Một trong những tác động đầu tiên cần nhắc đến của việc ăn khuya đến cơ thể là làm xáo trộn nhịp sinh học. Sự xáo trộn này ảnh hưởng đến hoạt động gan vì các chức năng sẽ đồng bộ theo nhịp sinh học, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Vào ban ngày, gan sẽ tập trung vào chức năng tổng hợp dịch mật, lưu trữ đường glucose và chuyển hóa năng lượng. Vào ban đêm, gan sẽ chuyển sang chế độ tự chữa lành và giải độc. Tuy nhiên, ăn khuya với một bữa no, đặc biệt là các món nhiều đường bột, chất béo, sẽ khiến gan phải ưu tiên chức năng tiêu hóa thay vì tự chữa lành. Hệ quả là phá vỡ sự cân bằng của cơ thể.
Mọi người không chỉ nên tránh ăn khuya với những món có nhiều đường bột, chất béo mà cũng cần tránh thực phẩm chế biến như xúc xích, thịt nguội... Những món này chứa hàm lượng muối cao cùng các chất bảo quản có thể gây áp lực xử lý lên gan.
Đồ ăn cay nóng cũng cần hạn chế vào ban đêm vì chúng sẽ kích ứng hệ tiêu hóa. Tình trạng này không có lợi cho gan. Đặc biệt, rượu bia là thứ cần phải tránh. Uống rượu bia vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày đều có thể gây hại cho gan.
Ngoài ra, ăn khuya quá nhiều cũng kích thích quá trình ô xy hóa tế bào, dẫn đến hình thành các gốc tự do. Hệ quả là làm tổn thương tế bào gan, làm tăng nguy cơ kháng insulin và dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Cụ thể, tình trạng kháng insulin về lâu dài sẽ dẫn đến tiểu đường loại 2. Trong khi đó, bữa ăn khuya quá nhiều sẽ khiến cơ thể phải xử lý một lượng lớn thức ăn, làm gián đoạn quá trình chuyển hóa lipid, dẫn đến tích tụ mỡ trong gan và gây phản ứng viêm. Gan bị viêm sau đó sẽ lành lại và hình thành các vết sẹo. Các vết sẹo tích tụ ngày càng nhiều, cuối cùng dẫn đến xơ gan và suy giảm nghiêm trọng chức năng gan.
Do đó, để bảo vệ chức năng gan, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần ăn đúng giờ. Bữa ăn cuối cùng trong ngày nên trước 20 giờ. Nếu có ăn khuya thì hãy ưu tiên những món ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như trái cây, các loại quả hạch hay sữa chua, theo Healthline.
Theo Ngọc Quý (TNO)