Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Nhức nhối nạn đào đãi vàng trái phép tại Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhức nhối nạn đào đãi vàng trái phép tại Lâm Đồng ảnh 1
 
Mặt bằng đất canh tác tan nát, dòng sông Đạ Quyn Zon biến dạng, an ninh trật tự trở nên phức tạp, đời sống của người dân địa phương ngày càng khó khăn là những gì đang tồn tại ở vùng mỏ vàng xã Đa Quyn và bắt đầu lan sang xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Bức tử một dòng sông
Tại Đa Quyn, dòng sông Đạ Quyn Zon thơ mộng, hiền hòa ngày nào giờ đã không còn dòng chảy. Trên bờ sông có nhiều hầm, hố, có những nơi sâu cả chục mét với bờ vực dựng đứng nguy hiểm.
Những từ được nói nhiều ở vùng đất này là “mỏ vàng,” "đào đãi”... Hàng trăm người dân bỏ ruộng, bỏ vườn tham gia đội quân mót xái vàng kiếm tiền "nóng" qua ngày trong khi các đối tượng đào đãi lén lút đào bới cả ngày lẫn đêm. Ông Ya Thương- Chủ tịch xã Đa Quyn cho biết: “Gần như toàn bộ lưu vực bờ đất dài hơn 8km chảy qua xã của con sông Đạ Quyn Zon đã bị đào bới tan tành. Lòng sông vừa bị tắc nghẽn vừa biến dạng. Đã có 12 con bò của dân uống phải nước nhiễm hóa chất đãi vàng mà chết.”
Không chỉ là thảm họa đối với cảnh quan, môi trường, tình trạng đào đãi sa khoáng trái phép đã bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh của hàng trăm gia đình bên bờ sông. 52 hộ dân nghèo đã bị các đối tượng đào đãi vàng trái phép dụ dỗ sang nhượng đất canh tác bên bờ sông để đào vàng.
Chủ tịch xã Ya Thương và cán bộ địa chính xã Đạ Quyn thừa nhận thực tế nhức nhối này nhưng chính quyền xã vẫn chưa đưa ra được con số thống kê cụ thể về diện tích.
Đe dọa cả công an và cán bộ xã

Sự phức tạp, bát nháo của tình trạng đào đãi khoáng sản trái phép đã bắt đầu lan ra xã giáp ranh Tà Năng. Giờ đây không chỉ dân nghèo khốn đốn vì vàng, cả cơ quan chính quyền và nhiều cán bộ trực tiếp kiểm tra, xử lý công việc cũng chùn tay vì sự hù dọa của các đối tượng giang hồ tứ xứ tràn về.
Anh Nguyễn Thành An- Phó trưởng công an xã Tà Năng cho biết, tổ tuần tra của công an xã đi chặn bắt, xử lý các đối tượng vi phạm vào đêm khuya có khi bị chúng lao thẳng cả xe vào đội hình.
Bản thân anh An từng bị đối tượng vi phạm nhắn tin đe dọa đòi cắt tai, chặt cánh tay. Có lần anh An còn bị các đối tượng vi phạm hẹn gặp ngay trước cổng Ủy ban Nhân dân xã để “xử.”
Anh An bộc bạch: “Bây giờ tôi đi thực hiện nhiệm vụ ban đêm nhất thiết phải có cả trưởng công xã đi cùng. Mệt và sợ lắm rồi!”
Cùng cảnh với anh Nguyễn Thành Nam, ông K’Tem- Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Đa Quyn sau nhiều lần đi giải tỏa đào đãi vàng trái phép cũng đã bị các đối tượng vi phạm nhắn tin dọa cho nổ cả nhà.
“Đi tuần tra có cả công an với đầy đủ công cụ hỗ trợ vẫn thấy sợ. Thấy có công an thì chúng chạy lên núi không bắt được, không có công an thì chúng bất hợp tác, hù dọa,” ông K’Tem nói.
Tình trạng đào đãi vàng trái phép ở vùng Tà Năng, Đa Quyn đã tồn tại gần 26 năm qua. Rất nhiều lần tỉnh Lâm Đồng, huyện Đức Trọng đã chỉ đạo phải xử lý dứt điểm nhưng tình trạng này vẫn nhức nhối.
Cả cán bộ bí thư, chủ tịch, công an, địa chính của hai xã Đa Quyn và Tà Năng đều bày tỏ sự hạn chế trong quản lý do lực lượng xã vừa mỏng vừa yếu và thiếu kinh nghiệm xử lý thực trạng.
Trước tình trạng nóng của vùng vàng, ông Huỳnh Đức Hòa- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ký công văn chỉ đạo Giám đốc Công an, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng và các sở, ban, ngành liên quan họp gấp để bàn tính phương án giải quyết.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm