Trong cuộc trường kỳ kháng chiến, nhiều thầy giáo đã hi sinh trên đường đi B hoặc ở chiến trường. Bao khát vọng tuổi 20 vượt Trường Sơn vào Nam đành gác lại. Nhưng thầy ngã xuống, trường vẫn mở...
Những trang nhật ký một thời sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc của các thầy giáo đi B - Ảnh: TRUNG TÂN |
Khi pháo ngưng, tôi bò đến thì thấy anh Chắc đã bị thương rất nặng. Anh mở bọc tiền quấn quanh người giao cho tôi, dặn bằng mọi giá phải bảo vệ được tài sản của trường, đó là 6 tháng ăn, là bút vở của thầy trò.
Nhật ký Bùi Văn Đồng
|
Hi sinh trên đường đi B
Năm 2004, thầy Trúc cùng một số đồng đội vào dự lễ khánh thành Bia tưởng niệm liệt sĩ giáo dục tại Đồi 82 (huyện Tân Biên, Tây Ninh) và xúc động khi nhìn thấy tên những đồng đội cũ trên bia.
Trên tấm bia ghi danh 111 nhà giáo miền Bắc đi B và 510 giáo viên các địa phương miền Nam đã hi sinh cho giáo dục suốt những năm đạn lửa chiến tranh...
Trong ký ức của mình, thầy Hà Ngọc Đào và thầy Nguyễn Trúc còn in rõ nỗi đau mất mát những đồng đội vào sinh ra tử suốt dọc đường hành quân trên dãy Trường Sơn.
Nhật ký thầy Trúc viết: "Ngày 20-3-1966, khi đã đi đến đất Phú Yên, tổ Đắk Lắk có 9 người gồm 8 nam và 1 nữ thì có 5 người phải nằm lại các trạm quân y dọc đường giao liên.
Còn 4 người gồm tôi Nguyễn Trúc, cậu Hà Ngọc Đào, Nguyễn Phúc Tuần và anh Cao Thành (trưởng đoàn vào Đắk Lắk năm 1965, cử nhân sử học - Nguyễn Trúc) tiếp tục lên đường. Tuy nhiên, lúc này cả 4 thành viên đã gần như kiệt sức, lại bị sốt rét rừng quật cho tơi tả.
Ngày 22-3-1966, đoàn đến thôn Đồng Hội, xã Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) thì cả 4 giáo viên đoàn Đắk Lắk phải xin giao liên cho nghỉ lại vì đều bị sốt rét ác tính hành cho nhừ tử.
Riêng anh Thành mê man trong cơn sốt. Có bao nhiêu tấm đắp, tấm màn và cả nilông đi mưa đều phủ lên người nhưng anh ấy vẫn kêu lạnh. Anh rên dữ quá, cái võng cứ lúc lắc hoài".
Theo thầy Trúc, những ngày tiếp theo, thầy Thành trở nặng hơn nhưng không có cách gì để hạ sốt, lại không ăn được miếng nào.
Trong nhật ký của mình, thầy Trúc đã kể những dòng xúc động vào thời khắc sự hi sinh của thầy Cao Thành: "Đến đầu giờ chiều ngày 25-3-1966, khi đang định ngả lưng xuống nghỉ một chút thì y tá gọi dậy ra hiệu cho mình đến. Mình chỉ kịp thấy anh Thành thở thoi thóp vài giây rồi tắt thở. Chiếc đồng hồ Viđaluyc trên cổ tay anh cho biết anh mất lúc 1 giờ kém 20 phút".
Thầy Đào kể tiếp lúc đó chỉ biết thầy Cao Thành tốt nghiệp Trường sư phạm Hà Nội, đã có vợ và đang mang thai.
Nhật ký thầy Đào tái hiện: "Lúc anh tắt thở, tất cả lặng im. Tụi mình nghĩ đầy xót thương vì chí lớn của anh chưa thành, nghĩ đến vợ anh và đứa con mà anh chưa biết mặt, tất cả đều nước mắt giàn giụa".
Thầy Đào kể, sau hơn 30 năm tìm kiếm, năm 2000 đã liên hệ được chị ruột anh Cao Thành, bà Cao Thị Hoàng (bác sĩ nghỉ hưu, hiện sống ở Hải Phòng) để gửi lại những kỷ vật của anh cho gia đình.
"Qua bác sĩ Hoàng, chúng tôi biết được vợ và con trai duy nhất của anh Thành đều là liệt sĩ", thầy Đào cho biết.
Theo thầy Đào, thầy Cao Thành quê Quảng Ngãi, đi tập kết khi người vợ đang mang thai con trai. Năm 1965, thầy Thành xung phong đi B vào Đắk Lắk và hi sinh trên đường mà chưa bao giờ được nhìn thấy mặt con trai.
"Năm 2000, chúng tôi ra Hải Phòng thăm và trao hòn đá cuội lấy từ vị trí chôn cất liệt sĩ Thành cho người chị Cao Thị Hoàng, và được biết vợ với con trai anh Thành ở quê cũng tham gia du kích, hi sinh trong một trận chống càn. Ngoài ra, gia đình thầy Thành còn có 3 người nữa cũng hi sinh", thầy Đào xúc động kể lại.
Ông Bùi Văn Đồng thắp hương cho liệt sĩ Trần Văn Chắc tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Krông Pắk - Ảnh: TRUNG TÂN |
Mộ liệt sĩ dưới gốc cây
Trong số những đồng đội đã hi sinh, thầy Hà Ngọc Đào cũng nhớ mãi sự hi sinh oanh liệt của liệt sĩ Trần Ngọc Chắc (hoặc Trần Văn Chắc, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk).
Vào thời gian 1971-1972, ông được Ban Tuyên huấn Đắk Lắk cử về H2 (Krông Pa, Gia Lai ngày nay) phụ trách Trường Bổ túc văn hóa mới được mở lại trong vùng căn cứ núi Cư Jú.
Cũng như các ngôi trường tại miền Nam, cái ăn cho giáo viên, học sinh là điều quan trọng đầu tiên. Nhưng để gieo trồng và thu hoạch trong điều kiện luôn bị bắn phá, rải chất độc rất gian nan, có khi phải bỏ mạng.
Thầy Đào kể thêm, ngoài lương thực, thực phẩm tại chỗ (gieo trồng, săn bắn...) thì nhiều nhu yếu phẩm (gạo, muối) phải đi về "phía trước" (khu dân cư, nơi đang bị tạm chiếm - PV) để mua, khuân vác về.
Những đợt hành quân về "phía trước" có khi phải mất cả tháng trời vì cũng phải băng rừng, lội suối để tránh bị phát hiện.
"Đầu năm 1972, tôi cử 12 cán bộ, giáo viên nhà trường đi về Phú Yên mua sắm một số nhu yếu phẩm cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng như sắm thêm tập vở, bút mực cho học viên. Chuyến đi này do anh Chắc làm trưởng đoàn, không may bị trúng pháo, anh ấy hi sinh", thầy Đào đau buồn nhớ lại.
Dẫn chúng tôi ra nghĩa trang liệt sĩ Krông Pắk để thắp hương cho đồng đội, người anh thân thiết, ông Bùi Văn Đồng vẫn đau nhói khi kể lại khoảnh khắc chứng kiến sự hi sinh của liệt sĩ Trần Ngọc Chắc hơn 40 năm trước.
Nhật ký ông Đồng kể: "Chúng tôi phải len các lối đi qua các dãy núi vắng để tránh bị phát hiện dù rất vất vả. Ngày 13-1-1972, khi đoàn đã đến Kỳ Lộ, ranh giới Đắk Lắk - Phú Yên thì bỗng ở đâu đạn pháo dội lên ầm ầm suốt mấy giờ liền... và một trong số đó nổ trúng vào anh Chắc đang nấp...".
Ông Đồng kể họ để thi hài thầy Chắc tựa vào gốc cây, lấy tấm ngụy trang bọc lại rồi chất đá lên làm mộ. Sau năm 1975, ông Đồng nhiều lần tổ chức tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ Chắc để đưa về an táng.
"Rất nhiều chuyến đi, nhưng do địa hình sau chiến tranh có nhiều thay đổi nên tôi không thể nhớ vị trí chính xác đã an táng anh Chắc.
Năm 2002, tôi rủ thêm anh Đào cùng đi và chúng tôi tìm được vị trí chôn cất anh Chắc, nhưng không còn hài cốt, mà chỉ còn một vài di vật. Chúng tôi tổ chức lễ truy điệu và đưa anh ấy về nghĩa trang liệt sĩ để gần người thân", ông Đồng xúc động kể.
Hi sinh vì bảo vệ sách giáo khoa
Trong số các thầy cô giáo đã ngã xuống, thầy Đào vẫn đau đáu nhớ sự hi sinh của cô giáo Nguyễn Thị Nhâm (sinh năm 1955, tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk).
"Nhảy núi" vào với cách mạng, cô đã biết đọc, biết viết nên được bồi dưỡng thêm để làm giáo viên tại khu căn cứ H9 (Krông Bông, Đắk Lắk).
Thầy Đào nhớ lại khoảng giữa năm 1972, đối phương với nhiều vũ khí hạng nặng tấn công vào vùng rừng núi H9 và đánh tràn qua ngôi trường của cô Nhâm đang dạy, nhưng mọi người đã kịp lên núi để tránh.
"Đêm đó, cô Nhâm lẻn về lại trường để lấy tài liệu, sách giáo khoa đưa lên núi tiếp tục dạy học, không may bị phát hiện rồi hi sinh. Thời đó, sách giáo khoa đối với giáo viên quý như mạng sống, nên cô Nhâm đã liều mình và hi sinh", thầy Đào xúc động nhớ lại.
"Hầu hết học viên ở lớp học giữa núi rừng đều sợ học môn toán, nhất là các phép nhân, chia từ số 100, 200. Tôi kèm các anh Y Blang, Ama Ôi, Ama Tú... rất vất vả. Các anh bảo: không sợ bom đạn, chỉ sợ làm toán thôi".
|
"Hầu hết học viên ở lớp học giữa núi rừng đều sợ học môn toán, nhất là các phép nhân, chia từ số 100, 200. Tôi kèm các anh Y Blang, Ama Ôi, Ama Tú... rất vất vả. Các anh bảo: không sợ bom đạn, chỉ sợ làm toán thôi".
Kỳ tới: Không sợ bom đạn, chỉ sợ... học toán
TRUNG TÂN (TTO)