Điểm đến Gia Lai

Những sản phẩm làm nên thương hiệu du lịch Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với nhiều loại đặc sản địa phương mang đậm nét văn hóa ẩm thực bản địa vùng miền, ngoài những món đã trở thành thương hiệu như: phở khô, bò một nắng, cà phê, tiêu… Gia Lai tự hào với sản phẩm mật ong Gia Lai  là một trong Top 10 đặc sản làm quà của Việt Nam do tổ chức kỷ lục Việt Nam - Vietkings xác nhận.

Gia Lai là một tỉnh ở Tây Nguyên với núi rừng bát ngát trập trùng, là nơi tuyệt vời cho những chú ong đi tìm hoa, dâng mật cho đời. Mật ong ở Gia Lai có vị ngọt thanh, màu vàng sậm óng ánh đặc quánh, người ta thường dùng mật ong như một vị thuốc trong đông y với độ kết dính cao và không bị kết tinh nên là sự lựa chọn ưu tiên của mỗi du khách mua về làm quà.

Tối ngày 21-7-2017, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức lễ công bố các sự kiện du lịch năm 2017 tại đường Anh hùng Núp, khu vực quảng trường Đại Đoàn Kết do Tổ chức kỷ lục Việt Nam - Vietkings xác nhận là: phở khô, mật ong và Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh Gia Lai năm 2017 với những nét đẹp riêng, hoang sơ vốn có của vùng đất thiên nhiên núi rừng hùng vĩ này.

 
Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah.
Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah.

Đứng đầu danh sách là ngọn núi lửa Chư Đăng Ya, thuộc xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn, cây dong riềng… Đến mùa khô, những đóa dã quỳ rạng rỡ dưới ánh mặt trời bung nở trên sườn núi làm mê mẩn lòng người.

 

Biển Hồ, TP. Pleiku.
Biển Hồ, TP. Pleiku.

Tiếp đến danh thắng Biển Hồ (Hay còn gọi là Ia Nueng) Thuộc xã Biển Hồ, nằm ở phía Bắc tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố 7 km là danh lam thắng cảnh duy nhất ở Gia Lai được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch  cấp bằng Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia năm 1988 với nét quyến rũ, hoang sơ xuân thì làm thổn thức bao con tim.
 

Quảng trường Đại Đoàn Kết.
Quảng trường Đại Đoàn Kết.

Quảng trường Đại Đoàn Kết Pleiku nằm ngay trung tâm thành phố với khuôn viên rộng lớn 12 ha, đây được xem là trái tim của người dân phố Pleiku nói riêng và niềm tự hào của người dân tỉnh Gia Lai nói chung.  Đây là công trình được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đạt 3 kỷ lục Việt Nam đó là Tượng đài Bác Hồ lớn nhất Việt Nam, bức phù điêu bằng đá lớn nhất Việt Nam và dàn Cồng Chiêng bằng đồng lớn nhất Việt Nam.  

Nằm bên cạnh quảng trường là Bảo tàng tỉnh Gia Lai tọa lạc tại 21 Trần Hưng Đạo, thành phố Pleiku, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị cao về lịch sử văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Bahnar và Jrai.


 

Gian máy của Thủy điện Ia Ly.
Gian máy của Thủy điện Ia Ly.

Cùng trong các điểm đến được ghi danh Thủy điện Ia Ly được xây dựng trên dòng Sê San, cách thành phố 30 km thuộc địa phận xã Ia Ly, huyện Chư Pah là nhà máy có quy mô lớn nhất miền Trung Tây Nguyên được thiết kế, xây dựng với kiến trúc đẹp, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hữu tình với nhiều hạng mục như đập tràn xã lũ, đạp nước, đài tưởng niệm, cửa nhận nước, nhà máy ngầm nằm dưới mặt đất gần 300 mét, thu hút đông đảo khách du lịch khi đến với Gia Lai.

 

Chiều trên Thủy điện Ia Lay.
Chiều trên Thủy điện Ia Ly.

Nhà Lao Pleiku nằm trên đường Thống Nhất thuộc phường Ia Kring, là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước 1975) và được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994.

 

Một góc của Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng (Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai)
Một góc của Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng (Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai)

Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG thuộc xã Chư Hdrông, thành phố Pleiku, đây là Học viện bóng đá mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Việc kết hợp giữa đào tạo bóng đá và phát triển du lịch sẽ trở thành niềm tự hào của người dân Phố núi. Tại đây, du khách sẽ được trực tiếp trải nghiệm, tham quan và nghỉ dưỡng xung quanh khuôn viên xanh của học viện, được tham gia tập luyện đá bóng, giao lưu với các cầu thủ nổi tiếng qua tour “Một ngày làm học viên Học viện Hoàng Anh Gia Lai”.

 

Làng kháng chiến Stơr
Làng kháng chiến Stơr

Nhà lưu niệm Anh hùng Núp nằm tại Làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, là một hạng mục trong tổng thể quy hoạch khu di tích lịch sử làng kháng chiến Stơr. Nơi đây được mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống Bahnar lưu giữ những kỷ vật, tư liệu về hình ảnh, cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của Anh Hùng Núp.

Thác Phú Cường Thuộc địa phận xã Dun huyện Chư Sê, cách thành phố Pleiku 45 km về phía Tây Nam. Thác Phú Cường được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên của dòng thác nổi tiếng nhất tỉnh nhà với thảm thực vật xanh tốt quanh năm.


 

Thác Phú Cường, huyện Chư Sê.
Thác Phú Cường, huyện Chư Sê.

Cuối cùng trong danh sách là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cách thành phố 50 km về phía Đông Bắc, thuộc các huyện Đak Đoa, Mang Yang, Kbang. Do đặc điểm đa dạng về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng nên vườn quốc gia Kon Ka Kinh có nguồn động thực vật phong phú, đa dạng về thành phần và chủng loại. Tại đây khai thác đang tốt loại hình du lịch trekking, nghiên cứu về hệ sinh thái rừng với các dòng thác làm mê mẩn lòng người.

Lễ công bố các sự kiện du lịch năm 2017 lần này là một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng tác động và nâng tầm thương hiệu du lịch Gia Lai đến thị trường du lịch trong và ngoài tỉnh, tôn vinh các điểm đến được ghi nhận và là cơ hội để quảng bá hình ảnh tỉnh nhà đến du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt ghi dấu chất lượng Phở khô hay còn gọi là Phở hai tô Gia Lai được xác nhận là một trong 10 món ăn mang “Giá trị ẩm thực châu Á” do Tổ chức Kỷ lục châu Á bình chọn. Có gian hàng trưng bày và quảng bá thương hiệu Phở khô hay còn gọi là Phở hai tô Gia Lai và Mật ong tại khu vực.


 

Phở khô Gia Lai
Phở khô Gia Lai.

Cũng trong chuỗi sự kiện này Sở cũng công bố một số sự  kiện quan trọng của ngành văn hóa, du lịch như: Công bố tuyến du lịch Đông Trường Sơn với các loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, trải nghiệm các dòng thác đẹp ở huyện Kbang, khám phá các giá trị khảo cổ học mới phát hiện tại thị xã An Khê, kế hoạch Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Nguyên lần thứ I năm 2017 tại Gia Lai và phát động các tổ chức và cá nhân hưởng ứng Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch.  Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Du lịch lồng ghép chiếu phóng  sự “Khám phá du lịch Gia Lai” và video clip giới thiệu quảng bá về ẩm thực và 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Gia Lai được công bố và trưng bày một quầy thông tin du lịch gồm các hình ảnh về danh thắng, di tích văn hóa lịch sử và các tập gấp, tờ rơi… quảng bá du lịch tỉnh nhà, có thuyết minh tại gian hàng cho du khách.

Võ Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm