Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Những chiếc bánh kem đẹp 'không nỡ ăn' của chàng trai đến từ thành phố ngàn hoa  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với tay nghề khéo léo và độ tỉ mỉ cao, chàng trai của "thành phố ngàn hoa” (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã làm cho những cành hồng, đóa hoa mẫu đơn, đài sen, lan hồ điệp… “bung nở” khoe sắc trên những tháp bánh kem.

Suốt 8 năm theo đuổi công việc của một thợ làm bánh chuyên nghiệp, đến nay mỗi khi nhớ lại, anh Phan Đạt (35 tuổi), ngụ tại số 8 Thánh Tâm, TP.Đà Lạt lại cười: “Nghề này nó chọn mình”.

 

 Anh Phan Đạt và những học viên. Ảnh: NVCC
Anh Phan Đạt và những học viên. Ảnh: NVCC



Làm cho bánh kem... nở hoa

Trước khi bắt đầu với nghiệp làm bánh, Phan Đạt từng kinh doanh và làm nhiếp ảnh gia. Vì công việc khá ổn định, nên anh dành thời gian rảnh học thêm lớp làm bánh để phát triển thêm mô hình kinh doanh mới.


 

Anh Đạt bắt đầu niềm đam mê với bánh kem hoa từ năm 2015. Ảnh: NVCC
Anh Đạt bắt đầu niềm đam mê với bánh kem hoa từ năm 2015. Ảnh: NVCC



Phan Đạt chia sẻ: “Tôi dự định sẽ mở một quán trà bánh nhưng vì thời điểm 8 năm trước, hình thức này vẫn chưa thịnh hành tại TP.Đà Lạt và thợ làm bánh giai đoạn đó cũng rất ít. Sau khi tìm hiểu và nhận ra đam mê với bánh kem hoa, từ năm 2015, tôi dừng tất cả công việc cũ để theo đuổi”.
 

 
 
 
Những bông hoa mà anh Đạt làm ra. Ảnh: NVCC
Những bông hoa mà anh Đạt làm ra. Ảnh: NVCC


Thời gian ban đầu, anh Đạt làm hoa bằng đường và giấy gạo nhưng liên tục gặp bất cập vì cả hai thành phần này có rất nhiều nhược điểm khiến cho bánh mất đi tính thẩm mỹ.

“Đặc thù thời tiết tại Đà Lạt hay mưa nên có độ ẩm rất cao khiến cho công tác bảo quản hoa làm từ đường hay giấy gạo rất dễ hỏng, hoa làm ra lại không thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và hạn chế di chuyển xa do rất dễ gãy vỡ”, anh Đạt nói.



 

Chiếc bánh cưới mất 4 ngày hoàn thành của anh Đạt. Ảnh NVCC
Chiếc bánh cưới mất 4 ngày hoàn thành của anh Đạt. Ảnh NVCC



Ngoài ra, những nguyên liệu này đa phần phải nhập từ nước ngoài nên rất thụ động trong việc làm bánh. Đặc biệt là thời điểm phong tỏa biên giới do dịch Covid-19 khiến cho anh vô cùng chật vật vì không biết phải làm hoa thế nào.

“Suy nghĩ rồi tìm tòi rồi tôi nhận thấy sao mình không làm hoa bằng bột mì, bột gạo vì loại nguyên liệu này rất dễ tìm ở các quán tạp hóa tại Việt Nam không mất công phải nhập hàng. Thế là tôi thay đổi hoàn toàn nguyên liệu cũ, quyết phát triển bánh hoa theo tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao”, anh Đạt cho hay.

Để làm nên những bông hoa, đầu tiên, anh Đạt sẽ cán bột thật mỏng để tạo nên độ trong và làm ra cánh hoa trông giống thật hơn. Sau đó, tạo hình bột mô phỏng theo cánh hoa thật, tạo vân cánh rồi đem phơi khô với độ ẩm tầm 60-65% trong 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng là lên màu và gắn hoa.

