Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Nhiều nội dung đặc sắc từ lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Đak Lak vừa có Quyết định số 2754/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổ chức lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.

 Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5-2015. Ảnh: Bá Thăng
Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5-2015. Ảnh: Bá Thăng

Theo đó, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6-năm 2017 được tổ chức từ ngày 8-3 đến 13-3-2017, chính thức khai mạc vào lúc 20 giờ, ngày 10-3-2017, bế mạc vào lúc 20 giờ, ngày 13-3-2017 tại Quảng trường 10-3, thành phố Buôn Ma Thuột và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh-Truyền hình 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong khuôn khổ lễ hội còn có các chương trình, nội dung như: Hội chợ-Triển lãm chuyên ngành cà phê; Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2017; tổ chức hội nghị/hội thảo về cà phê; Lễ hội đường phố; Hội thi nhà nông đua tài; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; thưởng thức cà phê miễn phí.

Riêng, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 có chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập” với các nội dung chính như: Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên; phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng; Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; hành trình di sản.

 

 Ảnh: Bá Thăng
Ảnh: Bá Thăng

Việc tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột-Giải phóng tỉnh Đak Lak. Đồng thời hướng tới mục tiêu quảng bá thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”, nâng cao giá trị ngành cà phê đối với người sản xuất và kinh doanh cà phê của tỉnh Đak Lak cũng như trên cả nước, qua đó khẳng định vị thế cà phê Đak Lak nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới; nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2008; quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đak Lak nhằm mời gọi, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm