Phóng sự - Ký sự

Những người gieo mầm xanh trên đất khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xe qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, bon bon chạy trên đường rộng thẳng tắp, gần một giờ sau rẽ vào đường làng Cà Chọ (xã Cọ, huyện Bo Keo, tỉnh Ratanakiri-Campuchia). Nếu không có anh Nguyễn Cảnh Quang-Giám đốc Chi nhánh giới thiệu chắc tôi không nhớ đường vào Đội 1K-Chi nhánh Công ty 72 (Binh đoàn 15) ở Campuchia trước đây.

Ký ức 7 năm trước hiện về nguyên vẹn trong tôi, khi đó Văn phòng đại diện ở Ratanakiri mới được thành lập với 3 người. Do trụ sở chưa có nên Công ty thuê gian dưới của gia đình anh Hiêng để ở. Nhìn quanh chỉ thấy một chiếc bàn uống nước, hai chiếc giường, một gian bếp nhỏ, không có khu vệ sinh. Các anh ở đây kể cho chúng tôi nghe về lịch làm việc: “Buổi tối học tiếng Khmer, ban ngày tìm hiểu phong tục tập quán, khảo sát đất đai, thổ nhưỡng”. Bấy giờ, con đường gập ghềnh, hai bên ngổn ngang đất đá, có nhiều đoạn phải vượt suối, ngoằn ngoèo trong rừng le bạt ngàn, tôi có cảm giác đi trong hoang sơ đại ngàn.

 

Công nhân làm cỏ cao su.

Thời điểm đó, nơi diện tích khai hoang cuối cùng, gần chục cái máy múc đang tăng ga, tiếng rít đều, vươn cánh tay dài ngoạm đất đổ ào xuống. Những chiếc máy 3 chảo, 7 chảo cày sâu, làm chín đất chạy nhanh như ngựa, bụi đỏ cả một góc trời. Không khí làm việc thật khẩn trương, trách nhiệm. Công việc lúc ấy còn bộn bề, vừa khai hoang vừa trồng mới. Khó nhất là tuyển người trồng cao su ở địa phương. Nhìn thấy lượng công nhân đông đúc trên công trường, tôi hỏi anh Trần Minh Thắng, bấy giờ là Giám đốc Chi nhánh:

- Công nhân mình tuyển ở đâu mà nhiều vậy anh?
Anh không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà kể:
- Cô biết đấy! Nhiệm vụ của lãnh đạo đơn vị giao là tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhân dân nước sở tại nên chúng tôi tuyển mộ lao động là người dân ở đây. Những lúc cao điểm cần đến gần 800 lao động, đơn vị phải cử người lặn lội đến các tỉnh: Kong Pong Thom, Kong Pong Chàm, Kratie, Kam Pot để tuyển mộ lao động. Nhiều lao động vốn có cuộc sống bấp bênh nay đã có thu nhập ổn định nên giờ lực lượng công nhân đã cơ bản đáp ứng yêu cầu rồi.

Đang nói chuyện thì một người đàn ông cao to đi về phía anh Hưng-Đội trưởng và nói:
- Sếp trả tiền công ngày hôm qua đi.
Anh Hưng nói:
- Phải đợi hết tháng nghiệm thu thì mới có tiền anh Mê Ka Thi à?
Thi nhăn mặt, cau có:
- Không trả tiền thì mai mình không cho người làm nữa!
Tuy hơi khó chịu nhưng anh Hưng vẫn rút nhanh trong túi ra một xấp tiền ria đếm và đưa cho anh Thi.
Thấy tôi có vẻ tò mò, anh Thắng nói như giải thích:
- Người dân Campuchia làm xong là phải trả tiền ngay, nếu không thì ngày mai dù còn nhiều việc phải làm họ cũng sẽ nghỉ.
Tôi thắc mắc:
- Sao các anh lại có sẵn tiền vậy?
Anh Thắng cười:

- Không phải tiền Công ty đâu mà là tiền cá nhân đấy cô ạ! Để kịp tiến độ, tận dụng được thời tiết thuận lợi, hoàn thành được kế hoạch giao đúng thời gian thì mình phải chủ động trả tiền. Có lúc mượn tiền gia đình cả trăm triệu đồng để trả trước cho người làm công, sau đó Công ty nghiệm thu mới trả...

Màn đêm buông dần, bốn bề là một màu đen sẫm, không một nếp nhà, không một tia sáng, không tiếng xe, tiếng nhạc, tiếng ti vi, vọng lại là tiếng hú gọi bầy của loài khỉ, tiếng kêu nặng nhọc của tắc kè. Gió thổi vào bạt ù ù tứ phía. Có lẽ do đi bộ cả ngày mệt nên tiếng ngáy, tiếng thở mọi người đã nghe đều, gió thổi tứ phía lay cái bạt ràn rạt. Tôi không ngủ được, vì nỗi sợ bóng đêm của rừng.

*

Giờ đây, khi trở lại vùng đất xưa (huyện Bo Keo, tỉnh Ratanakiri) tôi thực sự ngỡ ngàng. Trước mắt chúng tôi bạt ngàn cao su xanh thẫm cả một góc trời. Những cây cao su đang vào thì con gái căng tràn nhựa sống. Anh Quang khoe với chúng tôi: “Sang năm là cây đã cho mủ rồi các anh ạ!”. Mắt anh ánh lên niềm vui của người nông dân khi nhìn thấy thành quả.

Nhà Ban chỉ huy công trường được xây dựng khang trang, có hẳn một nhà để cho công nhân ở. Máy phát điện xua đi màn đêm mịt mùng. Trên đường về, anh lái xe chỉ tay về phía trước nói to:
- Bò ở đâu mà nhiều thế?
Anh Quang cười:
- Bò của đơn vị đấy! Chi nhánh nuôi bò cũng như là duyên nợ. Dự án của Công ty có diện tích đất rừng khộp lớn, không trồng cao su được, sau bao ngày tính toán, tôi đã đề nghị tận dụng đồng cỏ rộng để nuôi bò, trồng điều, làm lúa nước. Chi nhánh Công ty 72 là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình này thành công và nhân rộng trong đơn vị đấy!

Như để chứng minh, anh nói tiếp với tôi: “Mà cô biết không, thủ tục dự án làm nhanh, thận trọng, được lãnh đạo Nhà nước Campuchia đánh giá là một trong những Công ty làm nhanh nhất tỉnh Ratanakiri”. Ánh mắt anh ánh lên niềm vui, niềm tự hào nhưng cũng đong đầy trăn trở về những khó khăn vẫn còn phía trước.

Thấm thoắt đã 7 năm. Hai dự án giờ đã phủ một màu xanh bạt ngàn của cao su với hàng ngàn ha. Anh Nguyễn Cảnh Quang-Giám đốc Chi nhánh nói: “Để có được thành tích trên là có sự đoàn kết, đồng cam cộng khổ của toàn thể 58 cán bộ, công nhân-lao động, đặc biệt là bản lĩnh vượt qua khó khăn, biết hy sinh cái riêng của mình cho tập thể”.

Trời đã về chiều, chúng tôi trở về trụ sở Chi nhánh. Nơi đây đã có một vườn rau xanh tốt, giàn mướp, bầu… sai quả, đàn gà đang bới cỏ sau vườn, đôi công xòe đuôi khoe bộ lông rực rỡ, chim hót líu lo... Khung cảnh thật đầm ấm như ngôi nhà nhỏ ở quê mình. Điều ấy phần nào giúp những người công nhân làm kinh tế nơi đất khách nguôi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương...

Ghi chép của: Phạm Thị Xuân

Có thể bạn quan tâm