Phóng sự - Ký sự

Những chuyện ấm lòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi sáng thức dậy, cầm trên tay tờ báo hay lướt mạng đọc tin tức, đập vào mắt là nhan nhản những mẩu tin về những vụ án đau lòng, con cái ngược đãi bố mẹ, vợ chồng hại nhau… Đọc những câu chuyện ấy, chợt không khỏi suy nghĩ về những điều tử tế hiện nay.

1. Chị đến với công việc thiện nguyện trong lúc bản thân chìm xuống đáy sâu cùng cực nhất. Chỉ sau một biến cố, cuộc hôn nhân của chị vỡ tan như bong bóng xà phòng… “Ngay trong lúc đau khổ, tôi tìm về với Phật. Tôi tin rằng đức Phật từ bi sẽ che chở cho tôi được bình an, vượt qua sóng gió. Trong những chuyến hành hương, tôi may mắn được gặp thầy Thích Đồng Hảo-trụ trì chùa Huệ Quang (Tam Quan, Bình Định). Thầy là người sáng lập hội từ thiện Hỷ Lạc ở Sài Gòn. Tôi ấn tượng nhất câu nói của thầy: “Hãy trải lòng yêu thương, con sẽ tìm thấy bình yên”-chị Châu Thị Tâm-Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện Hỷ Lạc An Khê chia sẻ.

 

Các cụ dùng cơm miễn phí của Câu lạc bộ từ thiện Hỷ Lạc An Khê. Ảnh: L.H

Năm 2013, chị nảy sinh ý tưởng sẽ thành lập một nhóm từ thiện tại thị xã An Khê để có thể làm những việc có ích cho người nghèo khó, hoạn nạn. Ý tưởng đẹp nhưng để bắt đầu không dễ, song chị may mắn gặp được chị Phạm Thị Hoa Sơn (cùng ở tại An Khê) là người có cùng tâm ý. Hai chị cùng nhau bắt tay vận động mọi người lập nên câu lạc bộ thiện nguyện lấy tên Hỷ Lạc An Khê. “Cứ ngày mùng 1 và 15 Âm lịch hàng tháng, chị em chúng tôi lại tổ chức nấu cơm và phát miễn phí 2 suất cơm/bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê. Bệnh nhân nào hoàn cảnh quá khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không đủ tiền điều trị, câu lạc bộ lại quyên góp, ủng hộ”-chị Tâm nói. Hiện nay, Câu lạc bộ từ thiện Hỷ Lạc An Khê có hơn 40 hội viên, ở đủ mọi thành phần xã hội, lứa tuổi khác nhau. Mỗi tháng, câu lạc bộ quyên góp ít nhất 5 triệu đồng tiền quỹ để duy trì các hoạt động thiện nguyện.

Riêng với cá nhân chị, suốt những ngày tháng đồng hành cùng Câu lạc bộ từ thiện Hỷ Lạc An Khê, với cái tâm “sống là để cho đi”, chị đã bước đến bên cạnh nhiều mảnh đời khổ cực dẫu chẳng gắn bó máu thịt để chia sớt với họ và gia đình nỗi đau, sự khốn khó. Trường hợp khiến chị đau lòng nhất là cô bé Rah Lan Méo (6 tuổi, ở thôn 2, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông). Cô bé bị bỏng nặng do bất cẩn khi nướng bắp. Rất nhiều người kể cả các y-bác sĩ động viên cha Méo nên để em lại điều trị nhưng người cha kiên quyết đòi đưa về làng. “Không hiểu sao khi tôi gặp ông ấy để động viên, nói về nguyện vọng đưa em đi Sài Gòn điều trị thì người cha ấy đồng ý”-chị Tâm nhớ lại. Suốt 3 tháng trời ròng rã bỏ hết công việc cá nhân, chị đưa Méo vào Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị. Tiếp sau đó là một tháng đưa Méo về nhà của chị tại An Khê để tập phục hồi chức năng do các cơ bị co cứng lại, rất khó vận động. Chị lo cho Méo không khác một người mẹ đi giành giật lại sự sống cho con mình.

Hỏi chị, tâm nguyện lớn nhất bây giờ là gì? Chị bảo rằng, con cái chị cũng trưởng thành hết rồi. Giờ chị chỉ mong còn sức để làm thiện nguyện. “Xung quanh mình vẫn còn nhiều người khổ cực lắm. Mình kêu gọi được càng nhiều thì càng có cơ hội giúp cho bà con”-chị Tâm nói…

2. Đã bình phục và quay trở lại với công việc, anh Ngô Vĩnh Thành Hưng (tổ dân phố 4, phường Đống Đa, TP. Pleiku) vẫn từng ngày hy vọng có cơ duyên gặp vị ân nhân đã cứu giúp khi anh không may gặp tai nạn giao thông vào đêm 19-6. “Khoảng hơn 22 giờ, tôi trên đường đi làm về tới đoạn hết Cầu số 3 (đường Phạm Văn Đồng) thì bị tai nạn giao thông. Lúc ấy trời mưa rất to, mắt mình lại bị cận và quên đeo kính nên quan sát không được tốt, do đó xe lỡ đà tông vào phần đường đang bị đào bới để sửa chữa”-anh Hưng nhớ lại.

…Tỉnh dậy, Hưng thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Chấn thương của anh khá nặng, buộc phải phẫu thuật gấp. Các bác sĩ bảo nếu Hưng không được các bạn thanh niên đó kịp thời đưa tới bệnh viện thì rất có thể sẽ nguy hiểm tới tính mạng trong điều kiện nằm giữa trời mưa lạnh, mất máu nhiều… Mọi người tìm hỏi xem ai là người đã đưa giúp Hưng vào viện để cảm ơn thì không một ai biết. Các y-bác sĩ kể lại rằng, đó là một vài anh thanh niên trẻ. Họ thấy Hưng bị tai nạn khi đang ăn khuya tại một quán ăn gần đó. Tất cả tiền bạc, điện thoại và giấy tờ của Hưng họ đều gửi lại đầy đủ cho bác sĩ. Chiếc xe máy họ đưa vào nhà gửi xe, lấy phiếu và gửi nhờ bác sĩ đưa lại cho người nhà. Cho đến nay, gần 2 tháng trôi qua, dù cố gắng tìm hiểu tin tức, Hưng vẫn chưa thể nào kết nối được với những vị ân nhân đã cứu giúp mình trong lúc hoạn nạn…

…Làm thiện nguyện hết sức mình có thể với một cái tâm vô tư, trong sáng hay như nhóm bạn trẻ cứu giúp anh Hưng trong lúc hoạn nạn mà không mưu cầu một lời cảm ơn-sự tử tế đâu phải là điều xa xỉ. Những điều tốt đẹp ấy vẫn hiển hiện đâu đó trong cuộc sống này. Và còn nhiều lắm những con người đẹp, hành động đẹp. Đó đơn giản là bình nước uống miễn phí dành cho người đi đường của lão nông Nguyễn Quốc Việt (thôn 10, xã Đông, huyện Kbang), là những chủ nhà dễ mến sẵn sàng nhường một phần không gian ngôi nhà cho sĩ tử và người nhà ở miễn phí mỗi mùa thi đến; hay chị bán vé số, anh lái xe ôm sẵn sàng quyên góp tiền bạc mua vé xe giúp cho người khách lỡ đường nào đó được về với gia đình… Xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn nếu mỗi người biết sống với nhau, đối đãi với nhau bằng những việc làm tử tế.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm