Văn hóa

Ẩm thực

Những mùa kiệu... ngọt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, trong mâm cơm của gia đình người Việt, nhất là ở phía Nam, món dưa kiệu là món không bao giờ thiếu. Không gì bằng món dưa kiệu (ngâm cùng với đu đủ xanh, cà rốt, củ cải... tùy sở thích của người dùng) ăn cùng với bánh tét, bánh chưng.

Vị chua chua ngọt ngọt, cay nhưng không nồng, thơm thanh vừa đủ kết hợp với món bánh chưng, bánh tét làm bằng gạo nếp, nhân thịt heo ba chỉ cộng với nấm mèo, đậu xanh gói bằng lá dong, lá chuối tạo nên màu xanh nhạt bắt mắt, nhìn thôi đã thấy thèm.

Dưa kiệu ngày Tết. Ảnh: Nguyên Võ

Dưa kiệu ngày Tết. Ảnh: Nguyên Võ

Ngày trước, khi còn gian khó, cứ vào khoảng giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, mẹ tôi bắt đầu trồng kiệu. Mảnh đất khô cằn nơi gò ruộng cạn, mẹ trồng những luống kiệu uốn lượn bao quanh đẹp mắt, đến đầu tháng Chạp thì thu hoạch. Số củ kiệu to, đẹp được mẹ đem bán, những củ còn lại thì để làm dưa, chuẩn bị cho Tết. Ngoài củ kiệu, mẹ còn làm dưa cả lá và phần rễ, phòng khi ra Giêng thiếu rau xanh.

Ngày nay, người quê tôi (Phù Mỹ, Bình Định) không còn thấy ai làm dưa kiệu bằng lá và rễ cây nữa, và trồng kiệu chủ yếu để bán, chỉ dành lại một ít vừa đủ cho gia đình dùng hoặc làm quà biếu người thân xa quê.

Chú em tôi, Huỳnh Văn Hòa, bảo năm nay chỉ trồng một ít kiệu. Một ít của chú em tôi cũng đã gần vài sào, bán với giá 30-35 ngàn đồng/kg, tính ra cũng thu về hơn 40 triệu đồng, khỏi lo tiền sắm Tết.

Kiệu Phù Mỹ quê tôi đã thành thương hiệu. Cuối năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận kiệu Phù Mỹ”. Từ đó đến nay, củ kiệu có thương hiệu Phù Mỹ càng tự tin đi ra với thị trường trong nước với sản lượng và chất lượng được nâng cao hơn trước. Nông dân Phù Mỹ tận dụng diện tích đất bạc màu, ruộng chân cao... không thể trồng lúa hoặc hoa màu khác để trồng kiệu.

Và lạ thay, đất càng khô cằn, bạc màu thì hương vị kiệu lại càng cay, càng thơm. Loại đất pha cát ở những vùng ruộng gò của các xã Mỹ Trinh, Mỹ Hiệp, Mỹ Tài, Mỹ Hòa, Mỹ Quang... rất phù hợp với loại cây này. Giống kiệu bà con nông dân quê tôi trồng chủ yếu là kiệu sẻ, củ nhỏ, trắng phau, ít nhánh và có mùi vị đặc trưng.

Những năm gần đây, có một số bà con nhập giống kiệu mới từ các tỉnh miền Tây về trồng, năng suất khá hơn, nhưng chất lượng thì không hơn giống kiệu sẻ.

Kiệu Phù Mỹ xưa nay vốn nổi tiếng khắp cả nước bởi hương vị rất riêng nhờ đất thịt pha cát, khí hậu, nguồn nước, cách trồng và chăm bón của những đôi bàn tay chăm chỉ của người xứ nẫu... kết thành chất kiệu đặc trưng, giòn, chắc, thơm nồng, cay vừa phải.

Từ tiếng thơm đó, kiệu Phù Mỹ được ưa chuộng và tỏa đi muôn nơi, có mặt trong mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình.

Mùa kiệu năm nay, chứng kiến cảnh nhà nhà ra đồng thu hoạch, xe máy, xe lôi, xe tải vào ra trên những cánh đồng, tấp nập người mua, người bán, rôm rả tiếng nói cười dù cho mồ hôi nhễ nhại, tôi hiểu đó là sự báo hiệu cho một cái Tết đủ đầy, hạnh phúc của bà con quê mình!

Trò chuyện cùng tôi, chú em Huỳnh Văn Hòa còn mơ ước làm sao đưa củ/dưa kiệu Phù Mỹ vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, được vậy thì bà con nông dân trồng kiệu còn gì vui hơn. Ước mơ ấy có thành hiện thực hay không còn ở thì tương lai.

Còn hiện nay, bà con quê tôi vẫn duy trì nghề trồng kiệu, cung cấp cho mỗi gia đình người Việt trong bữa cơm ngày Tết cổ truyền hàng năm thêm món quê đậm đà trong bữa cơm đoàn viên, vậy cũng là vui, hạnh phúc lắm rồi.

Có thể bạn quan tâm