Thời sự - Bình luận

Trách nhiệm với cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiêu dùng nội địa là 1 trong 3 trụ cột và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hàng loạt giải pháp kích cầu đã được doanh nghiệp, bộ ngành triển khai, nhất là về cuối năm, hoạt động kích cầu càng diễn ra rầm rộ với kỳ vọng thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ, xây dựng bước chạy đà cho kinh tế 2025.

Đơn cử, chương trình Online Friday diễn ra cuối tháng 11 thu hút sự tham gia của đông đảo nhãn hàng, nhà phân phối bán lẻ ở tất cả mô hình trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng và kênh bán hàng online qua sàn thương mại điện tử, TikTok Shop. Tại TP HCM, Online Friday còn mở rộng phạm vi khuyến mại đến các sản phẩm thiết yếu, thực phẩm.

Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cùng ngành công thương thành phố tổ chức loạt chương trình bán hàng lưu động - bình ổn thị trường, luân phiên từ ngày 10-12-2024 đến 5-1-2025 tại 7 địa điểm. Tại mỗi điểm bán, các doanh nghiệp chuẩn bị hơn 500 mã sản phẩm thiết yếu thuộc 40 mặt hàng trong ngành hóa phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng tiêu dùng, thiết bị nhà bếp… giảm giá đến 60%, thậm chí 100% kèm quà tặng hấp dẫn.

Tâm lý thận trọng chi tiêu vẫn phổ biến, thậm chí người tiêu dùng đang gia tăng độ nhạy cảm về giá. Để có được nguồn hàng số lượng lớn, giá tốt, nhà bán lẻ đã hợp tác với nhà phân phối trong việc đặt hàng dài hạn; đưa ra dự báo về cung - cầu thị trường để nhà sản xuất có kế hoạch cung ứng phù hợp.

8 tuần cao điểm mua sắm trước Tết cũng là thời gian các doanh nghiệp tung hàng bình ổn giá ra thị trường với tỉ lệ chi phối. Doanh nghiệp không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mùa Tết như gạo, dầu ăn, đường, thịt heo, thịt gà, trứng gà, rau… ổn định trong 2 tháng trước, trong và sau Tết mà còn chủ động dành ngân sách lớn để khuyến mại giảm giá; phối hợp thành phố tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa, khu chế xuất - khu công nghiệp để mang hàng bình ổn và hàng khuyến mãi đến người tiêu dùng. Đến sát Tết, doanh nghiệp sẽ giảm giá sâu một số hàng thực phẩm thiết yếu để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có thể sắm Tết tiết kiệm, đầy đủ nhất có thể.

Bên cạnh việc bảo đảm nguồn hàng, giữ ổn định giá, việc chăm lo Tết còn được nâng lên thành hoạt động xã hội, trách nhiệm với cộng đồng mà doanh nghiệp tự nguyện tham gia. Trong nhiều năm nay, Saigon Co.op phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các "chuyến xe hạnh phúc" đưa lao động về quê ăn Tết, các "siêu thị 0 đồng" mang quà tặng là hàng hóa thiết yếu đến với người dân có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh, thành.

Vẫn cần nhiều chương trình phù hợp, những hoạt động hướng về người tiêu dùng để kích cầu mua sắm. Qua đó không chỉ giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa mà còn đưa hàng hóa chất lượng, an toàn thực phẩm đến đa dạng người tiêu dùng. Đây cũng là "bàn đạp" để về đích cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cả nền kinh tế.

Theo NLĐO

Có thể bạn quan tâm