Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Nhìn từ Pleiku: Rưng rưng cờ đỏ sao vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 72 năm qua, kể từ những ngày mùa thu lịch sử năm 1945, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành một phần máu thịt thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Lá cờ ấy đã theo chân những người lính bước vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp để rồi kiêu hãnh tung bay trên nóc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong ngày 7-5-1954. Lá cờ ấy đã đi theo những đoàn quân giải phóng vượt Trường Sơn tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để giờ đây, mỗi lần ngước lên lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ thấm máu biết bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, chúng ta đều không khỏi rưng rưng tự hào.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chỉ xuất hiện trong các sự kiện trọng đại của đất nước, không chỉ ngày ngày tung bay trên bầu trời Tổ quốc, từ miền ngược đến miền xuôi, từ biên giới đến hải đảo xa xôi, suốt bao năm qua, lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành một phần hành trang không thể thiếu của biết bao người con đất Việt mỗi lần rời xa đất nước. Và không biết bao lần, lá cờ đỏ sao vàng đã kiêu hãnh, tự hào vươn cao trên bầu trời những miền đất cách xa Tổ quốc ngàn vạn dặm.

Thời gian đã lùi xa nhưng hình ảnh Anh hùng Phạm Tuân khoác lên mình bộ quần áo phi hành gia với quốc huy Việt Nam trên ngực và lá cờ Tổ quốc trên tay trong chuyến bay vào vũ trụ ngày 23-7-1980 thì nhiều người hẳn vẫn còn nhớ. Cũng chưa ai có thể quên hình ảnh đầy xúc động tại Olympic Sydney 2000 khi võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân với lá cờ đỏ sao vàng chạy quanh nhà thi đấu State Sports Center khi mang về chiếc huy chương bạc Olympic đầu tiên trong lịch sử cho thể thao Việt Nam. Hay chỉ mới cách đây 1 năm thôi, cũng vào những ngày tháng 8 này, rất nhiều người Việt Nam, trong đó có cả tôi đã không cầm nổi những giọt nước mắt tự hào trong thời khắc nhìn thấy quốc kỳ Việt Nam được kéo lên ở vị trí cao nhất tại đấu trường Olympic trong tiếng nhạc hào hùng của bản Tiến quân ca. Hôm ấy, vận động viên Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử của thể thao Việt Nam với tấm huy chương vàng môn bắn súng tại Olympic Rio 2016 tổ chức ở Brazil.

Cuối tuần qua, đúng vào ngày cả nước ta rợp bóng cờ đỏ sao vàng hân hoan kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thì tại sân vận động Bukit Jalil ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), quốc kỳ Việt Nam cũng kiêu hãnh tung bay trên tay các thành viên đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 29. Và không chỉ trong ngày khai mạc, suốt từ hôm đó đến thời điểm tôi ngồi viết bài này (chiều 24-8), quốc kỳ Việt Nam đã 29 lần (và chắc chắn sẽ còn tiếp tục) được trang trọng kéo lên ở vị trí cao nhất trên đất Malaysia. Những gương mặt đã đem vinh quang về cho Tổ quốc có thể kể đến như: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Lê Tú Chinh, Vũ Thị Mến, Dương Văn Thái, Nguyễn Thị Huyền, Vũ Thị Ly (điền kinh), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Dương Thúy Vi, Hoàng Thị Phương Giang (wushu)…

Trong những ngày diễn ra SEA Games 29, ngoài những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Malaysia còn có rất nhiều cổ động viên trong nước đã bỏ công sức, tiền bạc lặn lội vượt ngàn dặm sang đây cổ vũ cho các đội tuyển của nước ta thi đấu. Trong hành trang của họ dĩ nhiên không thể thiếu lá cờ Tổ quốc. Thậm chí, Hội Cổ động viên Bóng đá Việt Nam còn kỳ công làm một lá đại kỳ rộng hơn 400 m2, nặng khoảng 40 kg mang sang Malaysia để tiếp sức cho đội U22 và đội tuyển bóng đá Việt Nam. Chính những lá cờ trên khán đài này và cả những lá cờ nhỏ được in trên ngực áo đã trở thành nguồn sức mạnh thôi thúc mỗi vận động viên phải nỗ lực hơn nữa trong các cuộc tranh tài, góp phần mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Còn với chúng ta, những người không có điều kiện sang Malaysia phất cao lá cờ đỏ sao vàng cổ vũ các đội tuyển Việt Nam thi đấu tại SEA Games thì hàng ngày hãy bật ti vi lên theo dõi, để lại được rưng rưng tự hào khi thấy quốc kỳ Việt Nam tung bay trên đỉnh cao nhất cùng tiếng nhạc hùng tráng của bản Tiến quân ca sau mỗi môn thi đấu.

Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm