Thời sự - Bình luận

Nhìn từ một cái Tết không sốt giá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Ngày thường chỉ 10.000 đồng/km, ngày Tết thì 45.000 đồng/km- Nguyễn Văn Thanh, người đàn ông từ Ninh Bình lên Hà Nội chạy xe ôm nói. Nhưng điều lạ lùng không ở việc giá xe ôm tăng 4,5 lần, mà ở việc một cái Tết không có sốt giá!
Giá xe ôm dịp Tết có thể tăng tới 4,5 lần, nhưng cái đáng lo ngại là giá cả một số hàng hoá đầu vào như giá điện nhiều khả năng sẽ tăng sớm ngay từ đầu năm. Ảnh: Cường Ngô

Giá xe ôm dịp Tết có thể tăng tới 4,5 lần, nhưng cái đáng lo ngại là giá cả một số hàng hoá đầu vào như giá điện nhiều khả năng sẽ tăng sớm ngay từ đầu năm. Ảnh: Cường Ngô

Phóng viên Lao động gặp ông Thanh ở một ngã tư nào đó của Hà Nội. Tính toán của người đàn ông này rất đơn giản: Ngày thường, giá xe ôm 10.000 đồng/km thì thu được tầm 200-300.000 đồng. Còn Tết, có thể kiếm được 1 -1,5 triệu đồng. Trên xe của ông, “niêm yết” rõ giá dịch vụ. Ông không ép ai phải đi cả.

Giá dịch vụ tăng gấp rưỡi, gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4,5 lần như trường hợp ông Thanh thật ra là chuyện mỗi năm vẫn xảy ra... khi những người lao động chấp nhận “hy sinh” thời gian ba ngày Tết đặng tăng thêm thu nhập.

Nhưng điều lạ lùng của cái Tết năm nay là đã không hề xảy ra hiện tượng hết hàng, sốt giá.

Báo cáo nhanh về tình hình giá cả thị trường Tết Quý Mão của Bộ Tài chính nhận xét: Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú đa dạng, giá cả thị trường tương đối ổn định so với ngày thường, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, ổn định.

Sau Tết, tại các chợ dân sinh, giá rau củ tăng tương đối cao. Nhưng ở mức có thể chấp nhận được. Ở cả tỉ lệ % tăng thêm, cả ở sự chấp nhận của các bà nội trợ.

Giá cả dịch vụ cũng vậy. Trong tuần nghỉ Tết, các ứng dụng đặt xe đều chỉ thu thêm phụ phí không lớn, từ 5.000 đồng- 20.000 đồng với mỗi chuyến xe...

Tại Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà hàng, quán ăn đều chỉ thu thêm phụ phí 10% hoá đơn. Số tiền, để bù đắp chi phí và trả tiền lương cho nhân viên phục vụ ngày Tết.

Người dân nào cũng vui, cũng mong giá cả sau Tết đừng quá sốt, đừng quá cao.

Nhưng không phải là không có lý do khi chỉ tiêu lạm phát năm nay được giao là 4,5%.

Bộ Tài chính, trong chỉ thị về các biện pháp quản lý thị trường dịp Tết đã “điểm danh” một số yếu tố có thể gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết. Đặc biệt là việc giá một số hàng hoá dịch vụ đầu vào ảnh hưởng rất lớn đến dân. Chẳng hạn, giá học phí tiếp tục tăng theo lộ trình. Giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng trong quý I.2023. Và đặc biệt là giá điện- nhiều khả năng sẽ tăng sớm từ đầu năm.

Có lẽ, việc tăng giá các mặt hàng đầu vào, hoặc ảnh hưởng rất lớn đến cả chục triệu dân cần được tính toán kỹ. Bởi nếu nhìn từ một cái Tết không hề sốt giá cũng có gì đó không bình thường lắm. Nó chính là sự phản ánh sức mua của thị trường và tiền túi của dân đã yếu và ít đi nhiều sau một năm không ít khó khăn.

Có thể bạn quan tâm