Thời sự - Bình luận

Xe dù chui lọt lỗ kim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Cụ thể, theo ghi nhận của Thanh Niên, xe khách của hàng loạt nhà xe ngang nhiên dừng đỗ lên xuống hàng hóa, đón khách tại đầu đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đầu đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Không cần nói thì ai cũng biết đây là những khu vực có lưu lượng xe nhiều, di chuyển tốc độ khá cao nên sự tồn tại của tình trạng vừa nêu là rất nguy hiểm cho cả xe cộ lẫn hành khách lên xuống xe. Tất nhiên, "bến cóc" còn dẫn đến tình trạng bát nháo, mất trật tự ở các địa phương.

Nguy hiểm là thế và ngang nhiên là vậy, nhưng một câu hỏi khiến người ta không khỏi thắc mắc là sao điều đó vẫn tồn tại. Thời gian qua, các vi phạm về an toàn trật tự giao thông được xử lý rất nhiều, đặc biệt tại các cao tốc, bởi hệ thống camera giám sát dày đặt, kết hợp cùng lực lượng chức năng liên tục tuần tra. Thậm chí, nhiều tài xế còn dặn nhau tuyệt đối không được vượt ẩu hay đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc vì "không thoát được đâu, camera ghi lại hết". Nên tình trạng "xe dù, bến cóc" ồn ào và diễn ra thường xuyên như vậy thì chẳng khác nào: con voi chui lọt lỗ kim. Thì trách nhiệm trước hết là của cơ quan chức năng.

Trước đây, "xe dù, bến cóc" hầu hết là các nhà xe gia đình với số lượng chỉ có 1 - 2 chiếc xe. Nhưng trong những lần Thanh Niên phản ánh trong năm nay, thì nhiều xe vi phạm mang thương hiệu "có tiếng" ở một số tuyến nhất định. Điển hình như xe C.T (tuyến TP.HCM - Nha Trang), các nhà xe H.H và T.L.T (tuyến TP.HCM - Tiền Giang), T.P (TP.HCM - Ngãi Giao, H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu), V.L (TP.HCM - Cần Thơ)...

Trong số này, nhiều nhà xe có đội xe khá lớn chứ chẳng "cò con". Theo quy định, các nhà xe này đều đăng ký kinh doanh, mỗi xe đều có phù hiệu và bị bắt buộc lắp đặt thiết bị theo dõi hành trình (còn được gọi là "hộp đen") để truyền dữ liệu về cơ quan quản lý đường bộ tại nơi đăng ký hoạt động và cả đơn vị vận hành.

Đây chính là một trong các cơ sở quan trọng để làm căn cứ xử lý sai phạm. Cũng qua đó, cơ quan chức năng có thể quy trách nhiệm cho nhà xe, đơn vị điều hành chứ không phải chỉ là sai phạm của tài xế trong quá trình hoạt động. Nếu những nhà xe có sai phạm lặp đi lặp lại nhiều lần thì có thể áp dụng những biện pháp xử lý tăng nặng.

Thời gian qua, từ ghi nhận của dữ liệu hành trình, cơ quan chức năng một số địa phương đã xử phạt và áp dụng nhiều biện pháp xử lý đối với các nhà xe, công ty vận tải có nhiều xe vi phạm về giao thông. Như vậy, phương tiện và cách thức để giải quyết đã có đủ, nên chẳng có lý do gì để tình trạng "xe dù, bến cóc" tồn tại và "di căn" như hiện nay. Cản trở duy nhất có lẽ chính là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng liên quan.

Theo Phát Tiến (TNO)

Có thể bạn quan tâm