Thời sự - Bình luận

Những nhận định sai sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Báo cáo mới nhất của USCIRF về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam bị chỉ trích là sai sự thật, thiếu khách quan.

Nhiều năm qua, căn cứ vào những nguồn tin không đầy đủ, thiếu khách quan, thậm chí cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật của các tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan, cơ hội chính trị, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) thường xuyên đưa ra nhận định, báo cáo không chính xác về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, từ đó kêu gọi Chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế gây sức ép với chính quyền Việt Nam. Việc làm của USCIRF khiến dư luận vô cùng bức xúc và cực lực lên án.

Một buổi sinh hoạt tại điểm nhóm Công giáo làng Klah, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. (Ảnh HÀ NHÂN)

Ngày 12/12 vừa qua, USCIRF ra thông cáo bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với các nhóm tôn giáo độc lập, bao gồm nhóm Phật giáo Khmer Krom, Tin lành người Thượng, Cao Đài Chơn truyền và nhiều tín đồ khác. Nhằm minh chứng cho cáo buộc của mình, USCIRF đã liệt kê một số vụ việc gần đây, như việc Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long ngày 26/11/2024 tuyên phạt tù những đối tượng lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, rồi tùy tiện đưa ra nhận định mà họ gọi là “sự thụt lùi của tự do tôn giáo ở Việt Nam”.

Chưa dừng lại ở đó, USCIRF còn đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần quan tâm đặc biệt (CPC). Song song đó, nhằm chĩa mũi dùi vào Việt Nam với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Chủ tịch USCIRF Stephen Schneck lên tiếng chỉ trích: “Hành vi này không phù hợp với tư cách của Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến đáng báo động này với sự quan ngại sâu sắc”. Hùa vào “dàn đồng ca”, một ủy viên của USCIRF là Meir Soloveichik kêu gọi: “Trước tình trạng xấu đi này, Chính phủ Hoa Kỳ nên tăng cường nỗ lực gây sức ép để chính phủ Việt Nam trả tự do cho các tù nhân tôn giáo và thực hiện những cải thiện cụ thể đối với các điều kiện tự do tôn giáo, bao gồm cả việc sửa đổi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và nghị định thi hành”.

Không khó để nhận thấy những luận điệu mà USCIRF đưa ra trong thông cáo ngày 12/12 vừa qua đã được lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Gần đây, ngày 27/9, USCIRF công bố báo cáo Tôn giáo do Nhà nước kiểm soát và Tự do tôn giáo ở Việt Nam, có nhiều nội dung sai sự thật như việc cáo buộc Việt Nam sử dụng các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu thuẫn để đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập, từ đó phủ nhận tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Cách làm của USCIRF cho thấy tổ chức này chỉ dựa vào một số nguồn tin không xác tín, đã lập tức làm rùm beng, lớn tiếng ra thông cáo về tình hình của Việt Nam, cố tình hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trở lại báo cáo ngày 12/12 của USCIRF, một trong những sự việc được tổ chức này triệt để khai thác liên quan đến đối tượng Thạch Chanh Đa Ra.

Theo cáo trạng của phiên tòa hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long ngày 26/11/2024 xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và “Bắt, giữ người trái pháp luật” cho thấy: Vào chiều 22/11/2023, Tổ công tác của Ủy ban nhân dân huyện Tam Bình đến nắm tình hình và giải quyết vụ treo “cờ lạ” trước cổng khu vực chùa Đại Thọ tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình. Tại đây đối tượng Thạch Chanh Đa Ra đã chỉ đạo các đồng phạm khác và trực tiếp cùng thực hiện hành vi bắt, giữ người trái pháp luật; một số đối tượng đã dùng vũ lực gây thương tích, có 3 người của Tổ công tác bị khống chế đưa vào chánh điện. Trước và sau khi kết thúc vụ việc, Thạch Chanh Đa Ra đã nhiều lần quay clip, phát trực tiếp trên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm các cơ quan chức năng. Đồng thời Thạch Chanh Đa Ra còn chiếm quyền quản lý, điều hành chùa Đại Thọ mà không thông báo, không được sự cho phép của Ban Quản lý chùa và Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã xem xét hành vi, tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo, đưa ra các bản án phù hợp, đúng người, đúng tội, vừa có tính răn đe, vừa bảo đảm tính nhân văn, được người dân đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng USCIRF lại cố tình xuyên tạc, rằng “luật pháp Việt Nam áp đặt các hạn chế đối với hoạt động tôn giáo”, và đưa ra những đánh giá phiến diện rằng Việt Nam “gia tăng đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập không chịu sự kiểm soát của nhà nước”. Đồng thời cố tình đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm biến các đối tượng núp bóng tôn giáo vi phạm pháp luật thành cái gọi là “tù nhân tôn giáo” để rồi đưa yêu cầu phi lý là đòi cơ quan pháp luật Việt Nam phải trả tự do cho những người này.

Bất bình trước những đánh giá thiếu khách quan, sai sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng phải chăng bằng việc lợi dụng vấn đề tôn giáo, nhân quyền USCIRF đã tự cho mình quyền cho phép các cá nhân núp bóng tự do tín ngưỡng, tôn giáo đứng trên luật pháp, chà đạp lên luật pháp, gây mất an ninh trật tự xã hội? Chưa kể, lợi dụng những thông cáo của USCIRF các thế lực thù địch ra sức vào hùa, lên án Việt Nam “phân biệt đối xử”, “đàn áp” tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, tìm mọi cách gây sức ép đối với chính quyền.

Cần khẳng định rằng, tôn trọng bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật. Cụ thể tại Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với Hiến pháp năm 2013, Việt Nam cũng đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, và các nghị định, văn bản hướng dẫn cụ thể góp phần tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền này được triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và thực tiễn ở Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tổ chức tôn giáo và cấp đăng ký hoạt động, hơn 3.700 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung độc lập, trong đó có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam, cùng với đó là 62 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Trên cả nước có hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, hơn 54.000 chức sắc, hơn 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Người dân được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cùng với việc thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng giữa các dân tộc; Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào các dân tộc thiểu số gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển về mọi mặt; coi đây là cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và phát triển bền vững đất nước.

Những thành quả về bảo đảm quyền tự do tôn giáo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đây được đánh giá là cơ sở quan trọng giúp quan hệ Việt Nam-Vatican nâng cấp từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện thường trú. Năm 2023, Tòa thánh Vatican đã mở Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam. Ghi nhận về thành tựu nhân quyền của Việt Nam nói chung và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam nói riêng ông Kyril Whittaker (người Anh), nhà nghiên cứu chính trị-lịch sử Việt Nam khẳng định: Ở Việt Nam, quyền con người không những được bảo vệ mà còn được phát triển ở mức cao nhất có thể. Việt Nam cũng bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, với nhiều đền, chùa, nhà thờ và các cơ sở tín ngưỡng được xây dựng như một phần của các cộng đồng dân cư. Ông Kyril Whittaker cho biết mình rất ấn tượng trước quy mô, vẻ đẹp và vai trò của các đền, chùa Phật giáo, nhà thờ Thiên chúa giáo và Hồi giáo trong các cộng đồng mà ông từng đến thăm ở Việt Nam.

Đáng tiếc là USCIRF đã cố tình bỏ qua thực tế sinh động này, không cho thấy thiện chí trong việc trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam mà chủ yếu dựa vào các thông tin, tài liệu từ những nguồn không tin cậy, tiêu biểu như các tổ chức phản động người Việt lưu vong có hoạt động khủng bố, tài trợ khủng bố chống Nhà nước Việt Nam quyết liệt và cực đoan như “Ủy ban cứu người vượt biển-BPSOS”, tổ chức khủng bố “Việt Tân” hoặc từ các chức sắc cực đoan chống đối trong nước.

Chính vì vậy những báo cáo, đánh giá của USCIRF phản ánh không đúng sự thật khách quan về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Điều khiến dư luận phẫn nộ là những “nhân chứng” mà USCIRF ra sức bênh vực cũng như dựa vào đó để đưa ra cáo buộc “Nhà nước Việt Nam tìm cách đàn áp, xóa bỏ các tổ chức tôn giáo độc lập” đều là những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, hoặc các tổ chức tôn giáo tự phát thực hành tôn giáo một cách cực đoan, chống phá tinh thần đoàn kết của giáo dân trong tôn giáo. Cần nhấn mạnh rằng, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam duy trì trật tự xã hội bằng pháp luật do đó mọi hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đều bị nghiêm trị và ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “tù nhân tôn giáo”.

Hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đang hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025. Vừa qua hai nước cũng đã kỷ niệm một năm Ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là kết quả của một quá trình hợp tác lâu dài, hiệu quả, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Bởi vậy những báo cáo, đánh giá của USCIRF không chỉ phản ánh sai sự thật về tình hình tại Việt Nam mà còn có nguy cơ làm gia tăng sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đi ngược lại xu thế hợp tác, phát triển, vi phạm nguyên tắc tôn trọng các vấn đề nội bộ của các quốc gia do đó cần bị phản bác, lên án nghiêm khắc.

Theo ĐÔNG Á (NDO)

Có thể bạn quan tâm