Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Những "người lính" của thầy Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thiếu gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục là một pháo đài chống dịch; mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ”… - đó là yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ngay trước thềm năm học mới. Nhưng vũ khí nào cho những “chiến sĩ” này?
Lại là “một trận đánh lớn” của ngành giáo dục theo cách mà cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói cách đây hơn 10 năm. Trận đánh lớn của thầy Luận là giữa cái cũ và cái đổi mới, giữa cái tiêu cực và một một nền giáo dục thực chất. Trận đánh ấy từ thời Bộ truởng Phạm Vũ Luận, qua nhiệm kỳ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho tới bây giờ là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ở nhiều mảng còn chưa ngã ngũ.
Bây giờ thêm một cuộc “chiến mới”: Chống dịch COVID-19. Khi Bộ trưởng xác định mỗi giáo viên, học sinh là một chiến sĩ thì có nghĩa là phải đảm bảo các “vũ khí” cho người lính ra trận.
Vũ khí đầu tiên: Vaccine. Thủ tướng đã yêu cầu có kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh. Thế nhưng việc này đang hoàn toàn phụ thuộc vào các địa phương. Bộ GDĐT chưa có chiến lược cụ thể nào cho vấn đề này. Không có vaccine thì không có môi trường giáo dục an toàn.
Vũ khí thứ hai: Công nghệ. Giáo dục trực tiếp hay trực tuyến đều phải sử dụng công nghệ mới. Chúng ta đã trang bị điều này như thế nào thay vì chỉ hô hào “tích cực thi đua”. Công nghệ thì phải đầu tư chứ không chỉ nói mồm.
Vũ khí thứ ba: Chính sách. Làm thế nào để giáo viên sống được bằng lương? “Vị thế của nhà giáo, sự tôn nghiêm của nghề giáo” sẽ chỉ là đòi hỏi quá sức nếu không giải quyết sự thiệt thòi về thu nhập cho lực lượng giáo viên hiện nay. Chuyện thu nhập của giáo viên là câu chuyện dài, không hẳn phụ thuộc vào mong muốn hay đề xuất của Bộ GDĐT mà có thể thực hiện được. Nhưng Bộ GĐĐT sẽ làm gì để cải thiện điều này?
Và cũng là câu chuyện chính sách: Đó là việc miễn giảm học phí, bỏ các loại quỹ vô lý với cho con, em người lao động, người dân đang khó khăn bởi giãn cách và dịch COVID-19.
Chúng ta chưa có hoặc rất thiếu những “vũ khí” kể trên.
Năm học mới 2021-2022 là một năm học đặc biệt, mục tiêu an toàn phải đặt lên cao nhất. Nhưng…
Nhân viên văn thư của Trường THPT Nông Cống 1 (Thanh Hóa) dương tính với SAR-CoV-2 khiến 58 cán bộ giáo viên của trường được lệnh cách ly tại chỗ.
Sau khi phát hiện 10 ca F0, hơn 60.000 học sinh các cấp trên địa bàn huyện Hải Hậu (Nam Định) phải tạm thời dừng tựu trường kể từ ngày 1.9.
Đó mới chỉ là những cảnh báo đầu tiên cho một năm học mới đầy chông gai.
Gọi “giáo viên, học sinh” là những người lính, hay chiến sĩ mang tính chất hình ảnh. Song câu hỏi là sẽ thế nào nếu những “người lính” ấy thiếu những vũ khí cần thiết và làm sao có thể biến mỗi trường học là một “pháo đài” như mong muốn của thầy Bộ trưởng?
LINH ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm