(GLO)- Căn nhà nhỏ chỉ vẻn vẹn 25 m2 nằm sâu trong hẻm 52 Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku) lâu nay trở thành chốn đi về của các bà, các cô đến từ vùng quê nghèo huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi). Ở bên kia sườn dốc cuộc đời, họ vẫn dầm sương dãi nắng đi “bán giấc mơ triệu phú” cho nhiều người để kiếm từng đồng bạc lẻ.
Mỗi người một cảnh
Người ở lâu nhất trong căn nhà này là bà Nguyễn Thị Huệ (55 tuổi, xã Hành Dũng) với “thâm niên” 7 năm bán vé số. Trước đây, bà Huệ từng vào Sài Gòn làm nghề thu mua phế liệu. Khi chồng mất, bà một mình lên Gia Lai bán vé số kiếm tiền nuôi con ăn học. Mỗi năm, bà về quê khoảng 5 lần để đám cưới, đám giỗ và thăm con gái. “Ngày Tết, khi mọi người về quê thì mình ở lại bán vé số, hết Tết mới về thăm nhà. Vì lúc đó người ta thường có sẵn tiền và cũng hào phóng hơn nên bán được hơn ngày thường. Ở quê chỉ biết làm ruộng, mưa lớn là bị lụt nên cứ nghèo mãi, đành phải xa quê mưu sinh”-bà Huệ tâm sự.
Dù đã lớn tuổi nhưng họ đều phải vật lộn mưu sinh. Ảnh: P.L |
Hai chị em ruột bà Trần Thị Dảng (76 tuổi) và Trần Thị Hương (70 tuổi) cùng ở xã Hành Dũng cũng đi bán vé số đã hơn 5 năm nay. Bà Dảng có 6 người con, bà Hương có 3 người con. Tất cả đã lập gia đình nhưng cuộc sống cũng rất khó khăn. Chồng của 2 bà đều đã già yếu nên cả 2 rủ nhau đi bán vé số để có thể hỗ trợ lẫn nhau. “Tuổi cao sức yếu, không ai thuê người già làm việc nên phải đi bán vé số. Mỗi ngày đi bộ gần chục cây số nên chân tay mỏi nhừ, đau nhức lắm. Mấy đứa trẻ nhanh nhẹn hơn nên đi được nhiều hơn chứ bà già yếu, đi xa không được, chỉ lòng vòng mấy chỗ gần”-bà Dảng chia sẻ.
Ngồi cạnh bà Dảng là bà Nguyễn Thị Lành, năm nay cũng đã 76 tuổi (ở xã Hành Tín). Vừa trò chuyện, bà vừa liên tục xoa dầu vào đầu gối cho đỡ nhức mỏi sau một ngày cực nhọc mưu sinh. Bà Lành có 2 người con, một đã mất, một đã lập gia đình. Không muốn là gánh nặng cho con, bà chọn nghề này kiếm sống. “Thấy mấy cô ở trong huyện rủ nhau lên Gia Lai bán vé số nên bà cũng xin đi theo, tính đến nay cũng đã 3 năm. Ở cùng quê nên có thể giúp đỡ, nương tựa nhau nơi đất khách. Mệt mỏi cũng phải gắng gượng mà đi bán, khi nào không đi nổi nữa mới nghỉ, chứ nghỉ nhiều thì lấy tiền đâu mà ăn hả con?”-bà Lành bộc bạch.
Trong ngôi nhà nhỏ còn có bà Nguyễn Thị Rô (55 tuổi), Nguyễn Thị Nhi (50 tuổi, xã Hành Minh), mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng đều chung mục đích lên Gia Lai mưu sinh. Có thời điểm, ngôi nhà nhỏ xíu mà có đến 13 người cùng tá túc. Một số người đau ốm hoặc có việc thì về quê, nghỉ ngơi một thời gian, xong lại lên tiếp tục đi bán vé số.
Nỗi niềm tuổi già
Nhiều năm qua, lịch trình của họ cố định: Buổi sáng, mọi người rời khỏi nhà từ 6 giờ, tản đi các hướng để bán vé số. Buổi trưa, ăn cơm hộp hoặc xin cơm chay miễn phí rồi tiếp tục đi bán chứ không về lại nhà trọ. Đến 16 giờ 30 phút, tất cả đến đại lý trả vé số thừa trong ngày và nhận vé số mới, sau đó mới về nhà nấu ăn để tối đi bán tiếp đến khoảng 20 giờ. Bà Nguyễn Thị Rô tâm sự: “Nghề này cũng may rủi như tấm vé số cháu ạ, may mắn thì kiếm được 200 ngàn đồng/ngày, ít thì 50-60 ngàn đồng/ngày. Mà người bán vé số ở Gia Lai nhiều lắm, nếu không nhanh chân thì khách đã mua của những người đến trước. Mấy tháng nay mưa kéo dài, nghề bán vé số cũng rơi vào cảnh ế ẩm”.
Ngồi đếm lại số vé mới nhận, bà Huệ nói: “Mỗi ngày cô nhận khoảng 500 tờ vé số từ đại lý nhưng bán chẳng được bao nhiêu. Nhìn cô vậy chứ bệnh tật đầy mình, ngày nào cũng phải uống thuốc. Chân chai sạn vì đi bộ nhiều, khổ nhưng vẫn phải đi bán để kiếm tiền mà sống. Tủi nhất là khi mình mời, không mua thì thôi, nhiều người lại có thái độ như xua đuổi”.
Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều cố gắng dành cho nhau sự cảm thông, chia sẻ. Ngôi nhà nhỏ được thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền điện nước là hơn 2 triệu đồng. Họ chia nhau để trả từ số tiền kiếm được và chắt chiu trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhà khá chật chội, 2 chiếc giường dành cho những người lớn tuổi nhất, các vị trí khác đều được tận dụng tối đa để kê đặt những vật dụng cần thiết. Tuy vậy, ngôi nhà luôn tràn ngập tình yêu thương của những phận người mưu sinh vất vả. Tối tối, họ lại quây quần trò chuyện, kể về công việc hàng ngày, về nỗi nhớ nhà, nhớ con cháu và luôn dành cho nhau sự cảm thông, giúp đỡ lúc đau ốm, khó nhọc.
Cuộc mưu sinh với người trẻ vốn đã không dễ dàng, với những người lớn tuổi như các bà, các cô trong ngôi nhà nhỏ này lại càng vất vả hơn. “Mình còn đi được thì còn đi bán, về quê lại thêm gánh nặng cho con cái, khổ cho chúng, tội lắm. Mà đi làm về mệt, tắm rửa xong là đặt lưng xuống ngủ để lấy sức mai đi bán tiếp, không có thời gian để nghĩ nhiều cháu ạ”-bà Huệ trải lòng.
Phan Lài