Phóng sự - Ký sự

Nhọc nhằn mưu sinh để tìm con chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để được đến trường, những em nhỏ người Bahnar ở xã Kông Yang (huyện Kông Chro, Gia Lai) ngày ngày phải rong ruổi khắp nơi nhặt phân bò. Những chiếc đầu trần, chân đất đi hàng chục cây số, dầm mình dưới cái nắng nóng gắt để kiếm từng gùi phân. Nhọc nhằn là vậy, nhưng vì cuộc sống mưu sinh và ước mơ lấp đầy những con chữ, các em vẫn tiếp tục…
Theo chân những em nhỏ người Bahnar ở xã Kông Yang (huyện Kông Chro, Gia Lai) đi nhặt phân bò khô, chúng tôi mới thấy hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của các em. Trên cánh đồng, rất nhiều em nhỏ với đầu trần, chân đất đang cặm cụi nhặt nhạnh từng miếng phân. Chiếc gùi to như đè nặng lên những đôi vai gầy gò của các em.
Để kiếm được một gùi phân, các em phải đi hàng chục cây số, hết cánh đồng gần rồi đến cánh đồng xa, dầm mình dưới ánh nắng như thiêu như đốt. Nhưng số tiền kiếm được không đáng là bao so với công sức của các em bỏ ra. Mỗi ngày, may mắn lắm các em kiếm được 1-2 gùi phân, đem bán được hơn chục ngàn đồng phụ giúp gia đình và mua  thêm sách vở. Chị Ngô Thị Vinh- một người làm nghề thu mua phân bò ở thị trấn Kông Chro cho biết: “Chị làm nghề này cũng đã lâu, hàng ngày có rất nhiều em nhỏ đến bán. Một gùi phân chị mua với giá 5.000 đồng, còn một bao là 12.000 đồng”.
Nhiều trẻ em xã Kông Yang (huyện Kông Chro) hàng ngày phải đi nhặt phân bò kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ảnh: Thục Vy
Với dáng người nhỏ và nước da đen nhẻm, trên vai đang cõng một chiếc gùi đầy phân bò khô, em Đinh Khách- học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Kông Yang nở nụ cười rất tươi, đó là thành quả của em sau nửa ngày lao động. Hỏi em gùi như vậy có nặng không, em hồn nhiên trả lời: “Em đi gùi mì, gùi bắp giúp gia đình quen rồi. Gùi phân này không nặng đâu!”. Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, ba mất từ khi em mới lên 4 tuổi. Cuộc sống mưu sinh đè nặng lên đôi vai của mẹ, là con út nhưng em đã biết phụ giúp mẹ làm nương rẫy. Năm lên 7 tuổi, em đã biết theo các bạn trong làng đi nhặt phân bò bán lấy tiền giúp mẹ và mua sách vở đi học. Gương mặt em như sáng bừng lên khi nghe chúng tôi hỏi về việc học và công việc trong tương lai. “Em rất thích đi học, em muốn sau này lớn lên làm giáo viên để dạy các em nhỏ”- Đinh Khách cười tươi nói.
Ông Đinh Văn Tuy- Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Kông Yang cho biết: “Nhặt phân bò khô đã có nhiều năm rồi. Người ta mua về để bán cho các trang trại trồng cà phê. Trong xã có rất nhiều em nhỏ ngoài giờ đi học là tranh thủ đi nhặt phân. Hầu hết các em là con những gia đình có cuộc sống khó khăn…”.
Kông Yang vốn là xã nghèo của huyện Kông Chro. Theo thống kê, đến cuối năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 10% dân số (hơn 100 hộ). Và số cận nghèo, thoát nghèo chưa bền vững chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nghèo khó là vậy nhưng trong xã có số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên rất nhiều, đặc biệt có những gia đình sinh từ 8 đến 10 người con. Cũng vì nghèo khó nên đa phần trẻ em ở đây bỏ học. Một số may mắn được đi học thì cũng phải tranh thủ phụ giúp gia đình làm nương rẫy, đi nhặt phân bò khô…
Ông Đinh Nhun, ở làng Bà Bã, xã Kông Yang, có đến 10 đứa con, vợ chồng ông phải chạy đôn chạy đáo để kiếm miếng ăn. Cuộc sống nghèo khổ, thiếu trước hụt sau nên với vợ chồng ông, chuyện học hành của các con là điều không tưởng. Trong 10 đứa con thì hết 9 đứa chưa một lần cắp sách đến trường. “Mình thương lũ nhỏ lắm, chỉ vì vợ chồng mình sinh nhiều con nên chúng nó phải chịu khổ, không được đến trường. Chỉ có cô con gái út được đi học, vợ chồng mình cố gắng cho nó học hành đến nơi đến chốn”- ông Đinh Nhun thổ lộ.
Mới ngoài 50 tuổi nhưng ông Đinh Quốc, ở làng Bà Bã, xã Kông Yang cũng “kịp” có tới… 8 mặt con. Cả nhà 10 miệng ăn chỉ trông chờ vào 5 sào lúa. Để nuôi con no cái bụng, ngoài thời gian làm ruộng, vợ chồng ông phải đi làm mướn. Suốt ngày phải đầu tắt mặt tối nhưng cái nghèo vẫn bám riết lấy gia đình ông. Những người con của ông lần lượt nghỉ học ở nhà đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chỉ có người con thứ sáu- Đinh Hách là được đến trường, năm nay đang học lớp 3. Ngoài giờ đi học, Đinh Hách cũng phải tham gia “đội quân” nhặt phân bò khô. Tuy số tiền kiếm không được là bao nhưng cũng đủ giúp nó mua thêm sách vở và vài bộ quần áo để đến trường.
Theo ông Đinh Văn Tuy- Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Kông Yang thì đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương này rất khó khăn. Kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy nên thu nhập vẫn còn thấp. Việc học hành cũng được chú trọng nhưng vì sinh nhiều con và cuộc sống còn nghèo khó nên đường đến trường vẫn còn xa và đầy nhọc nhằn với nhiều em nhỏ.
Thục Vy
      

Có thể bạn quan tâm