Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Nhiều thẩm định viên về giá liên tiếp bị bắt, Bộ Tài chính nói gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Tài chính thừa nhận vừa qua một số vụ án lớn đã có những thẩm định viên về giá vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, "thổi giá" gây thất thoát ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư, tạo gánh nặng cho xã hội.

Khởi tố 11 vụ án liên quan đến thẩm định giá

Trước đó, dư luận chấn động khi tại vụ án MobiFone "thâu tóm" AVG, giá trị của AVG đã bị “thổi” lên rất nhiều lần, từ 15.000 - 30.000 tỉ đồng, trong khi định giá thực của doanh nghiệp này chỉ còn khoảng 1.000 tỉ đồng. Từ đó, MobiFone đã phải bỏ ra tới 8.900 tỉ đồng để mua AVG, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Vụ việc bị khởi tố, giám đốc và thẩm định viên của Công ty TNHH đầu tư và thẩm định giá AMAX… đã bị bắt và kết án tù.

Gần đây, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành cũng đã bị bắt khi tiếp tay cho Giám đốc CDC Hà Nội nâng khống giá máy test PCR “ăn chênh”, rút ruột ngân sách.

 

Vụ thổi giá máy xét nghiệm Covid-19 CDC Hà Nội gây chấn động dư luận. Ảnh: Trần Cường
Vụ thổi giá máy xét nghiệm Covid-19 CDC Hà Nội gây chấn động dư luận. Ảnh: Trần Cường


Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian qua, cơ quan tố tụng đã khởi tố 11 vụ án có liên quan đến hoạt động thẩm định giá. Các vụ án đều được truy tố một trong 3 tội danh: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, chủ yếu là đồng phạm cùng tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, chiếm tới 8 trong tổng số 11 vụ án.

Trước tình trạng nhức nhối này, Viện KSND tối cao đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá; đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát ngay đối với các doanh nghiệp thẩm định giá để đánh giá lại năng lực, điều kiện kinh doanh hoạt động thẩm định giá; đồng thời, kịp thời đình chỉ hoạt động đối với các doanh nghiệp không đủ năng lực, điều kiện hoặc có vi phạm trong hoạt động thẩm định giá…

Trong văn bản vừa gửi UBND địa phương và các doanh nghiệp thẩm định giá, Bộ Tài chính nêu rõ, thời gian qua xuất hiện một số doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá hành nghề vi phạm quy định của pháp luật về thẩm định giá, đáng chú ý là những vi phạm về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng đến kết quả thẩm định giá, gây thất thoát ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả đầu tư, tạo gánh nặng cho xã hội. Điển hình là vi phạm trong hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, giáo dục và thẩm định giá đất.

Để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, Bộ Tài chính đề nghị tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá, các thẩm định viên về giá kịp thời chấn chỉnh hoạt động nghề và thực hiện đúng quy định của pháp luật về thẩm định giá.

“Trong quá trình hoạt động thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình thẩm định giá, các quy định về các cách tiếp cận và phương pháp trong thẩm định giá, phát hành báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá đúng theo mẫu quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05”, Bộ Tài chính đề nghị.


 

Vụ
Vụ "thổi giá" AVG gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỉ đồng. Ảnh: T.P


Đồng phạm, giúp sức cho các sai phạm

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết luật hiện tại không có tội danh hình sự nào về thẩm định giá, nhưng nhìn lại những vụ án liên quan đến thẩm định giá thời gian qua cho thấy, các thẩm định viên về giá bị khởi tố liên quan đến các tội đồng phạm, giúp sức cho sai phạm.

Cũng theo ông Tuấn, những năm vừa qua, Bộ Tài chính đã xử phạt vi phạm hành chính 33 doanh nghiệp thẩm định giá. Ngoài ra, năm 2019 đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá với 16 doanh nghiệp; năm 2020, con số thu hồi là 18 doanh nghiệp; và năm 2021 thu hồi với 13 doanh nghiệp thẩm định giá.

Trong năm 2022, vẫn theo ông Tuấn, Bộ Tài chính sẽ xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến thẩm định giá, gồm: soát lại các tiêu chuẩn về thẩm định giá; thực hiện trích phần thu thập thông tin trong quy trình các bước thẩm định giá ra thành tiêu chuẩn riêng. Theo đó, sẽ phân loại tài sản ra thành các tiêu chuẩn, phương pháp định giá khác nhau; xây dựng tiêu chuẩn về thẩm định giá các khoản nợ.

Theo TIÊU PHONG (TNO)

Có thể bạn quan tâm