Kỳ thú những cánh đồng bậc thang ở Đak Trôi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, cánh đồng bậc thang ở Đak Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cùng loại gạo đặc sản Ba Chăm rõ ràng là nguồn tài nguyên để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. 
Gieo mầm xanh trên đá
Đak Trôi là mảnh đất cằn cỗi của huyện Mang Yang với núi đồi lởm khởm sỏi đá. Nhưng với đức tính siêng năng, cần mẫn của người Bahnar, những mảng đồi bạc xám đã được phủ màu vàng óng ánh của lúa. Già Bnhưn (67 tuổi, làng Tơ Bla) dẫn chúng tôi rảo bước trên con đường đèo xuống vùng thung lũng rồi tự hào khoe về những thửa ruộng đã trở thành “kỳ quan”.
Già chia sẻ: Đak Trôi vốn là vùng căn cứ cách mạng, nuôi giấu Bộ đội Cụ Hồ. Ngày ấy, người Bahnar ở đây chỉ biết chọc trỉa gieo những hạt lúa trên khe đá rồi chờ vào nước trời. Khi thóc trong bồ đã hết, dân làng phải lặn lội vào rừng hái lá, đào củ mài để chống đói. Thấy vậy, bộ đội đã khuyến khích, chỉ dẫn dân làng trồng lúa. Nguồn nước tưới được dẫn về từ những khe nước trên núi.
Người Bahnar ở Đak Trôi thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Lê Gia
Người Bahnar ở Đak Trôi thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Lê Gia
Thế rồi người Đak Trôi bắt tay vào công cuộc biến núi đá thành ruộng bậc thang. Từ những thanh niên trai tráng đến người già đều tham gia nhặt đá, đắp bờ, cải tạo đất. Cả những em bé chưa biết đi cũng được cha mẹ địu trên lưng theo từng bước chân lao động cần mẫn. Những vị cao niên có kinh nghiệm đi tìm nguồn nước ổn định trên đỉnh núi rồi dùng tre nứa làm thành đường ống dẫn về ruộng. Người làng háo hức ra đồng từ khi chú gà đầu tiên trong làng cất tiếng gáy, khi những mảng sương còn dày đặc trên ngọn cây kơ nia ở triền đồi. Đến khi mặt trời đứng bóng, mồ hôi nhễ nhại, bà con vẫn miệt mài tỉ mẩn với những hòn đá dù bàn tay đã rơm rớm máu.
Nhìn những bờ ruộng uốn lượn quanh co từ đỉnh đồi đến thung lũng, chúng tôi bất chợt liên tưởng ấy là tác phẩm nghệ thuật của những nghệ nhân thực thụ. Những khối đá lớn nhỏ xếp lên nhau đều tăm tắp tạo ra những họa tiết như trong một bức tranh. Trên một số điểm cao, dân làng be bờ tạo ra những ruộng bậc thang theo đường tròn được ví như “mâm xôi” làm nên nét chấm phá thơ mộng giữa bao la núi đá. Điểm tô giữa đồng lúa vàng là những bóng cây cô đơn, những căn chòi đơn sơ, mộc mạc.
Cánh đồng vàng Đak Trôi nằm bên bờ hồ Ayun Hạ hùng vĩ. Ảnh: Lê Gia
Cánh đồng vàng Đak Trôi nằm bên bờ hồ Ayun Hạ hùng vĩ. Ảnh: Lê Gia
“Ban đầu chỉ toàn đá với đá, nhưng làm mãi, làm mãi rồi đá cũng xếp gọn thành bờ mới có ruộng để trỉa lúa. Mỗi thửa ruộng đều phải san ra bằng phẳng sau đó mới dùng đá, đất đắp bờ. Mỗi góc ruộng đều có cửa đón và xả nước cho những ruộng thấp hơn. Tuy nhiên, cũng phải tính toán đường thoát nước để phòng khi có mưa lớn, nước trên núi đổ về làm vỡ bờ. Vất vả lắm nhưng dân làng đồng sức, đồng lòng, nghĩ tới việc có lúa, có cơm ăn mà quên hết cái mệt, chứ ăn lá rừng, củ mài xót ruột lắm”-già Bnhưn kể về quá trình làm ruộng bậc thang.
Có ruộng, người dân đã định canh, định cư, lập làng ven theo đồng lúa. Những quả đồi xám xịt chẳng mấy chốc xanh rì màu mạ non rồi vàng ươm khi lúa chín. Không còn là mảnh đất khô cằn, Đak Trôi trở thành cánh đồng trù phú bởi trầm tích từ những khu rừng mang lại nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cây lúa. Anh Hyang (38 tuổi, làng Đak Pêt) chia sẻ: “Trước đây, cây lúa phụ thuộc vào nước trời nên rất bấp bênh. Khi làm ruộng bậc thang, chủ động được nguồn nước, đất tơi xốp hơn nên lúa rất tốt, cho nhiều hạt hơn. Nay dân làng cũng biết làm ải, dùng phân hữu cơ trước khi xuống giống nên cây lúa lớn nhanh, ít sâu bệnh, thu nhiều hơn trước. Mỗi nhà đều có 3-4 sào lúa, người nhiều 7-8 sào, không chỉ đủ ăn mà còn đem bán”.
“Hạt ngọc trời” Ba Chăm
Không chỉ đặc biệt bởi những ruộng bậc thang trên núi đá, Đak Trôi còn là nơi hiếm hoi canh tác giống lúa quý Ba Chăm. Trải qua thăng trầm với nhiều giống lúa đến rồi đi, người Bahnar nơi đây hiện tại chỉ gieo trồng giống lúa Ba Chăm. Những người lớn tuổi ở Đak Trôi cũng không thể nhớ giống lúa này có từ lúc nào, chỉ biết rằng nó được ví như những “hạt ngọc trời” quý giá. 
Cây lúa Ba Chăm dù không phải chăm bón cầu kỳ, không thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn vươn cao, vững vàng, thích hợp với đất đai và khí hậu ở Đak Trôi. Để rồi lúa cho ra những hạt gạo thuôn dài, trắng muốt, khi nấu cơm bừng lên mùi thơm dễ chịu. Hạt cơm dẻo và để được trong thời gian khá lâu, giữ nguyên vị thơm ngon. Người Bahnar ở Đak Trôi từ sáng sớm đã dậy nấu cơm gói vào lá rừng, cho vào gùi đem lên rẫy, đến trưa lấy ra ăn vẫn cảm nhận như cơm mới. Mỗi khi Tết đến, xuân về, trong mâm cơm của người Bahnar đãi khách không khi nào thiếu nồi cơm thơm phức cùng với tô canh lá mì, ăn với cá suối bắt từ những khe rạch len lỏi khắp vùng.
Cảnh sắc thơ mộng tại cánh đồng lúa Ba Chăm ở Đak Trôi. Ảnh: Lê Gia
Cảnh sắc thơ mộng tại cánh đồng lúa Ba Chăm ở Đak Trôi. Ảnh: Lê Gia
Ông Nguyễn Hải Triều-Chánh Văn phòng Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai: “Xu hướng và tâm lý của nhiều du khách đến với Gia Lai rất muốn tìm đến những nơi có khung cảnh hoang sơ và các buôn làng còn gìn giữ nét văn hóa đặc trưng như Đak Trôi. Nơi đây giao thông tương đối thuận lợi và còn có sản vật nổi tiếng là gạo Ba Chăm dễ thu hút du khách đến trải nghiệm. Chúng tôi đang nghiên cứu tạo sự kết nối với địa phương và hy vọng được tiếp sức hỗ trợ để đưa Đak Trôi trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách”.
Ông Đinh Planh-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi-cho hay: Toàn xã có gần 370 ha lúa nước, toàn bộ đều trồng giống lúa Ba Chăm. Đây là loại gạo đặc sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Xã có 3 làng với 667 hộ, hầu hết các hộ dân đều canh tác lúa nước trên những ruộng bậc thang trải dài đến vùng thung lũng bán ngập của lòng hồ Ayun Hạ. “Gạo Ba Chăm vừa sạch, vừa thơm ngon được đông đảo thực khách gần xa ưa chuộng. Họ không chỉ mua về sử dụng mà còn làm quà quý biếu cho bạn bè, người thân. Người dân Đak Trôi cũng được hưởng lợi phần nào bởi gạo có giá, được bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ thoát được đói nghèo và có tích lũy”-ông Planh bày tỏ.
Theo con đường bê tông phẳng lì, chúng tôi đến ngôi làng Đak Pêt lọt thỏm giữa cánh đồng lúa rộng lớn. Sau khoảng thời gian vất vả làm lụng, dân làng Đak Pêt đang tập trung dưới gốc cây cổ thụ để mổ bò mừng lúa mới. Vẫn chưa hết khó khăn, nhưng sau một mùa vụ bội thu, họ ngồi lại cùng nhau cảm tạ trời đất, chia sẻ tâm tình. Già Kling tâm sự: “Năm nay mưa thuận, gió hòa, cây lúa tươi tốt nên bà con vui lắm và tập trung ăn mừng, chia sẻ niềm vui với nhau. Tết này bà con không lo đói nữa rồi”.
Tiềm năng phát triển du lịch
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, cánh đồng bậc thang ở Đak Trôi cùng loại gạo đặc sản Ba Chăm rõ ràng là nguồn tài nguyên để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Không ít du khách khi “lạc chân” đến nơi này đã không khỏi trầm trồ, quyến luyến với khung cảnh non xanh nước biếc hùng vĩ.
Ngôi làng của người Bahnar vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc. Ảnh: Lê Gia
Ngôi làng của người Bahnar vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc. Ảnh: Lê Gia
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Hoàng Văn Tùng (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng vẫn phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nơi đây. Những thửa ruộng bậc thang giữa núi đá, những con suối róc rách trong veo, người Bahnar nơi đây chân chất, thật thà cùng khung cảnh lòng hồ Ayun Hạ bát ngát tươi xanh… thật hiếm nơi nào có được. Tiếc rằng nơi này chưa được quảng bá rộng rãi nên ít người biết đến. Nếu được quan tâm đúng mức chắc chắn sẽ trở thành địa điểm thu hút khách du lịch”.
Ông Đinh Planh nhận định: Hiện nay, đường đến Đak Trôi đã được đầu tư xây dựng. Từ quốc lộ 19 vào đến trung tâm xã và qua những cánh đồng đến vùng thung lũng đều đã được trải nhựa và bê tông. Giao thông thuận lợi, khung cảnh hữu tình, do đó Đak Trôi rất thuận lợi để phát triển du lịch.
LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm