Xã hội

Gia đình

Những nẻo đường yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm học nào cũng vậy, sau niềm vui ngày khai giảng là bắt đầu nỗi lo đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai, đó là việc vận động học sinh đến lớp! Khó khăn nhất là với những trường hợp phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em mình. Thế nhưng, bằng tấm lòng yêu nghề của thầy-cô giáo cùng với sự phối hợp tốt giữa các trường học với những người uy tín trong làng, các em đã được nâng bước trên con đường đi tìm tri thức.
Một trong những giải pháp vận động học sinh đến lớp khá hiệu quả của các trường học là phối hợp với chính quyền địa phương. Ở xã Hà Đông (huyện Đak Đoa), các trường trên địa bàn có cách làm khá sáng tạo là phối hợp với người có uy tín trong làng thành lập 5 tổ vận động học sinh đến trường, mỗi tổ gồm 3 người, đứng đầu không ai khác chính là già làng, trưởng thôn.
Xã Hà Đông cách trung tâm thị trấn Đak Đoa gần 60 km về hướng Bắc, lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng. Đây là xã vùng III, đời sống người dân còn rất khó khăn nên việc học hành của con em chưa được quan tâm đúng mức.
Khi năm học mới bắt đầu thì giáo viên ở đây phải đến từng nhà kêu gọi đám trẻ đi học. Việc này khá vất vả và mất nhiều thời gian. Để hiệu quả hơn khi thuyết phục phụ huynh học sinh, giáo viên thường nhờ bok Đấu-già làng, Tổ trưởng tổ vận động làng Kon Nak đi cùng.
Chuyện trò về nhiệm vụ “cao cả” của mình, ông Đấu niềm nở: “Năm nào thầy cô cũng tới nhà mình để nhờ vận động phụ huynh và học sinh. Tuần nào học sinh bỏ học, thầy cô trực tiếp gặp mình trao đổi hoặc chỉ gửi tên cho mình cũng được, mình sẽ tập trung vận động các cháu đến trường!”.
Tổ vận động học sinh đến trường tại xã Hà Đông được thành lập gần 2 năm nay. Nhờ hoạt động hiệu quả nên các em học sinh ở đây đã đi học đều đặn hơn, thầy cô cũng đỡ vất vả hơn giữa bộn bề công việc.
Cô Mai Thị Vui-Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương tặng quà học sinh khó khăn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa). Ảnh: Phan Lài
Cô Mai Thị Vui-Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương tặng quà học sinh khó khăn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa). Ảnh: Phan Lài
Dù năm học nào cũng phải thực hiện thường xuyên nhưng công tác vận động học sinh đến trường, duy trì sĩ số chưa bao giờ là nhàm chán đối với giáo viên dạy vùng sâu, vùng xa.
Đã 26 năm đứng trên bục giảng, thầy Kpă Vân-giáo viên Trường Tiểu học Ia Rmok, một trường ở xã vùng sâu huyện Krông Pa-gần như tuần nào cũng lặn lội đến từng nhà vận động học sinh đến trường. Em nào không có phụ huynh chở đến trường thì thầy tới đón. Với những trường hợp cha mẹ đưa con lên rẫy, thầy tìm đến tận nơi để vận động.
Càng trân trọng hơn khi thầy luôn xem việc vận động học sinh đến trường là trách nhiệm của mình ngay từ khi gắn bó với nghề giáo ở xã vùng sâu này. Thầy Vân tâm sự: “Tôi phối hợp với trưởng thôn, già làng đến từng nhà giải thích với phụ huynh để họ cho con em đi học đầy đủ. Tôi nói, đừng có để con ở nhà, sau này nó không biết chữ thì khổ lắm”.
Cũng ở Trường Tiểu học Ia Rmok, cô giáo Kpă Hlối “giữ” được học sinh theo cách riêng đầy tâm huyết của mình. Cô hiểu được một trong những nguyên nhân khiến lũ trẻ trong làng ngại đến lớp là vì chúng gặp nhiều khó khăn khi mới bắt đầu học tiếng Việt. Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số thì việc tiếp thu kiến thức các môn học bằng tiếng Việt là một quá trình gian nan. Thực tế đó đòi hỏi mỗi giáo viên phải dành rất nhiều thời gian và công sức để tăng cường vốn tiếng Việt cho các em.
Xuất phát từ tình thương và trách nhiệm, ngay từ đầu năm học cô giáo Kpă Hlối đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 như: thực hiện chương trình “Em nói tiếng Việt”; ngoài giờ dạy chính khóa, mỗi tuần, cô đều tự nguyện phụ đạo cho học sinh 3 buổi mà không thu tiền. Nhờ những giáo viên tận tình như thầy Kpă Vân, cô Kpă Hlối mà công tác duy trì sĩ số học sinh của Trường Tiểu học Ia Rmok hàng năm luôn đạt 99% trở lên.
Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng hy vọng điều đó không ngăn được bước chân con trẻ đến trường. Đây là bài toán khó, đòi hỏi các trường phải có cách làm tốt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời cũng đòi hỏi mỗi giáo viên phải phát huy hết năng lực chuyên môn cùng tình thương và trách nhiệm của mình.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm