Cha mẹ nên chú ý giữ ấm và bổ sung dinh dưỡng cho bé, tránh lạm dụng kháng sinh, thuốc ho và thuốc chống dị ứng.
Hệ miễn dịch yếu là nguyên nhân khiến bé dễ bị ho kèm theo sốt và sổ mũi khi thời tiết thay đổi. Ho có thể làm bé mệt mỏi, chán ăn, giật mình thức giấc, thậm chí trào ngược sữa và thức ăn… Việc lo lắng mà xử trí sai cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Hạn chế kháng sinh
Có 85-95% triệu chứng ho là do virus gây nên và kháng sinh không có hiệu quả trong trường hợp này, thậm chí còn khiến bệnh trầm trọng hơn. Kháng sinh chỉ sử dụng khi có nhiễm khuẩn và được bác sĩ kê đơn đúng loại, đúng liều lượng. Nếu lạm dụng, trẻ có thể loạn khuẩn đường ruột, nhiễm độc gan, thận... Đặc biệt, tình trạng kháng thuốc có thể khiến vi khuẩn phát triển thành các chủng mạnh hơn, độc tính cao hơn.
Thận trọng dùng thuốc ho
Ho là phản xạ của cơ thể giúp tống chất tiết hay dị vật ra khỏi cơ thể. Vì vậy, cha mẹ không nên vội vàng và lạm dụng các loại thuốc ho, thuốc ngủ hoặc chống dị ứng cho bé. Trẻ chỉ nên sử dụng thuốc kê đơn khi cần thiết và có tư vấn của bác sĩ nhi khoa.
Do hệ hô hấp chưa hoàn thiện, bé có thể gặp phải các tác dụng phụ của thuốc. Chẳng hạn như nhóm thuốc trị ho chứa hoạt chất kháng histamin, có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Nếu lạm dụng trong thời gian dài, bé có thể ngủ sâu, không quấy khóc đêm nhưng gây hại cho sức khoẻ. Bé dưới 2 tuổi dùng thuốc kháng histamin còn có thể kích động và co giật.
Sử dụng dược liệu thiên nhiên
Trẻ nhỏ có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ khi sử dụng thuốc ức chế ho, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Thay vào đó, cha mẹ có thể tận dụng các loại thảo dược hoặc thuốc do có nguồn gốc thảo dược như húng chanh, núc nác, gừng, bạc hà… để điều trị hiệu quả các chứng ho và cảm. Các loại thảo dược này có tác dụng long đờm, giảm ho, kháng khuẩn, kháng viêm, kháng dị ứng và an toàn với trẻ nhỏ.
Giữ ấm và chăm sóc dinh dưỡng
Các triệu chứng ho, viêm họng, sốt... có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi nếu để lâu ngày. Bệnh do virus có thể tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày nếu mẹ giữ ấm cơ thể cho bé và chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng.
Để giữ ấm, mẹ nên tắm cho bé bằng nước ấm; mặc ấm, choàng khăn mỏng lên cổ, mang bít tất, đeo khẩu trang, mang găng tay, đội mũ ấm cho bé mỗi khi ra ngoài; đắp chăn lúc ngủ. Bé nên được uống sữa ấm, nước ấm; uống nhiều nước lọc, nước hoa quả để tránh mất nước. Các biện pháp vệ sinh như dùng nước muối sinh lý nhỏ đều vào hai bên lỗ mũi 30 phút mỗi lần; súc miệng bằng nước muối… đều cần thiết.
Trong lúc bệnh, trẻ cần ăn những món lỏng, dễ tiêu và đầy đủ dưỡng chất (bốn nhóm chất bột, béo, đạm, rau) như súp, cháo, sữa... Nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu vitamin A, chất kẽm và sắt như thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ... Tránh các món tanh, dễ gây ho, ói.
Mai Thương (theo Vnexpress)