 

 
Một số công đoạn làm hoa. Ảnh: NVCC
Một số công đoạn làm hoa. Ảnh: NVCC


“Mỗi bông hoa có số lượng cánh và độ tinh xảo riêng, trong đó tạo hình khó nhất là hoa sen phải nghiên cứu gần một tháng trời và làm nhiều cánh hoa nhất là mẫu đơn với 60-70 cánh. Tùy vào số lượng hoa trên bánh và sự kỳ công mà giá sẽ dao động từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng, đơn cử từng có một chiếc tháp bánh kem hoa cưới 3 tầng tôi làm mất 4 ngày mới thành phẩm”, anh Đạt chia sẻ.
"Những chiếc bánh kem đẹp ngoài sức tưởng tượng của mình"

Khi bắt đầu trình làng những chiếc bánh kem hoa đến thị trường, bên cạnh những lời khen thì cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng anh Đạt làm hoa thủ công như vậy sẽ khiến giá bánh bị đẩy cao lên, sao không dùng hoa thật để trang trí vì vừa đẹp lại rẻ?


 

 Mẫu bánh kem độc đáo của anh Đạt như một chậu cây thật sự với bình là cốt bánh phủ kem bơ và trà xanh. Ảnh: NVCC
Mẫu bánh kem độc đáo của anh Đạt như một chậu cây thật sự với bình là cốt bánh phủ kem bơ và trà xanh. Ảnh: NVCC



“Theo quan điểm của tôi, tất cả mọi thứ khi đưa vào chiếc bánh dù to hay nhỏ, đơn giản hay tinh xảo thì tất cả đều phải ăn được, dưới con mắt của dân trong nghề thì đây chính là sự sáng tạo và người mua cũng sẽ cảm thấy xứng đáng bỏ tiền ra khi nhận thấy sự kỳ công của người thợ qua những bông hoa làm từ bột này”, anh Đạt bày tỏ.

Bên cạnh đó, anh Đạt cũng cho rằng hoa thật ở một số nơi thường có phẩm màu hoặc phun thuốc trừ sâu, chất bảo quản nên anh không muốn xuất hiện có bất cứ "sự cố ngộ độc nào" trên những chiếc bánh kem của mình.


 

 Mỗi chiếc bánh tạo ra đều là một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: NVCC
Mỗi chiếc bánh tạo ra đều là một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: NVCC


Chàng thợ làm bánh này cho rằng “nghề chọn mình” vì lúc anh dừng hai công việc cũ, tất cả mọi người từ gia đình đến bạn bè ai cũng nghĩ anh có vấn đề. “Lúc tôi quyết định dừng cũng là lúc hai công việc kia đang rất ổn định, thậm chí có hướng phát triển nên khi bỏ ngang, mọi người phản đối rất nhiều. Ai cũng cho rằng với tính khí bốc đồng, nóng tính của tôi thì những công việc tỉ mỉ như làm bánh sẽ khiến tôi thất bại”, anh kể.

Nhưng với sự kiên trì của mình, đến nay không chỉ anh Đạt đã mở cho mình một cửa hiệu bán bánh kem mà anh còn mở thêm 4 lớp dạy làm bánh kem cho các học viên nhiều lứa tuổi khác nhau.

Là một trong những khách hàng thân thiết của cửa hiệu, chị Phạm Thị Xuân Trang (35 tuổi), ngụ tại 56 Phan Đình Phùng, P.1, TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: "Một năm tôi đặt cỡ chục chiếc bánh kem từ anh Đạt. Những chiếc bánh kem của anh được trang trí đẹp ngoài sức tưởng tượng của mình, mới đầu cứ tưởng hoa trang trí là hoa thật. Mỗi lần yêu cầu làm bánh gấp, anh đều rất nhiệt tình, ngồi nặn bánh cả ngày để giao cho kịp”.

Khi được hỏi “Điều mà anh chú ý nhất trong lúc làm bánh là gì”?, chàng trai của "thành phố ngàn hoa” này cho biết chính là sức khỏe. “Vì tôi đã từng biết những trường hợp và cả bản thân tôi chỉ vì ham nhận đơn rồi làm bánh liên tục đến 3, 4 giờ sáng, sau đó dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho cơ thể. Do đó, điều tôi muốn chia sẻ đến các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn muốn theo nghề bếp bánh chính là chú ý đến sức khỏe”, anh Đạt bộc bạch.

 

Theo Thượng Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm