Phóng sự - Ký sự

Những cột mốc biên cương - Bài 2: Hiên ngang Sì Lở Lầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ TP Lai Châu lên tới Đồn biên phòng Sì Lở Lầu (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu) chỉ khoảng 120km nhưng phải mất hơn nửa ngày đi đường vì vùng đất này xa xôi, khó khăn nhất của Lai Châu. Sì Lở Lầu, theo tên gọi của đồng bào Dao nơi đây là “12 tầng dốc”, nghĩa là muốn lên được tới đây phải vượt qua 12 tầng dốc quanh co và rất cao, nên ngay cả với nhiều người dân ở Lai Châu cũng ít biết đến địa danh này. 

Các chiến sĩ biên phòng canh gác tại cột mốc số 70 ở Sì Lở Lầu. Ảnh: GIA KHÁNH
Ở đỉnh 12 tầng dốc
Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn biên phòng Sì Lở Lầu, không khỏi ngạc nhiên khi đón chúng tôi, vì theo anh đây là lần đầu tiên có phóng viên của một cơ quan báo chí ở miền Nam lên tới tận Sì Lở Lầu, bởi đường đi quá xa và vất vả. Thực ra chỉ khoảng 10 năm trở lại đây mới có đường ô tô lên tới trung tâm xã Sì Lở Lầu, còn trước đó, ô tô chỉ tới được xã Dào San cách đồn khoảng 50km, sau đó phải đi xe máy hoặc đi bộ. Kể cả bây giờ có đường ô tô tới xã và nhiều bản rồi, nhưng nếu gặp phải mưa lớn, đường sạt cũng khó đi lại. Với điện cũng vậy, phải tới năm 2005, trung tâm xã Sì Lở Lầu mới có điện thắp sáng, nhưng với các bản xa như Là Nhì Thàng, Lao Chải thì phải tới năm 2019 điện mới lên tới bản.
Dù đóng quân trên một địa bàn cách trở, gian khó, nhưng Đồn biên phòng Sì Lở Lầu lại có bề dày lịch sử rất vẻ vang. Trước đây, đồn có tên gọi là Đồn biên phòng 289, mang phiên hiệu Đồn 1, Công an vũ trang Lai Châu phụ trách đoạn biên giới Việt - Trung, địa bàn có 8 xã với 9 dân tộc ít người. Ngay ngọn đồi phía sau đồn là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với tấm bia khắc tên 27 cán bộ, chiến sĩ của đồn đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Những trang lịch sử hào hùng của đồn đã ghi lại: “Sáng 17-2-1979, địch có pháo yểm trợ tấn công, cán bộ, chiến sĩ Đồn Sì Lở Lầu ngoan cường chiến đấu, đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch, đẩy lui các đợt tấn công của chúng... Ngày 6-3-1979, đồn đã phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu, đánh trả quyết liệt một trung đoàn địch ở khu vực Dào San, đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của chúng, diệt 100 tên… Ngày 19-12-1979, Đồn 1, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới cách đây hơn 40 năm, giờ đây cuộc sống có nhiều thay đổi, đời sống bà con địa phương đỡ khó khăn hơn khi có đủ điện, đường, trường, trạm nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Sì Lở Lầu vẫn luôn cảnh giác, vững chắc tay súng bảo vệ biên cương. 
Chính trị viên Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Đồn Sì Lở Lầu quản lý hơn 30,24km đường biên với 9 cột mốc (từ cột mốc 70-78) nên địa bàn rất rộng. Để phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ biên giới và an ninh trật tự ở địa phương, đồn lập 6 chốt kiểm soát, trong đó chốt xa nhất là ở khu vực cột mốc 72 cách đồn gần 20km đường rừng, thuộc địa bàn thôn Lao Chải. “Cùng với nhiệm vụ chính là bảo vệ vững chắc biên cương, chủ quyền đất nước, an ninh trật tự vùng biên, cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn xác định nhiệm vụ chống dịch như chống giặc nên chúng tôi luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao…”, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn khẳng định và cho biết thêm, hơn 1 năm qua, đồn đã phát hiện, ngăn chặn được 85 vụ xuất nhập cảnh trái phép với hơn 400 người.

Thiếu úy Má A Phổng hạnh phúc vì được người yêu lên thăm. Ảnh: GIA KHÁNH
Cột mốc 70 và chuyện tình người lính
Từ trung tâm xã sau khi vượt hơn 10km qua những cung đường rừng núi quanh co, cheo leo, chúng tôi tới được chốt kiểm soát số 1 nằm ở bản Mới ngay sát cột mốc 70 đối diện với bản Ceo Cô San, Xì Lì Xuân (Kim Bình, Trung Quốc). Trung úy Phạm Văn Linh (27 tuổi, quê Vũ Thư, Thái Bình) phụ trách chốt số 1, chia sẻ, cả chốt có 4 người, hơn 1 năm qua, từ khi có dịch Covid-19, anh em phải thay nhau tuần tra, kiểm soát; ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, vận động bà con không xuất cảnh trái phép sang bên kia làm thuê nên nhiều tháng nay mọi người đều chưa một lần được về thăm gia đình. “Gian nan vất vả và nhớ nhà nhiều, nhưng anh em rất đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Trung úy Phạm Văn Linh bộc bạch. Anh cho biết thêm, thời gian cắm chốt ấn tượng nhất vẫn là việc các anh kịp thời phát hiện và xử lý 2 đối tượng nhập cảnh trái phép đúng thời khắc giao thừa Tết Tân Sửu vừa qua. Đêm đó, thay vì nghỉ ngơi, đón giao thừa, gọi điện hỏi thăm gia đình, anh em trong bộ đồ bảo vệ y tế, thức trắng cả đêm để xử lý những việc liên quan, kịp thời cùng đồn và các cơ quan y tế chuyển 2 đối tượng đến khu vực cách ly an toàn.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung úy Phạm Văn Linh cũng chia sẻ nhiều về cuộc sống ở quê nhà và những dự định. Tuy nhiên, hơn 5 năm ở Sì Lở Lầu, anh cũng có rất nhiều câu chuyện khó quên, như những ngày mưa to, gió lớn, anh vượt rừng, lội suối giúp bà con đắp đập lấy nước suối sát cột mốc 70 để chạy máy phát điện... Còn Trung tá Nguyễn Văn Lới (51 tuổi, quê Vụ Bản, Nam Định) với gần 23 năm gắn bó cùng vùng đất “12 tầng dốc” thì ấn tượng nhất chính là đời sống của bà con địa phương nơi đây ngày càng ấm no hơn nhờ có điện và đường sá ô tô đi lại, khiến công việc ruộng nương và trồng chuối xuất khẩu của bà con thuận lợi hơn. “Trước đây, sau mỗi lần về phép trở lại đơn vị, ô tô chỉ đưa tôi tới Dào San, rồi đi bộ tới khuya mới vào tới xã Vàng Ma Chải nghỉ đêm lấy lại sức, sớm hôm sau, leo dốc phải quá trưa mới tới được Sì Lở Lầu. Còn bây giờ, đỡ vất vả nhiều lắm rồi, từ Lai Châu vào Sì Lở Lầu, ô tô con chạy chỉ mất có hơn 5 tiếng thôi”, Trung tá Nguyễn Văn Lới tâm sự. 
Giao lưu cùng anh em chiến sĩ ở Đồn biên phòng Sì Lở Lầu, chúng tôi chứng kiến mối tình đẹp của một chàng trai người Mông và một thiếu nữ người Thái. Thiếu úy Má A Phổng (Đội trưởng Đội trinh sát, nhà ở xã Sùng Phài, TP Lai Châu) trong dịp về thi đấu bóng chuyền ở TP Lai Châu cuối năm 2019 đã tình cờ gặp được cô gái trẻ Lò Thị Hằng (ở xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Đôi trẻ thích nhau, hẹn hò, rồi yêu nhau. Nhưng dịch Covid-19 bùng phát, Má A Phổng liên tục trực chiến ở đồn, chỉ tranh thủ về thăm nhà, thăm người yêu được một lần giữa năm 2020, khi dịch tạm yên. Tết vừa rồi, hứa với người yêu sẽ về, nhưng rồi vì nhiệm vụ, Má A Phổng cũng không về được. Nhớ thương người yêu, Lò Thị Hằng quyết định vượt “12 tầng dốc” lên Sì Lở Lầu thăm Má A Phổng… “Chúng em vẫn gọi điện, nhắn tin, gửi hình cho nhau suốt, nhưng gặp nhau vẫn thấy yêu hơn các anh ạ. Em lần đầu lên đây, đi xe khách mà thấy đường sá hiểm trở, khó khăn quá. Gặp được người yêu, mừng lắm, nhưng cứ thấy xấu hổ, vì các anh ở đồn trêu chúng em suốt…”, Hằng tâm sự. Còn Thiếu úy Má A Phổng thì lúng túng, có chút ngại ngùng khi kể về người yêu của mình. Ở người lính trẻ rắn rỏi này, trong giọng nói, nụ cười luôn toát ra niềm hạnh phúc pha lẫn sự tự hào về người yêu. “Em bảo Hằng đi lại vất vả lắm, đừng lên. Hết dịch, đơn vị cho phép em sẽ về thăm, nhưng Hằng cứ nằng nặc đòi lên. Ngại với các anh em khác quá. Hơn năm qua, em là người thứ 2 trong đồn có người thân lên thăm đấy…”, Phổng tâm sự.
Nhìn đôi trẻ dắt tay nhau đi dạo quanh đồn, dưới những gốc sa mộc cổ thụ, thật khó để hình dung họ đang ở một trong những nơi xa xôi, khó khăn, vất vả nhất, không chỉ của Lai Châu mà còn của cả nước, bởi khung cảnh nơi đây quá đẹp, rất yên bình và nên thơ. “Chúng em đã ra mắt gia đình hai bên hồi năm ngoái. Dưới đó, không có anh ấy, nhưng em vẫn thường xuyên ghé thăm nhà anh ấy. Chắc cuối năm nay, khi dịch Covid-19 bớt đi, chúng em sẽ làm đám cưới”, Hằng cho biết và nhìn khuôn mặt người yêu đang ửng đỏ. 
Chia tay đôi tình nhân trẻ ở Đồn biên phòng Sì Lở Lầu, chúng tôi chúc họ hạnh phúc và dặn, khi nào làm đám cưới thì báo để còn mừng. Sì Lở Lầu xa thật, nhưng chúng tôi đều tự nhủ sẽ có dịp quay lại.
TRẦN LƯU - QUỐC KHÁNH - ĐỖ TRUNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm