Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Những "phú ông" trên đất khó Chư Răng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Chư Răng (huyện Ia Pa, Gia Lai) được tách ra từ vùng đất Pờ Tó một thời xa xôi, cách trở, nghèo khó. Nhưng giờ về đây sẽ không khó để tìm gặp những nông dân làm chủ gần chục héc ta lúa. Họ thực sự là những “phú ông” thời đổi mới.
“Sỏi đá cũng thành cơm”
Vùng đất nằm cách trụ sở UBND xã Chư Răng chừng 5 cây số trước kia toàn sỏi đá và rừng le, cây bụi, không có nguồn nước nên bị bỏ hoang, không ai ngó ngàng gì đến. Năm 1976, cha con anh Phùng Văn Dũng từ huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) đến đã chọn nơi này làm chốn lập nghiệp. Anh Dũng nhớ lại: “Hồi ấy, lạ rừng, lạ nước, bệnh sốt rét hoành hành nên nhiều người đã bỏ đi nơi khác. Riêng mấy cha con tôi vẫn kiên trì bám trụ. Cả nhà vắt sức ra để phát cây, vần đá, cuốc đất, bạt các gò cao xuống thành nương rẫy để trồng đậu xanh, bắp, lúa cạn”. 
Anh Phùng Anh Dũng chăm sóc ruộng lúa 7 ha của gia đình. Ảnh: Đ.P
Anh Phùng Anh Dũng chăm sóc ruộng lúa 7 ha của gia đình. Ảnh: Đ.P
Khi Nhà nước cho san ủi cánh đồng xã Chư Răng, mỗi hộ dân được chia hơn 1 sào đất để sản xuất. Có ruộng lúa để duy trì cái ăn, cả nhà anh Dũng vẫn nai lưng cải tạo vùng đồi sỏi đá thành 3 ha đất trồng mía. 15 năm trước, khi cưới vợ, anh Dũng ra riêng và chuyển hẳn ra vùng đồi còn lại để khai phá hơn chục héc ta đất trồng mía. 3 năm nay, cây mía rớt giá, anh Dũng thuê máy ủi về san ủi 7 ha để trồng lúa nước. Không có nước thủy lợi, anh khoan 2 giếng sâu gần 100 m, kéo điện 3 pha bơm nước tưới lúa. Anh còn đào 2 ao cá rộng hơn 6 sào để trữ nước bơm tưới vào mùa khô, vì thế ruộng nhà anh chưa bao giờ thiếu nước.
Khi chúng tôi ghé thăm gia đình anh Dũng, gần 7 ha nếp 97 đang kỳ đẻ nhánh xanh mơn mởn. Xung quanh bờ ruộng, anh trồng dừa xiêm xen mít Thái. Chỉ tay về phía cánh đồng lúa, anh Dũng bày tỏ: “Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” khi xưa giờ là ruộng lúa bao la thế này. Không thể kể hết bao nhiêu công sức, mồ hôi của gia đình đã đổ xuống đây. Sắp tới khi thu hoạch xong 4 ha mía, tôi sẽ cho san ủi thành ruộng để trồng lúa luôn”. Nhờ cần cù lao động, vùng đất cằn sỏi đá đã cho mùa vàng bội thu. Từ 7 ha lúa, mỗi năm gia đình anh Dũng thu gần 140 tấn lúa. Với vốn liếng ấy, anh đã có được nhà cửa khang trang, mua sắm máy cày, máy xới và chăm lo cho 3 con ăn học nên người.         
