hàng trăm công việc không tên khác.
Tuy nhiên hiện nay, hầu như các công ty có chính sách nhân sự tốt cũng chỉ dám cho công nhân nghỉ từ 1 đến 2 ngày thứ bảy. "Một số công ty cho công nhân nghỉ tới 3 ngày thứ bảy mỗi tháng sẽ bị các công ty khác dị nghị", một cán bộ công đoàn cho biết.
Trao đổi với báo giới, bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng (phụ trách các khu công nghiệp, khu chế xuất) cho biết, trên địa bàn đang có 186 doanh nghiệp (với tổng khoảng 130.000 công nhân) thì trong đó, 154 doanh nghiệp (với khoảng gần 100.000 công nhân) đã áp dụng chế độ cho công nhân được nghỉ từ 1, 2 đến 3 ngày thứ bảy mỗi tháng. Phần lớn là các doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc có chính sách nhân sự tốt, nhất là những nơi có tổ chức công đoàn hoạt động.
Còn theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, giảm giờ làm, tăng số ngày nghỉ cho người lao động thì bản thân người lao động khi đã có đủ thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình, sẽ làm việc hào hứng hơn, năng suất lao động cao hơn, thu nhập tốt hơn.
Vì vậy, ngoài đề xuất giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất cho người lao động được nghỉ thêm 3 ngày nữa trong 1 năm, vào dịp lễ Quốc khánh và Ngày Gia đình Việt Nam. Tiến tới, thu hẹp khoảng cách, xây dựng số ngày nghỉ bình đẳng giữa khu vực hành chính và khu vực sản xuất kinh doanh (chỉ còn 40 giờ/tuần, được nghỉ đều đặn thứ bảy và chủ nhật).
Tuy nhiên hiện nay, đề xuất nghỉ thêm 3 ngày lễ trong năm đã bị bác bỏ, nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn đang bảo vệ quan điểm đề nghị giảm giờ làm bình thường (giờ làm chính thức) cho người lao động từ 48 tiếng/tuần như hiện nay xuống chỉ còn 44 tiếng/tuần khi các cơ quan đang đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
VĂN PHÚC (sggp)

Có thể bạn quan tâm