Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Những nhà giáo ở Gia Lai đi đầu trong chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn mang đến cho học trò những giờ học sinh động, nhiều nhà giáo ở Gia Lai đã tích cực đổi mới phương pháp quản lý, dạy học trong thời đại số.

1. Với vai trò “đầu tàu”, thầy Nguyễn Trọng Ngoạn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) không cho phép bản thân và cơ sở giáo dục của mình bị “lỗi nhịp” trên hành trình chuyển đổi số của ngành. Từ năm 2019 đến 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thầy Ngoạn vẫn quyết tâm hoàn thành chương trình trung cấp công nghệ thông tin.

Cũng trong giai đoạn này, thầy đã chủ trì hiệu quả các cuộc họp của chi bộ, hội đồng sư phạm, Ban đại diện cha mẹ học sinh và tổ chức các tiết dự giờ theo hình thức trực tuyến.

Dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Ngoạn, 100% giáo viên của Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) đều soạn giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: Mộc Trà

Dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Ngoạn, 100% giáo viên của Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) đều soạn giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: Mộc Trà

Thầy Ngoạn cho hay: Bên cạnh đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức, nhà trường còn hướng đến đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo.

Vì thế, tôi đã chỉ đạo 100% giáo viên phải soạn giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; đánh giá, nhận xét học sinh bằng học bạ điện tử; khuyến khích giáo viên sưu tầm, lồng ghép tranh ảnh, hoạt hình nhằm tăng sự sinh động, hấp dẫn cho bài giảng.

Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa để lắp đặt hệ thống mạng LAN, 2 màn hình thông minh cho phòng tin học và ngoại ngữ, trang bị 17 ti vi thông minh cho các phòng học.

Đến nay, 100% giáo viên đều có thể tiếp cận với nguồn tài liệu khổng lồ trên internet để ứng dụng vào giảng dạy, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa nâng cao hiệu quả giáo dục.

“Từ năm học 2021-2022, nhà trường bắt đầu thực hiện tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến; triển khai các khoản thu-chi dịch vụ giáo dục qua phương tiện điện tử mà không dùng tiền mặt; tích cực xây dựng nguồn học liệu dạy học lưu trữ phong phú.

Ngoài ra, trường cũng đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu thành phần; số hóa, gắn mã định danh của học sinh và hồ sơ lý lịch của cán bộ, giáo viên, nhân viên”-thầy Ngoạn thông tin.

2. Tại Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ), thầy Nguyễn Thành Nhựt-Tổ trưởng Tổ Anh-Tin là một trong những giáo viên tiên phong trong việc chuyển đổi số. Với tinh thần đổi mới và sáng tạo không ngừng, thầy Nhựt không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là giảng dạy Tiếng Anh mà còn được Ban Giám hiệu giao phụ trách phòng máy; quản lý hệ thống Smas, website và fanpage của trường; hệ thống bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; quản lý đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên và phần mềm I-soft E-learning…

Thầy Nguyễn Thành Nhựt là một trong những giáo viên tiên phong thực hiện chuyển đổi số của Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ). Ảnh: M.T

Thầy Nguyễn Thành Nhựt là một trong những giáo viên tiên phong thực hiện chuyển đổi số của Trường THCS và THPT Y Đôn (huyện Đak Pơ). Ảnh: M.T

Đặc biệt, thầy Nhựt còn cam kết với nhà trường về phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số trong hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học. Theo đó, thầy đã tạo ngân hàng kiểm tra 15 phút trắc nghiệm môn Tiếng Anh trên hệ thống Azota và thực hiện dạy học tương tác với học sinh qua hệ thống Paddlet.

Thầy cũng khai thác ứng dụng Master Test để đảo đề và triển khai kiểm tra trên mạng LAN của nhà trường, sử dụng phần mềm Adobe Presenter để thiết kế bài giảng E-learning.

“Tôi cũng mạnh dạn thí điểm triển khai các mô hình dạy-học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp như: lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo… phù hợp với điều kiện, đặc thù và nhu cầu thực tế.

Đồng thời, tận dụng hiệu quả các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số (Zoom, Microsoft Teams, Google Meet) để dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến; cho học sinh kiểm tra qua các hệ thống: https://kahoot.it/, https://quizizz.com/, https://quizlet.com/vi, https://wordwall.net/”-thầy Nhựt chia sẻ.

Là người quản lý Smas của trường, thầy Nhựt cũng luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống này. Thầy đã tham mưu cho Ban Giám hiệu triển khai Sổ chủ nhiệm V2.0 của Smas, sử dụng lịch báo giảng điện tử của hệ thống Smas và áp dụng sổ kế hoạch chuyên môn điện tử cho tổ trưởng chuyên môn, giúp công tác quản lý của nhà trường đảm bảo khoa học, hiệu quả.

Đối với trang web của trường, thầy Nhựt đã thực hiện phân quyền cho chi bộ, đoàn thể, tổ chuyên môn đăng tải, chia sẻ các thông tin của nhà trường cùng các tài liệu số khác.

Ngoài việc đảm nhận các nhiệm vụ chính, thầy còn tập huấn và hướng dẫn giáo viên môn Vật lý, Hóa học tại trường về cách sử dụng phòng học đa chức năng cũng như phần mềm thí nghiệm ảo Yenka được cấp bởi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Thầy luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp trong việc giải quyết những khó khăn nhỏ như: tài khoản, mật khẩu hay cách vận hành hệ thống, giúp họ có thể tham gia các chương trình đào tạo trực tuyến một cách thuận lợi.

Với vai trò Tổ trưởng Tổ Anh-Tin, thầy Nhựt cũng đề xuất và khích lệ giáo viên trong tổ triển khai các hoạt động giáo dục STEM nhằm khai thác tối đa tiềm năng và năng lực của học sinh.

3. Tham gia công tác quản lý tại một ngôi trường chuyên biệt, thầy Trần Thanh Bình-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Pưh cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để mỗi cán bộ, giáo viên tự đổi mới, sáng tạo, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn.

Thầy Trần Thanh Bình (đứng)-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pưh luôn sát sao với mọi hoạt động chuyển đổi số của nhà trường. Ảnh: Mộc Trà

Thầy Trần Thanh Bình (đứng)-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pưh luôn sát sao với mọi hoạt động chuyển đổi số của nhà trường. Ảnh: Mộc Trà

Giám đốc Sở GD-ĐT vừa trao tặng giấy khen cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong năm học 2022-2023. Ngoài các thầy: Nguyễn Trọng Ngoạn, Nguyễn Thành Nhựt, Trần Thanh Bình, danh sách này có thêm 2 nhà giáo là Nguyễn Đức Hoàng-Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Ya Ly (huyện Chư Păh) và Phan Trung Bộ-giáo viên Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê).

Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, thầy Bình cùng Ban Giám hiệu đã xây dựng kế hoạch với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện trong toàn trường.

Theo đó, hình thức dạy học trực tuyến kết hợp với dạy học trực tiếp được lồng ghép trong kế hoạch năm học.

Những nền tảng dạy và học trực tuyến như: Google Meet, Zoom Cloud Meeting, Microsoft Teams, Google Classroom… được nhà trường triển khai thống nhất với trên 90% học sinh sử dụng.

Kho học liệu trực tuyến của trường cũng từng bước được hình thành (có thể kết nối đến kho học liệu trực tuyến quốc gia), đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho trên 70% nội dung chương trình.

Tất cả các phòng chuyên môn, phòng học của trường đều được lắp đặt hệ thống mạng internet. 100% phòng học có ti vi, máy tính kết nối internet; trong đó có 1 phòng học tương tác thông minh phục vụ cho môn Tiếng Anh và một số môn học khác.

Hiệu trưởng Trần Thanh Bình cũng đã chỉ đạo tập thể sư phạm nhà trường tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực số; phát huy và sử dụng có hiệu quả các nền tảng hỗ trợ dạy học từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập; đồng thời, phát triển các kho học liệu số (bài giảng điện tử, hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến) cho tất cả môn học.

Sự kết nối với phụ huynh cũng được duy trì thường xuyên, kịp thời thông qua hệ thống Smas hay Zalo của nhà trường, nhóm lớp... nhằm phối hợp hiệu quả trong công tác giáo dục học sinh.

“Bản thân tôi cũng đã tiên phong đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành, quản trị nhà trường dựa trên công nghệ và dữ liệu; sử dụng và khai thác hiệu quả hệ thống thông tin quản lý toàn ngành đã được Bộ GD-ĐT thiết lập; dùng chữ ký số trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Sở GD-ĐT…

Tỷ lệ người học, phụ huynh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của nhà trường trung bình hàng năm đạt trên 90%”-thầy Bình cho biết.

Có thể bạn quan tâm