“Phú ông” thời nay
Vùng đất Chư Răng nằm ngoài vùng tưới của thủy lợi Ayun Hạ. Cả xã có 200 ha lúa nước đều phải sử dụng nước trạm bơm điện. Chủ tịch UBND xã Phạm Quốc Cường cho hay, diện tích lúa nước thủy lợi ít nhưng nhiều nông dân trong xã đã tận dụng các vùng đất ven sông suối, san ủi đất gò đồi trồng lúa, khoan giếng bơm tưới. “Trong xã có gần chục hộ canh tác 5-10 ha lúa nước như thế. Ngày mùa, mỗi nhà thu hoạch cả trăm tấn lúa”-ông Cường trầm trồ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khoát (thôn Bình Hòa) sống trong căn biệt thự kiểu Thái to nhất nhì xã nằm sát đường Trường Sơn Đông. Bước vào nhà lão nông này, tôi hơi ngỡ ngàng trước những tiện nghi đắt tiền. “Mình mới mua thêm cái ti vi hơn trăm triệu đồng để coi bóng đá SEA Games 30 đấy. Cái ti vi cũ hơi nhỏ, mình cho đứa em rồi. Nhà cửa, tài sản đây là nhờ trồng mía, trồng lúa mà ra hết đấy”. Xởi lởi mời tôi uống nước xong, ông dắt xe máy chở tôi ra cánh đồng lúa cách nhà 4 cây số. Cánh đồng rộng hơn 8 ha lúa mới sạ được hơn 1 tháng, xanh rì. “4 năm trước, tôi thuê san ủi hạ thấp mặt bằng 8 ha mía để làm ruộng lúa, khoan 3 cái giếng sâu 80 m, kéo điện 3 pha ra ruộng để bơm nước tưới lúa nên mùa đại hạn dù lúa nhiều nhà bị khô nhưng riêng lúa nhà tôi vẫn cứ đủ nước, xanh um. Tôi trồng lúa Q5, năng suất 10 tấn/ha, mỗi năm 8 ha lúa nước 2 vụ, thu hoạch tổng cộng 150 tấn lúa”-ông Khoát hồ hởi khoe.
 Nông dân sản xuất giỏi Siu Phích đang vệ sinh máy cày. Ảnh: Đ.P
Nông dân sản xuất giỏi Siu Phích đang vệ sinh máy cày. Ảnh: Đ.P
Chia tay ông Khoát, tôi rẽ vào làng Vòng Bong tìm đến nhà anh Siu Phích, một nông dân Jrai. Vợ chồng Siu Phích thuộc lớp thanh niên đầu 8X. Chiều muộn, anh vừa đi cày ruộng về, đang loay hoay vệ sinh dàn lưỡi chiếc máy cày Kubota. Anh mời tôi lên nhà sàn rộng thênh hơn 250 m2, to nhất làng. Siu Phích kể, lúc mới cưới ra ở riêng, vợ chồng anh có 5 sào ruộng lúa do bố mẹ vợ cho. Nhờ cần cù lao động và biết tiết kiệm, tích cóp mua thêm ruộng rẫy nên họ đã có được một cơ ngơi đáng nể. “Mình vừa gieo sạ xong 5 ha lúa nước giống MT10. Ngoài ra, mình còn có 12 ha mía và 8 ha mì. Bò chỉ nuôi 2 con thôi vì 3 đứa con đi học hết, không có người chăn”-anh Siu Phích cho hay. Anh nhẩm tính, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, tổng thu nhập của gia đình được hơn 500 triệu đồng. Anh cũng chia sẻ những cách chi tiêu rất căn cơ: “Mình làm có tiền là lại tiết kiệm để mua thêm đất, mua 2 xe máy cày, 1 xe độ chế phục vụ sản xuất và khoan thêm giếng, kéo điện 3 pha để bơm tưới lúa chứ không mua sắm đồ đạc xa xỉ gì cả. Cái ti vi, tủ lạnh, lò vi sóng, iPad… là giải thưởng do Nhà máy Đường Ayun Pa trao tặng nhờ vượt sản lượng mía nguyên liệu  mấy năm trước đó”.
Nhìn vào cơ ngơi đáng nể của Siu Phích và những hộ trồng lúa ở xã Chư Răng mới thấy kết quả ấy là đương nhiên từ sự cần cù, chịu khó, lối sống tiết kiệm và ý hướng làm giàu. Bằng bàn tay và sức lực của mình, mỗi năm làm ra cả trăm tấn lúa, họ đích thị là những “phú ông” thời đại mới.
ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm