.
Sau điều trị ung thư, Ngọc Diễm trân quý và tận hưởng cuộc sống ẢNH: NVCC |
Họ là các bệnh nhân kiên cường chiến đấu với ung thư, trong đó có những cô gái độ tuổi đôi mươi. Kỳ diệu thay, từ mất mát, khổ đau, thậm chí có người từ “cửa tử” trở về, họ lại lạc quan, yêu mình và yêu đời hơn!
Năm 2017, cô giáo Lê Hồ Ngọc Diễm (lúc đó 22 tuổi, dạy tiếng Anh, quê Đồng Nai) dùng tay kiểm tra ngực và phát hiện một khối u ở vú trái.
Diễm đi khám, bác sĩ bảo đây chỉ là u sợi tuyến, không cần điều trị, nếu nó lớn quá thì mổ bỏ. Mấy tháng sau, Diễm chuẩn bị mua bảo hiểm sức khỏe thì được tư vấn nên xét nghiệm lại. Qua hai lần xét nghiệm sinh thiết, cô giáo Diễm nhận chẩn đoán: Ung thư vú giai đoạn 1.
Tháng 9.2018, bác sĩ khuyên Diễm nên điều trị ngay. Diễm năn nỉ: “Bác cho con thêm mấy tháng để con đi kiếm tiền”.
Diễm là con cả và còn hai đứa em. Thời gian phát bệnh, cô mới đi làm cho một trung tâm Anh ngữ tại TP.HCM, thu nhập đủ sống, lâu lâu chỉ gửi về quê vài trăm ngàn đồng. Để chuẩn bị cho cuộc đại phẫu thuật, Diễm cật lực làm thêm, vay tín dụng bên ngoài và mượn đồng nghiệp với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
Sợ ba mẹ lo lắng, Diễm quyết định giấu chuyện mình bị ung thư. Cô bộc bạch: “Em đã mệt mỏi để chống chọi căn bệnh này, nên không muốn nghe những lời nói tiêu cực kiểu như: Mày sắp chết rồi! Mày bỏ đi, điều trị chẳng ích gì!”.
Đơn độc vượt đại phẫu
Trước khi Diễm lên bàn mổ (tháng 11.2018), nhân viên y tế yêu cầu người thân của cô ký giấy cam kết chấp thuận phẫu thuật - gây mê hồi sức. Diễm xin tự ký mọi thủ tục nhưng không được đồng ý, cho đến khi cô quyết liệt: “Em chỉ sống một mình, không có gia đình, không nơi nương tựa. Giả sử có chuyện gì xảy ra, em sẽ chịu trách nhiệm. Nếu bệnh viện từ chối, em đành lòng không điều trị nữa”.
Lập Dự án cộng đồng bệnh nhân ung thư
Tháng 3. 2020, Diễm khởi xướng lập Dự án cộng đồng bệnh nhân ung thư nhằm góp phần xóa bỏ định kiến “ung thư là chết”, chia sẻ kiến thức về ung thư, truyền thông các câu chuyện tích cực của bệnh nhân đã và đang tự tin sống, vượt qua bệnh tật. Từ đó, lan tỏa năng lượng ấm áp, yêu đời đến những bệnh nhân khác và các thân nhân... Cô nhắn nhủ: “Nếu phát hiện và điều trị ung thư sớm, giữ vững tinh thần lạc quan, mình vẫn có thể tiếp tục sống một cách đẹp đẽ và vui vẻ hơn”.
Theo Diễm, vì cô còn trẻ nên bác sĩ tư vấn cho cô chọn phẫu thuật tái tạo. Suốt 6 tiếng đồng hồ, Diễm trải qua cuộc đại phẫu: cắt bỏ 3/4 vú trái, nạo vét hạch bạch huyết, mổ lấy mô da, cơ, mỡ từ lưng để tái tạo vú... Thêm 4 giờ nằm hồi sức, cô được chuyển ra phòng bệnh. Cơ thể đầy vết thương, nhưng Diễm không có ai chăm sóc, thăm nuôi. Trước những cái nhìn thương cảm pha lẫn kinh ngạc của người khác, Diễm chỉ biết âm thầm nuốt lệ.
“Lúc đó em như bị liệt một bên, bởi nguyên phần lưng bên trái đã bị vạt, chỉ còn da bọc xương. Mổ phía trước, mổ đằng sau, khắp người em đau đớn mỗi khi cử động. Em còn mang hai bình hút dịch với hai ống hút luồn qua hông, khó chịu vô cùng”, Diễm kể. Có lần Diễm nhờ nữ điều dưỡng dìu một đoạn vào nhà vệ sinh. Vừa rời bồn cầu đứng lên, đột nhiên Diễm bị hoa mắt, chóng mặt. Diễm kêu lên: “Chị ơi!”, rồi té gục xuống. May thay, cô điều dưỡng kịp chạy vào ẵm Diễm ra giường.
