Khoa học - Công nghệ

Nhiều trang thông tin điện tử cấp xã ít phát huy hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giao diện đơn điệu, nội dung sơ sài, văn bản điều hành không được cập nhật thường xuyên là điều dễ dàng nhận thấy khi truy cập vào trang thông tin điện tử các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hầu hết các trang đều xây dựng danh mục được lập sẵn như: giới thiệu, tin tức, văn bản, dịch vụ công trực tuyến, quy hoạch-kế hoạch, dự án và hạng mục đầu tư, thông tin tuyên truyền, lịch công tác, ý kiến góp ý... Tuy nhiên, phần lớn nội dung trong đó còn để trống. Thậm chí có trang vài tháng mới đăng tải một văn bản mới hoặc thông tin hoạt động liên quan trực tiếp đến địa phương.

Đơn cử, ở phần tin hoạt động của Trang thông tin điện tử xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) chỉ có 2 bài viết: một về hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) từ tháng 8-2021; một thông tin về việc đầu tư gần 300 triệu đồng triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt từ tháng 11-2017. Ở phần hoạt động kinh tế-xã hội của Trang thông tin điện tử xã Ia Bang (huyện Chư Prông), từ năm 2017 đến nay chỉ đăng tải 5 bài viết. Tương tự, trên Trang thông tin điện tử xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) chỉ có 2-3 tin về hoạt động của xã cách đây vài năm...

Đơn cử, ở phần tin hoạt động của Trang thông tin điện tử xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) chỉ có 2 bài viết. Ảnh chụp màn hình
Đơn cử, ở phần tin hoạt động của Trang thông tin điện tử xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) chỉ có 2 bài viết. Ảnh chụp màn hình

Tại không ít trang thông tin điện tử, phần giới thiệu chung về địa phương cũng chỉ vỏn vẹn vài dòng tóm lược diện tích, dân số, địa giới hành chính; cơ cấu tổ chức có nhiều lãnh đạo địa phương đã nghỉ hưu, luân chuyển công tác song không cập nhật, điều chỉnh. Việc đăng tải văn bản của Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã gần như không được duy trì.

Về nguyên tắc, ngay khi ra mắt trang thông tin, các địa phương đều ban hành quy chế hoạt động; thành lập ban biên tập với quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên. Vậy nhưng, trên thực tế tại nhiều địa phương, ban biên tập chỉ là hình thức; việc quản lý, duy trì đăng tải thông tin hầu như giao cho công chức văn hóa-xã hội đảm nhận. Công việc nhiều, trình độ, kỹ năng của một số cán bộ, công chức còn hạn chế dẫn đến chất lượng hoạt động thông tin không như mong muốn.

Mặt khác, do cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức dẫn đến công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể nên nội dung thông tin đăng tải không thường xuyên, thiếu tính bao quát và lượng người truy cập, tương tác chưa cao.

Xây dựng các trang thông tin điện tử trong thời đại công nghệ số là xu thế tất yếu. Bởi đây được xem là 1 trong những kênh thông tin chính thống, hữu ích của địa phương trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, góp phần định hướng dư luận xã hội trước những thông tin xấu, độc.

Việc quản lý, duy trì hiệu quả các trang thông tin còn là tiêu chí để đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử. Do đó, để phát huy có hiệu quả kênh thông tin hữu ích này, thiết nghĩ, lãnh đạo địa phương cần quan tâm đầu tư kinh phí, hỗ trợ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cũng như nguồn nhân lực phù hợp; củng cố ban biên tập và xây dựng chương trình phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc thu thập, xử lý, đăng tải thông tin; đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Có thể bạn quan tâm