Bạn đọc

Những thương-bệnh binh ở huyện Krông Pa sản xuất giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thực hiện theo lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, nhiều thương-bệnh binh ở huyện Krông Pa (Gia Lai) đã không ngừng vươn lên trong cuộc sống và trở thành những gương sản xuất, kinh doanh giỏi và tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương.
Qua sự giới thiệu của ông Hoàng Quốc Việt-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Krông Pa, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Đình Thắng (buôn Chính Hòa-Chính Đơn 1, xã Ia Mlah) là thương binh hạng 4/4. Năm nay đã 70 tuổi nhưng ông Thắng vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn và hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ia Mlah. Ông Thắng kể: Quê ông ở tỉnh Thái Bình, nhập ngũ năm 1970. Năm 1971, ông tham gia chiến đấu tại nước bạn Lào. Năm 1972, ông về lại chiến trường Quảng Trị và bị thương ở đầu, vai và chân. Đến năm 1976, ông xuất ngũ. Với phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, năm 1985, theo lời kêu gọi của Nhà nước đi làm kinh tế mới, ông cùng vợ con chuyển vào vùng đất Krông Pa lập nghiệp.
 Ông Phạm Đình Thắng (xã Ia Mlah)cắt cỏ cho bò. Ảnh: G.H
Ông Phạm Đình Thắng (xã Ia Mlah)cắt cỏ cho bò. Ảnh: G.H
“Những ngày đầu lập nghiệp trên đất mới, gia đình tôi khó khăn thiếu thốn đủ đường. Do thời tiết nắng nhiều, mưa ít nên canh tác không hiệu quả, cuộc sống lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Sau khi bàn với vợ con, tôi quyết định vay ngân hàng để thêm vào số tiền tích cóp được rồi mua 2 con bò cái sinh sản về nuôi. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm 4 ha điều. Bò sinh sản đến đâu tôi đều giữ lại để nuôi tiếp, có thời điểm đàn bò của tôi lên đến 60-70 con. Hiện nay, với 4 ha điều và vài chục con bò, mỗi năm gia đình thu nhập 150-200 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định”-ông Thắng tâm sự. Mặt khác, ông còn giúp đỡ các hội viên bằng cách hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và cho mượn bò nuôi rẽ, hỗ trợ giống cây trồng để phát triển kinh tế.
Chia tay ông Thắng, chúng tôi đến thăm nhà ông Rơ Ô Blia (buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng). Ông Blia nhập ngũ năm 1970. Năm 1973, ông được cử đi học quân y. Đến năm 1979 thì xuất ngũ. Sau khi rời quân ngũ, ông Blia tiếp tục tham gia công tác tại địa phương và kinh qua nhiều chức vụ như: Bí thư Đoàn xã, Trạm trưởng Trạm Y tế xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Chủ tịch UBND xã Đất Bằng. Hiện ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đất Bằng. Dù ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông Blia chia sẻ: Sau khi xuất ngũ, tuy sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông luôn cố gắng chăm lo cho gia đình có cuộc sống ổn định. “Mình từng là người lính nên dù vất vả bao nhiêu cũng có thể vượt qua. Hiện nay, ngoài tiền trợ cấp thương binh hàng tháng hơn 3 triệu đồng, gia đình còn canh tác 5 sào lúa nước, 3 ha mì, nuôi 10 con bò, mỗi năm sau khi trừ chi phí cũng thu lãi được hơn 100 triệu đồng”-ông Blia tâm sự.  
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Krông Pa cho biết: Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh huyện sản xuất, kinh doanh giỏi. Họ luôn là những người đi đầu, có tinh thần trách nhiệm cao và gương mẫu trong các phong trào do Hội phát động, nhất là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh và giúp nhau phát triển kinh tế. “Hàng năm, Hội thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn cho hội viên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp hội viên vay vốn để phát triển sản xuất. Nhờ đó, trên địa bàn huyện có nhiều trang trại, gia trại của hội viên đạt mức lợi nhuận 50-100 triệu đồng/năm”-ông Việt cho hay. 
 GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm