Từ năm 1999 đến nay, ông Siu Dơih (SN 1953, làng O Grang) được bà con tín nhiệm bầu làm già làng. Gần 25 năm qua, ông dành thời gian đến tận nhà các hộ dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý trong cuộc sống; tuyên truyền, vận động các gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm lo làm ăn phát triển kinh tế, chung sức xây dựng quê hương.
Không những thế, mỗi khi làng xảy ra vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, xích mích do hiểu lầm giữa làng xóm, mâu thuẫn vợ chồng... ông đều chủ động đến khuyên can, hòa giải. Mỗi năm, ông tham gia hòa giải 2-3 vụ việc xích mích, mâu thuẫn trong làng.
Ông Siu Dơih (làng O Grang) được người dân xem như vị “quan tòa” khi tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc. Ảnh: L.N |
“Khi tham gia hòa giải, tôi thường tìm hiểu kỹ sự việc và phân tích cho 2 bên hiểu được lẽ đúng sai. Đặc biệt là cần sự công bằng, không được bênh bên nào. Không chỉ gắn kết người dân, tôi còn thường xuyên nhắc nhở, vận động bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nuôi dạy con cái không vi phạm pháp luật.
Hàng ngày, nếu người dân có bức xúc hoặc chưa hiểu rõ việc gì thì cũng thường tìm đến tôi để nhờ giải thích, giúp đỡ. Đồng thời, tôi cũng vận động bà con tham gia giữ rừng, giữ truyền thống cúng rừng vào đầu năm mới, vì bảo vệ rừng chính là bảo vệ làng”-ông Dơih chia sẻ.
Tương tự, với gần 5 năm ở cương vị già làng, ông Siu Ing (SN 1967, làng O Pếch) luôn gương mẫu và tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Ông thường xuyên gần gũi với người dân để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của họ.
Bằng vốn sống phong phú, ông thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm cũng như phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân. Cùng với đó, các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp tại địa bàn luôn được ông giải quyết thấu đáo.
Theo già làng Siu Ing, mâu thuẫn về đất đai là phức tạp nhất. Do đó, khi hòa giải phải nắm chắc các quy định của pháp luật và cần có các căn cứ pháp lý như: nhân chứng lịch sử canh tác, giấy sang nhượng mua bán, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... để 2 bên hiểu, thỏa thuận với nhau.
Ngoài ra, ông còn thường xuyên tự trang bị kiến thức pháp luật để đứng ra làm cầu nối hòa giải, hàn gắn tình làng nghĩa xóm. Nhờ vậy, nhiều năm qua, làng không xảy ra tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tình hình an ninh chính trị ổn định.
“Nói về hiểu biết pháp luật thì tôi cũng có kinh nghiệm vì trước đây từng làm Trưởng Công an xã rồi sau đó là Phó Chủ tịch UBND xã. Nguyên tắc của tôi khi phân xử vụ việc là phải đưa ra những lý lẽ hợp tình, hợp lý cả về luật tục và pháp luật”-già làng Siu Ing chia sẻ.
Để phát triển kinh tế già làng Siu Ing (làng OPếch) còn chăn nuôi thêm bò và trồng cà phê. Ảnh: L.N |
Xã Ia Pếch có 1.391 hộ với 5.905 khẩu. Hiện toàn xã có 7 vị được công nhận là già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các già làng, người có uy tín giữ vai trò hạt nhân trong cộng đồng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đặc biệt, họ đã có nhiều đóng góp trong giải quyết điểm nóng, nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của người dân và báo cáo kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, các già làng, người có uy tín còn phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nghèo chăm lo lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, cuối năm 2023, toàn xã còn 156 hộ nghèo (chiếm 11,13%), 57 hộ cận nghèo (chiếm 4,06%).
Trao đổi với P.V, ông Ngô Khôn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pếch-cho biết: Các già làng, người có uy tín là lực lượng chủ chốt của các tổ hòa giải và đã giải quyết thành công nhiều vụ việc. Thời gian tới, xã tiếp tục phát huy vai trò và bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ già làng, người có uy tín.