Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Những người "không biết làm dân"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nóng hôi hổi dư luận xã hội suốt cả tuần qua là chuyện bà Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cãi nhau với chủ quán cà phê xung quanh chiếc ô tô đỗ không đúng chỗ và chuyện một ông tướng về hưu ngồi trong một chiếc ô tô khác chạy quá tốc độ, bị Cảnh sát Giao thông tuýt còi, đã lớn tiếng quát mắng, dọa nạt những người thi hành công vụ với nhiều lời lẽ thô tục, không thể chấp nhận được. Hai câu chuyện của 2 người, một đương chức và một về hưu lại có chung nỗi niềm của người “không biết làm dân”.

 

 Bà Lê Mai Trang-Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (người là là mặc áo xanh bên phải) trong clip được đưa lên mạng xã hội - Ảnh cắt từ clip
Bà Lê Mai Trang-Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (người là là mặc áo xanh bên phải) trong clip được đưa lên mạng xã hội - Ảnh cắt từ clip

Có thể ai đó cho rằng đây chỉ là chuyện cá nhân, có gì mà báo chí lại tốn nhiều giấy mực! Thế nhưng, câu chuyện tưởng nhỏ, tưởng cá nhân ấy lại gây nên hệ lụy vô cùng lớn. Đó là vấn đề giữ gìn đạo đức cán bộ và kỷ cương xã hội.

Với bà đương kim Phó Chủ tịch UBND quận lại là một quận ở thủ đô, dư luận cho rằng, dù người dân có “đanh đá ra sao” thì cách xử sự của bà như thế vẫn là không ổn. Thân làm công chức, lại thuộc hàng “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ dân), thì phải luôn biết giữ mình sao cho xứng với vị trí ấy. Vì vậy, không phải ngoài giờ hành chính mà bà muốn làm gì thì làm. Trong con mắt dân, bà luôn là bà Phó Chủ tịch UBND quận. Dù có thể người dân chưa biết mặt bà, nhưng trách nhiệm của bà là phải biết mình là ai mà giữ gìn hình ảnh của mình mọi lúc mọi nơi, trong khi xử lý công vụ lẫn các mối quan hệ xã hội.

Lỡ đỗ xe sai, lẽ ra chỉ cần nhẹ nhàng chuyển ô tô đến chỗ khác- một việc mà bất cứ người dân bình thường nào cũng biết là phải làm như vậy. Thế là xong. Vậy mà bà lại đi tranh cãi tay đôi với dân, khiến đám đông hiếu kỳ phải bỏ đũa trông lên. Còn bà và thuộc cấp thì thản nhiên vào quán ăn như chẳng có chuyện gì. Cho dù bà có giải thích là không gọi điện điều Công an ra giải quyết, thì sự xuất hiện ngay tắp lự của ông Chủ tịch UBND phường và ông Trưởng Công an phường sở tại trong dáng điệu hớt ha hớt hải, vội vàng không kịp cả đội mũ bảo hiểm ngay nơi xảy ra cuộc cự cãi cũng khiến dư luận nghi ngờ là bà đã điều lãnh đạo phường ra trông xe cho bà đi ăn bún!

Cái sảy nảy cái ung. Kết quả là ô tô chở bà Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã bị người dân đổ nước mắm vào. Cái sai của lãnh đạo đã vô tình dẫn đến cái sai đầy bức xúc của người dân.

Còn câu chuyện thứ hai. Dù là tướng, nhưng khi ra đường thì phải chấp hành pháp luật, ở đây là Luật Giao thông Đường bộ. Nếu có công vụ đặc biệt thì cũng phải chấp hành những quy định cụ thể, chứ không phải muốn gì cũng được. Đằng này, ông lại là tướng về hưu. Mà về hưu, tức là đã trở thành dân thường rồi. Dân thường thì làm gì có thẻ nọ thẻ kia để chứng tỏ mình được ưu tiên chạy nhanh hơn quy định. Vậy mà ông Trung tướng về hưu này vẫn mắc bệnh nghề nghiệp, tưởng rằng mình còn làm lãnh đạo, vẫn còn được ưu tiên! Xe chạy quá tốc độ, tức là đã vi phạm pháp luật, lại còn lớn tiếng mắng nhiếc Cảnh sát Giao thông đang thi hành công vụ, đe dọa cách chức cả Giám đốc Công an TP. Cần Thơ! Một chuyện mà chẳng bao giờ ông làm được, dẫu là đương chức.  

Thái độ của ông tướng về hưu này không chỉ làm mất thể diện cho chính ông, cho đơn vị cũ nơi ông công tác, mà còn làm ảnh hưởng đến danh dự của người dân. Bởi bây giờ ông đã là dân. Đi đâu, làm gì, phải nhớ mình là DÂN, làm gì cũng mang danh nghĩa là DÂN. Ông mà xưng xỉa lung tung là làm mất uy tín của DÂN!

Hai câu chuyện lẽ ra sẽ không phải ồn ào giấy mực, nếu người trong cuộc luôn biết giữ mình. Bởi suy cho cùng, làm gì rồi cũng làm DÂN!

Trên thực tế, những ảo tưởng về quyền lực đã khiến không ít người quên rằng, trước khi làm quan, ta là một công dân. Ai không biết làm dân, lúc nào cũng muốn đem quyền lực (hoặc cái bóng của quyền lực) để giải quyết những mối quan hệ cá nhân là sai lầm trầm trọng. Chẳng những không mang lại hiệu quả gì, lại còn làm khó những người thực thi pháp luật, tạo nên hình ảnh xấu xí cho đội ngũ cán bộ, công chức trong mắt dân.

Đạo đức cách mạng, đạo đức công chức chẳng có gì cao siêu. Vấn đề là mỗi người phải tự biết mình! Hai câu chuyện vặt vãnh của 2 vị chức sắc, một đương chức và một đã về hưu này là bài học đắt giá để mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước nhìn vào đó để răn mình! Bởi ở đâu có quyền lực thì ở đó dễ có chuyện lạm dụng quyền lực vì mục đích cá nhân. Đặc biệt là với những người “không biết làm DÂN”!  

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm