Năm nay, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của Trường ĐH Ngoại thương dựa trên kết quả thi tốt nghiệp đối với trụ sở chính và các cơ sở trực thuộc là 24 điểm, tăng 0,5 so với năm ngoái.
Ngày 19-7, nhiều trường ĐH đồng loạt công bố điểm sàn xét tuyển. Ảnh: Hữu Hưng |
Ở phương thức kết hợp điểm thi với điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (phương thức 3), điểm sàn từ 16 đến 17. Đây là tổng hai môn, gồm toán và một trong các môn lý, hóa, văn, tùy ngành, chưa gồm điểm ưu tiên.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 của ĐH Quốc gia Hà Nội là 20 điểm (chưa nhân hệ số, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu có)
Trường ĐH Giao thông vận tải (UTC) có điểm sàn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Hà Nội 23 điểm, các ngành còn lại đều có điểm sàn từ 22 trở xuống.
Tại cơ sở TP HCM, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông xét tuyển thí sinh đạt 16 điểm trở lên là thấp nhất. Các ngành khác từ 17-22 điểm.
Trường ĐH Luật Hà Nội cho hay đối với thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại trụ sở chính của trường, tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), điểm nhận hồ sơ (điểm sàn) từ 20 điểm trở lên, các tổ hợp khác từ 18 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên).
Ngoài ra, đối với ngành Luật thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh phải từ 7 điểm trở lên.
Đối với thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại phân hiệu của trường tại Đắk Lắk, điểm sàn các tổ hợp xét tuyển từ 15 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên).
Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải tại cơ sở chính (Hà Nội) có mức điểm sàn xét tuyển dao động từ 16 - 22 điểm/tổ hợp. Trong đó, ngành Thương mại Điện tử, Công nghệ Thông tin, Logistics và Quản lí chuỗi cung ứng là 3 ngành lấy điểm sàn từ 22 điểm/tổ hợp. Tại cơ sở ở Vĩnh Phúc, điểm sàn chung là 16 điểm/tổ hợp cho tất cả các ngành.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lấy điểm sàn 18 với thí sinh ở cơ sở TP HCM, 22 ở Hà Nội, áp dụng với mọi ngành.
Đây là tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp trong tổ hợp, cộng điểm ưu tiên nếu có. Học viện này xét tuyển các khối A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh) và D01 (Toán, Văn, Anh).
Trường ĐH FPT đưa ra mức điểm sàn xét tuyển là 21, gồm điểm môn Toán và 2 môn cao điểm nhất trong các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật Lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, GDCD, cộng thêm điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó, trường cũng công bố tuyển 1.000 chỉ tiêu chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn và cấp học bổng từ 50% cho 2 học kỳ chuyên ngành đầu tiên đến 100% chương trình học cho tất cả các thí sinh. Đồng thời, với các thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay, nếu chọn trường là 1 trong 3 nguyện vọng đầu tiên khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1, và có tổ hợp điểm 3 môn thi gồm Toán và 2 môn bất kỳ đạt từ 25 điểm trở lên có cơ hội giành suất học bổng trị giá 180 triệu đồng.
Trước đó, chiều 19-7, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm sàn đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học và nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng.
Theo đó, điểm sàn xét tuyển đối với ngành y khoa là 22,5 điểm. Ngành Răng - Hàm - Mặt: 22,5 điểm. Các ngành Y học cổ truyền và Dược học cùng 21 điểm. Điểm sàn đối với các ngành Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật hình ảnh y học, Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Y học dự phòng đều 19 điểm.
Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, ngưỡng xét tuyển là 19 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.