Sau ba ngày tự lo liệu, Diễm xuất viện, cũng với cách không giống ai. Do ảnh hưởng các vết mổ, tay trái Diễm rất yếu và gần như bất động, cô phải ôm túi xách, đồ đạc chỉ với một tay còn lại và đi cà lết, không đứng thẳng được mà phải cúi vì quá đau. Rồi cô tự đi mua thuốc, tự bắt xe ôm về chỗ trọ...
Nhớ lại hành trình đơn độc của mình, Diễm giãi bày: “Giai đoạn đầu chọn chữa bệnh không có ba mẹ bên cạnh, đêm nào em cũng khóc vì sợ và tủi thân. Người ta có câu: Bạn sẽ không biết mình mạnh mẽ thế nào cho đến khi mạnh mẽ là sự lựa chọn duy nhất của bạn. Em nằm trong trường hợp đó”.
Sau phẫu thuật, mỗi tháng Diễm gồng mình “cày” kiếm hơn 15 triệu đồng để trả góp nợ và chi các khoản sinh hoạt, thuốc men. Những lúc xoay tiền không đủ, Diễm bị áp lực căng thẳng, muốn buông xuôi tất cả nhưng cô lại bật dậy: “Mình vay nợ để chữa bệnh. Lỡ điều trị không ổn, mình chết thì ba mẹ phải trả. Làm sao mình để ba mẹ rơi vào cảnh vừa mất con vừa phải gánh thêm đống nợ? Cầu trời cho con trả nợ xong xuôi, lúc đó ông có mang con đi thì cứ mang”.
Ngọc Diễm biết ơn biến cố ung thư làm thay đổi đời mình |
Biết ơn... ung thư !
Cuối năm 2019, Diễm ngưng việc ở trung tâm ngoại ngữ để về với gia đình (ngụ tại H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Diễm định nghỉ khoảng 1 tháng, cho đầu óc bớt quay cuồng bởi điệp khúc “kiếm tiền trả nợ”. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến Diễm ở lại quê nhà dạy tiếng Anh online suốt thời gian qua.
Từ sự giới thiệu của một bác sĩ, Diễm gia nhập Mạng lưới ung thư vú VN. Diễm đọc rất nhiều thông tin về ung thư và nhờ đó, cô không còn ám ảnh bởi cái chết. Sau 3 năm giấu bệnh, giữa tháng 6 năm nay, giữ lời hứa với chị Nguyễn Thủy Tiên (đồng sáng lập và điều hành Mạng lưới ung thư vú VN), Diễm lên tiếng lúc ngồi ăn cơm cùng mẹ:
- Mẹ, con bị ung thư!
Bà mẹ la lên:
- Mày bị điên hả? Bộ mày muốn bị ung thư lắm hả?
Diễm:
- Không, con bị thiệt!
Xem mấy vết mổ trên người Diễm, bà mẹ khóc: “Con người ta bệnh vặt thôi cũng vô bệnh viện, cũng có người chăm. Còn mày đi mổ nằm mấy ngày vậy mà không báo cho cha mẹ”.
Diễm cho hay trước đây cô sống như một robot, bỏ bê sức khỏe, không quan tâm đến ai. Nhiều lúc cô thấy chán nản, mất phương hướng và từng có ý định tự tử. Sau khi mắc bệnh ung thư và về bên gia đình, Diễm cảm thấy mình sống chậm và giản dị hơn. Cô cởi mở: “Em không biết lúc nào mình sẽ chết, có thể là ngày mai. Nghĩ như vậy mới thấy trân quý cuộc sống, thấy tự tin và hạnh phúc hơn. Kim chỉ nam của em: Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình!”.
Hằng tháng, Diễm dành khoản tiền giúp đỡ vài bệnh nhân ung thư đặc biệt khó khăn. Ngoài công việc, Diễm còn đọc sách, thiền, du lịch, trekking (đi bộ dài ngày). Nhiều người xung quanh kinh ngạc: “Mày khùng à, sao cứ hành xác đến những nơi rừng rú? Người bệnh ung thư rất mệt mỏi, không làm gì nổi, sao mày vẫn đi leo núi?”. Nhưng với Diễm, cô cảm giác thật thư thái khi được hòa mình vào thiên nhiên, khám phá những vùng đất mới. Diễm trải lòng: “Chẳng ai muốn bị ung thư và em cũng vậy. Nhưng sau tất cả, em biết ơn ung thư đã đến với em! Nó giúp em thức tỉnh mục đích sống của mình để có được cuộc đời giá trị hơn”.
Tôi nhớ nụ cười giòn và lời chia sẻ của Diễm: “Hôm bữa em nói với mẹ là bây giờ con đang hưởng thụ cuộc sống, có mấy ai sướng được như con!”.
(còn tiếp)
Theo Như Lịch (Thanh Niên)