Kinh tế

Nông nghiệp

Những triệu phú ở Đất Bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhờ chăm chỉ làm ăn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã vươn lên làm giàu, trở thành điển hình trong sản xuất kinh doanh.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Rơ Ô Greng (buôn Bleo) cho hay: Ngoài việc học hỏi từ những mô hình sản xuất hiệu quả, ông cũng thường xuyên theo dõi chương trình khuyến nông qua ti vi, đọc thêm sách báo rồi vừa làm vừa học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm. “Người ta có tư duy, cách làm hay thì mình học hỏi rồi tìm cách áp dụng. Mô hình nào thấy hiệu quả, phù hợp với thực tế thì mạnh dạn làm thử nghiệm. Theo mình, chỉ cần biết tính toán cộng thêm chút kiến thức và kiên trì thì chắc thành công”-ông Greng chia sẻ.
Ở Đất Bằng, ông Greng được xem là người tiên phong trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với 3 ha mì, 1 ha lúa nước và đàn bò 15 con, gia đình ông Greng thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp huyện. Tiếp nối thành công này, năm 2020, ông tiếp tục đầu tư hơn 300 triệu đồng mua máy gặt lúa liên hợp, máy cày, máy xay xát để phục vụ sản xuất nông nghiệp và làm dịch vụ cho các hộ dân trong xã.
Tương tự, gia đình ông Kpă Tim (làng Ia Prông) cũng trở nên khá giả nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, chăn nuôi bò. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập 150-200 triệu đồng. Ông cho hay: “Ngày trước, gia đình tôi cũng rất khó khăn. Từ một con bò sinh sản mà cha mẹ cho, vợ chồng tôi chịu khó nuôi, sau đó bán bò rồi tích góp mua rẫy. Tôi nghĩ, nếu mọi người chăm chỉ làm ăn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì kinh tế gia đình sẽ ngày một khá hơn”. Ngoài 3 ha mì và lúa nước, ông Tim còn mua được máy cày, xe tải để vận chuyển nông sản cho người dân trong xã. Khi kinh tế ổn định, ông còn tạo điều kiện giúp những hộ khó khăn trong buôn để nuôi bò, trồng mì, trồng lúa...
Ông Kpă Tim (làng Ia Prông, xã Đất Bằng) có thu nhập mỗi năm 150-200 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ông Kpă Tim (làng Ia Prông, xã Đất Bằng) có thu nhập mỗi năm 150-200 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Đất Bằng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pa. Toàn xã hiện có 1.066 hộ với 4.939 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sản xuất kinh doanh giỏi ngày một tăng. Đến thời điểm này, toàn xã có 30 hộ sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập trung bình 200-500 triệu đồng/năm. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Kpă Phan: Hàng năm có 380 hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Người dân đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, biết tích lũy để phát triển kinh tế gia đình. Không những vậy, họ còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Hội nông dân xã cũng thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể của huyện vận động người dân đưa vào sử dụng giống cây trồng mới có năng suất, hiệu quả cao; tổ chức tập huấn về chuyển đổi, chăm sóc cây mì và mô hình trồng lúa nước; hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất.
“Những điển hình như ông Greng, Tim hay nhiều hộ dân tộc thiểu số khác đã thể hiện ý chí, quyết tâm vươn lên xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc; trở thành những gương sáng tiêu biểu trong việc chung tay xây dựng quê hương Đất Bằng anh hùng ngày một khởi sắc”-ông Kpă Phan khẳng định.
NGUYỄN NGỌC

Có thể bạn quan tâm