Nhọc nhằn nghề cạo vỏ bời lời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa tiết trời nắng gắt, nhiều phụ nữ ở huyện Chư Pah vẫn miệt mài cạo vỏ cây bời lời. Dù công việc nhọc nhằn song số tiền công nhận được khoảng 160.000 đồng/ngày cũng phần nào giúp họ trang trải cuộc sống.
Gần 12 giờ trưa, trong khoảng sân rộng của bà Dương Thị Hiền (thôn Ia Lâm, thị trấn Ia Ly), một nhóm 4 phụ nữ vẫn cần mẫn ngồi cạo vỏ cây bời lời. Khuôn mặt lăn dài những giọt mồ hôi. Để lấy được vỏ bời lời, họ phải dùng cây nọ đập vào thân cây kia. Tùy lực đập mạnh hay yếu mà lớp vỏ bong ra nhiều hay ít. Với những cành bời lời nhỏ, họ dùng dao cạo chuyên dụng. Theo nhịp tay đưa thoăn thoắt, từng lớp vỏ cuộn tròn rơi xuống. Sau khi cạo, vỏ bời lời được phơi khô, bán cho những cơ sở làm nhang.
Bà Phạm Thị Trầm (55 tuổi, tổ 2, thị trấn Ia Ly) đã theo nghề này được hơn 10 năm. Trước đây, bà thường theo phụ việc tại các công trình xây dựng. Khi sức khỏe suy giảm, bà chuyển qua nghề cạo vỏ bời lời thuê. Mỗi ngày, các mối thu mua bời lời chở cây đến tận nhà giao cho bà Trầm cạo vỏ. Dù chỉ nhận những cành bời lời nhỏ nhưng bà cũng phải làm từ sáng đến tối mịt mới được hơn 100 ngàn đồng. Công việc tuy mất thời gian, thu nhập không cao nhưng bù lại không phải dãi nắng dầm mưa.
Bà Trầm chia sẻ: “Cạo những cây nhỏ tuy được ít vỏ, ít tiền nhưng đỡ mất sức hơn những thân cây to. Tôi nhiều tuổi rồi nên chỉ chọn việc nhẹ nhàng hơn một chút để có thêm thu nhập cho gia đình, nuôi con ăn học. Hơn 10 năm cạo vỏ cây bời lời, tôi biết rõ những cành nào cho nhiều vỏ và cạo cũng không còn mỏi tay như lúc mới làm”.
Với nhiều phụ nữ ở huyện Chư Pah, nghề cạo vỏ bời lời đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Ảnh: N.T
Nghề cạo vỏ bời lời đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ ở huyện Chư Pah. Ảnh: N.T
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (30 tuổi, thôn 2, xã Nghĩa Hòa) cũng làm nghề cạo vỏ bời lời thuê đã gần 5 năm. Công việc này đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình chị. Chồng chị Thảo là lao động thời vụ của một công ty khai thác đá, thu nhập bấp bênh. Vì vậy, khoản thu nhập đều đặn 160 ngàn đồng/ngày từ việc cạo vỏ bời lời giúp chị có thêm tiền nuôi 2 con nhỏ ăn học. Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng đến tối mịt.
“Cạo vỏ bời lời vất vả lắm, có những lúc ăn cơm mà tay mình cứng đơ không cầm nổi đôi đũa. Hai bàn tay mỏi nhừ, thâm đen lại bởi nhựa vỏ bời lời thấm vào. Vì công việc làm mất nhiều thời gian nên mình phải gửi 2 con nhỏ cho người ta trông. Tuy vất vả nhưng mình cũng có thu nhập ổn định để cho con ăn học”-chị Thảo tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống nhờ cạo vỏ cây bời lời. Ảnh: N.T
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống nhờ nghề cạo vỏ bời lời. Ảnh: N.T
Bà Dương Thị Hiền đi khắp các huyện trong tỉnh thu mua cây bời lời về cạo vỏ bán. Hơn 10 năm gắn bó với việc thu mua bời lời, bà Hiền thấu hiểu nỗi vất vả của nghề này. Vì thế, ngoài việc chở cây đến tận nhà cho những người nhận cạo, thỉnh thoảng, bà còn trả thêm tiền công cho họ. Bà Hiền tâm sự: “Chị em phụ nữ giờ kiếm được việc làm ổn định cũng khó. Vì vậy, tôi thu mua rồi giao cây để họ cạo vỏ kiếm thêm thu nhập”.
Nhọc nhằn, vất vả là vậy nhưng nhiều phụ nữ ở huyện Chư Pah vẫn bám trụ với nghề cạo vỏ bời lời để mưu sinh. Cũng nhờ nguồn thu nhập ổn định từ công việc này mà nhiều gia đình đã khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm