Nhiều vấn đề nảy sinh do nghỉ học kéo dài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau hơn 3 tháng nghỉ học do dịch Covid-19, bên cạnh việc học sinh rất hồ hởi khi quay trở lại trường, có một thực trạng chung là chất lượng học tập của các em giảm sút rõ rệt. Việc củng cố kiến thức, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp đang là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Tích cực vận động học sinh ra lớp
“Hôm nay, lớp 1A vắng 5 học sinh, lớp 1B vắng 7 em… Toàn trường vắng 63 em”. Mặc dù đã dự đoán rằng học sinh sẽ vắng học nhiều trong ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ kéo dài nhưng cô Dương Thị Cầm-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) vẫn không khỏi lo lắng khi nghe những con số ấy. Ngay giờ ra chơi, cô đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lập danh sách học sinh vắng của lớp mình. Sau đó, giáo viên đến từng thôn, làng để vận động phụ huynh nhắc nhở con em quay lại trường lớp. Toàn trường có 316 học sinh, sau tuần học đầu tiên vẫn còn 3 em theo cha mẹ đi làm ăn xa tại Đồng Nai. Sau nhiều lần giáo viên chủ nhiệm gọi điện tuyên truyền, vận động, phụ huynh 3 em hứa sẽ cho con về đi học.
Nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Chư Pah, Trường Tiểu học Hà Tây có phần đông học sinh là người Bahnar. Trong buổi đầu tiên, toàn trường có đến 30 em vắng học. Thực hiện chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên kiểm tra, báo cáo sĩ số hàng ngày, tìm hiểu rõ nguyên nhân học sinh vắng học để có biện pháp khắc phục. Với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các thầy-cô giáo trực tiếp đến trao quà, động viên các em quay trở lại trường. Thầy Hoàng Bùi Luyện-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Nhờ đội ngũ giáo viên nhiệt tình, tận tâm trong công tác chủ nhiệm nên sau 1 tuần các em đã đi học lại đầy đủ, một số em theo cha mẹ về làng cũ làm ăn cũng đã trở lại trường”.
Học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Quang Trung (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) trong 1 tiết học. Ảnh: V.C
Học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Quang Trung (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) trong 1 tiết học. Ảnh: V.C
Riêng bậc học mầm non, cái khó nhất của giáo viên là duy trì nền nếp học tập. Cô Lê Thị Lộc-Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) cho biết: Trường có 416 học sinh, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 74,5%. Trong ngày đầu tiên trở lại trường, tỷ lệ duy trì sĩ số chỉ đạt 43,7%. Để ổn định nền nếp học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã đôn đốc giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm, sát sao, gần gũi giúp các cháu hứng thú tới trường và động viên phụ huynh yên tâm. Sau tuần đầu tiên, sĩ số học sinh đã có chuyển biến rõ rệt với tỷ lệ đạt 83,4%.
Với học sinh THCS ở vùng sâu, vùng xa, nỗi lo lớn nhất của thầy-cô giáo là nạn tảo hôn. Thầy Nay Phan-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng (xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa) tâm sự: Sau thời gian tạm nghỉ, 2 học sinh nữ dân tộc thiểu số của nhà trường đã “bắt” chồng. Nắm được tình hình, Ban Giám hiệu nhà trường đã cùng giáo viên chủ nhiệm đến nhà thăm hỏi, động viên gia đình các em, phân tích về tầm quan trọng của việc học. Chỉ còn 2 tháng nữa các em sẽ tốt nghiệp THCS, với tấm bằng trong tay các em sẽ thuận lợi hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhờ thầy cô tận tình vận động, 1 học sinh đã quay trở lại trường sau tuần học đầu tiên. Trường hợp còn lại, nhà trường đang tiếp tục phối hợp với Ban đại diện phụ huynh học sinh, trưởng thôn, già làng thuyết phục.
