Điểm đến Gia Lai

Nhớ mãi chuyến công tác nơi rẻo cao Đak Trôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã gần 15 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể quên chuyến công tác đầu tiên về vùng xa Đak Trôi, 1 trong 5 xã phía Đông sông Ayun của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Cái nắng tháng ba Tây Nguyên làm mặt đường nhựa như loáng nước, in bóng những hàng cây bạch đàn, bời lời trong ngút ngàn rừng Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đê Ar chạy dài hai bên. Con đường ngoằn ngoèo uốn lượn quanh những quả đồi thấp, có lúc như lọt thỏm, hun hút giữa rừng cây.

Gần đến Đak Trôi, cảnh bên đường đã khác, hoang vắng, khô khốc giữa buổi trưa trời nắng như đổ lửa. Những thửa ruộng bậc thang nhỏ như bàn tay úp trên sườn đồi đã cuốc ải xong đang chờ mưa. Rồi đến khu vực trung tâm xã, nơi đây dân cư khá đông đúc. Được biết năm 2003, điện lưới quốc gia đã về đến Đak Trôi, còn trước đó thì Trạm Y tế xã, nhà rông văn hóa cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang, trường phổ thông cơ sở 2 tầng đang xây mới, gần hoàn thiện. Như vậy nếu cứ theo cách người ta thường dùng để đánh giá một địa phương là điện-đường-trường-trạm thì Đak Trôi gần như có đủ.

Đak Trôi có quỹ đất khá rộng (hơn 7.400 ha) song phần lớn là đất lâm nghiệp địa hình đồi dốc, đá sỏi, phần còn lại là thung lũng mùa mưa đều bị ngập nước. Cả xã có khoảng 200 ha ruộng nước chỉ sản xuất được một vụ trên cánh đồng gần làng Klong (cũ), cách hồ Ayun Hạ chừng 5 km. Điểm nhấn của Đak Trôi chính là khu vực sản xuất này.

Từ trung tâm xã, xe ô tô chầm chậm leo lên đường đèo dốc 45 độ thảm bê tông hơn 4 km đưa chúng tôi đến làng. Trên đỉnh đèo nhìn thấy những ngọn núi lửa tròn nhấp nhô và hồ Ayun Hạ ở phía xa. Con đường bê tông này là kết quả sự tích cực vận động các nguồn vốn nhà nước của Đảng bộ và chính quyền huyện Mang Yang, đặc biệt là nguyên Bí thư Huyện ủy Phan Xuân Trường. Có con đường, dân làng Klong mới chịu dời làng lên ở gần trung tâm xã có điện, có trường học, gần trạm y tế và dễ dàng vận chuyển nông sản từ ruộng về. Làng cũ vẫn còn giữ nguyên nhưng không ai ở.

Đến với Đak Trôi, bạn sẽ được “no mắt” bởi những đồng lúa chín vàng. Ảnh: Ngọc Thu

Đến với Đak Trôi, bạn sẽ được “no mắt” bởi những đồng lúa chín vàng. Ảnh: Ngọc Thu

Rời làng vắng Klong, xe lại ngược đèo đưa tôi về xã, ngoái nhìn lại phía sau, mặt hồ Ayun Hạ xanh mát giữa nắng trưa. Chợt nhận ra một nghịch lý, cách hồ chỉ mấy cây số mà ruộng đồng Đak Trôi lại khô khốc chờ mưa…

Tôi chợt hiểu ra có lẽ cái nghèo đã khiến cho người dân Đak Trôi nhận thức được giá trị của việc học tập: muốn hết nghèo, hết khổ không gì hơn là phải học. Chính ý thức ấy đã giúp cho hàng trăm hộ đồng bào Bahnar ở Đak Trôi vui vẻ dời làng đến khu vực trung tâm xã theo chương trình định cư, xa bóng cây pơ lang thân quen từ thuở ấu thơ, xa máng nước trong mát ngày đêm róc rách chảy…

Chắc hẳn niềm khát khao được học, được tiến bộ cháy bỏng trong mỗi ngôi nhà sàn nơi đây cho nên gần 15 năm trước chỉ với trên 2.100 khẩu mà Đak Trôi lại có đủ các cấp học hoàn chỉnh, đặc biệt là bậc THCS. Từ năm 2005, xã đã phổ cập tiểu học và 2 năm sau tiếp tục phổ cập THCS.

Sau bữa cơm trưa đạm bạc, tôi mang theo nỗi băn khoăn về đời sống và tình hình sản xuất của Đak Trôi về đến trụ sở UBND huyện Mang Yang. Chừng ấy diện tích ruộng lúa 1 vụ, chừng ấy con người, tất nhiên Đak Trôi bảo đảm được vấn đề an ninh lương thực cho địa phương, song phải làm gì để xã vùng xa này thoát nghèo thì chính các anh lãnh đạo huyện đã hé lộ cho tôi lời giải. Huyện đã hợp đồng với Trung tâm Giống cây trồng tỉnh triển khai Đề án phục tráng giống lúa Ba Chăm ở Đak Trôi. Đây là giống lúa nổi tiếng của địa phương, cơm thơm và rất ngon, được nhiều người ưa thích.

Cảnh sắc thơ mộng tại cánh đồng lúa Ba Chăm ở Đak Trôi. Ảnh: Lê Gia
Cảnh sắc thơ mộng tại cánh đồng lúa Ba Chăm ở Đak Trôi. Ảnh: Lê Gia

Lúa Ba Chăm có ưu điểm là chịu được hạn, chịu được lũ, ít sâu bệnh, dinh dưỡng rất cao song nhược điểm là năng suất bấy giờ đạt thấp, chỉ khoảng 1,5 tấn/ha. Trung tâm đã triển khai sang năm thứ ba, sắp đưa vào trồng đại trà, nếu thành công sẽ nâng năng suất lên 3 tấn/ha và rất phù hợp với 200 ha chân ruộng bậc thang ở Đak Trôi. Thêm một tin vui nữa là từ mùa mưa năm 2007, Đak Trôi đã trồng thử 25 ha cao su tiểu điền và một ít diện tích cà phê, qua gần 3 năm cho thấy cây cao su phát triển tốt trên một số vùng đất đồi nơi đây.

Không một cuộc vận động nào hiệu quả bằng chính người dân được tận thấy, tận nghe và tự mình làm. Tôi nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn theo dõi thông tin từ Đak Trôi và rất vui khi được biết đường nhựa đã về đến khu trung tâm, toàn xã sản xuất đến 360 ha giống lúa Ba Chăm, năng suất bình quân trên 3 tấn/ha. Đặc biệt năm 2019, gạo Ba Chăm được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận thương hiệu nổi tiếng Việt Nam và cuối tháng 12-2020, huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Mang Yang cho sản phẩm này. Gạo Ba Chăm là một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh và đã có mặt tại các đô thị lớn trong nước. Từ một xã vùng xa nhiều khó khăn, Đak Trôi đã tiến một bước dài trên con đường phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Có thể bạn quan tâm