“Lấp lỗ hổng” kiến thức cho học sinh
Trước đó, trong thời gian tạm nghỉ học, Ban Giám hiệu các trường vẫn chỉ đạo giáo viên giao bài tập cho học sinh tự học ở nhà, nhắc nhở phụ huynh kèm cặp con em mình học tập. Nhưng với đặc thù phần đông là học sinh dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, phụ huynh ít quan tâm đến con cái nên khi trở lại trường, các em phần lớn đều đã quên kiến thức. Cô Kpă H’Juên-giáo viên chủ nhiệm lớp 1A (Trường Tiểu học Quang Trung) cho biết: Cả 26 học sinh trong lớp đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Do các em còn nhỏ, chưa có ý thức tự học nên khi không được phụ huynh kèm cặp thường xuyên rất dễ quên bài. Cả lớp có 2 em quên luôn bảng chữ cái, gần chục em khi đọc phải đánh vần rất lâu. Chữ viết mất đi sự mềm mại. Để khắc phục, tranh thủ 15 phút đầu giờ, giáo viên cho học sinh ôn lại bảng chữ cái, thời gian học buổi sáng cũng được kéo dài thêm 30 phút để tăng cường ôn tập cho các em. Hiệu trưởng nhà trường thông tin thêm: “Theo quy định, chương trình năm học sẽ kết thúc vào ngày 15-7. Như vậy chỉ còn 10 tuần để phấn đấu hoàn thành chương trình năm học. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể theo chương trình giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tránh áp lực cho học sinh. Với thuận lợi là dạy 2 buổi/ngày nên ngoài thời gian học chính khóa, giáo viên chủ nhiệm sẽ tích cực ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, chú trọng vào 2 môn Toán và Tiếng Việt”.
Cô và trò Trường Mầm Non Tuổi Thơ đều rất hào hứng trong tiết tập thể dục đầu giờ. Ảnh: V.C
Cô và trò Trường Mầm Non Tuổi Thơ đều rất hào hứng trong tiết tập thể dục đầu giờ. Ảnh: V.C
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:“Việc học sinh nghỉ học kéo dài dẫn đến chất lượng giảm sút là điều không thể tránh khỏi. Sở đã có văn bản chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục lên kế hoạch cụ thể, tích cực vận động học sinh đến trường, đảm bảo duy trì sĩ số. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, tăng cường phụ đạo học sinh yếu kém trên cơ sở hướng dẫn, điều chỉnh của Bộ nhằm đảm bảo chất lượng học sinh vào cuối năm”. 

Tương tự, cô Ksor H’Noen-giáo viên lớp 2 Trường Tiểu học Tô Na (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) cho hay: Trăn trở lớn nhất của giáo viên khi học sinh quay trở lại trường là bị quên kiến thức. Nhiều em quên bảng cửu chương, mất sách vở. Nghỉ học lâu, thói quen sinh hoạt thay đổi nên một số em còn đi học muộn, ngủ gật trong lớp. Giáo viên chủ nhiệm phải rất vất vả vì vừa ổn định nền nếp, vừa củng cố kiến thức cho các em để theo kịp nội dung bài mới. Riêng với học sinh mất sách vở, giáo viên liên hệ ngay với nhân viên thư viện mượn giúp bộ sách nhằm tạo điều kiện cho các em trong học tập.

Với học sinh THCS, tuy nền nếp ổn định hơn nhưng chất lượng học tập lại phân hóa rõ rệt. Thầy Phan Đình Xiềng-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) thông tin: Nhờ làm tốt công tác chủ nhiệm nên học sinh đến trường tương đối đầy đủ, nhưng có sự phân hóa rõ rệt. Đa phần các em có ý thức ôn bài ở nhà trong thời gian tạm nghỉ nên dễ dàng trở lại guồng học tập. Tuy nhiên, một số em vì điều kiện gia đình khó khăn, theo cha mẹ đi làm rẫy, ít ôn bài nên hổng kiến thức nhiều. Do vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên nhanh chóng phân loại học sinh và lên kế hoạch phụ đạo học sinh yếu vào dịp cuối tuần hoặc trái buổi, đảm bảo cho các em theo kịp chương trình.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm