Kinh tế

Nông nghiệp

Những tỷ phú nông dân Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ cần cù lao động, biết thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ tay trắng đã vươn lên trở thành tỷ phú. 
Thu tiền tỷ từ trồng rau củ quả
Ông Trần Trung Dũng (làng Sơr, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, Gia Lai) là một trong những nông dân tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thu được hiệu quả kinh tế cao. Ông Dũng kể, năm 1998, gia đình ông từ Tây Ninh lên Đak Lak mua đất trồng cà phê. Khi cà phê đến mùa thu hoạch thì giá giảm mạnh, cuộc sống của gia đình ông vẫn không hết khó khăn. Năm 2005, gia đình ông rời Đak Lak sang Chư Sê thuê đất trồng ớt, cà tím, khổ qua… Với kinh nghiệm sẵn có cộng với sự nhanh nhạy trong tư duy, gia đình ông đã sớm thu được thành công ngoài mong đợi.
 Vườn ớt của ông Trần Trung Dũng (làng Sơr, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) luôn đạt năng suất cao. Ảnh: Q.T
Vườn ớt của ông Trần Trung Dũng (làng Sơr, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) luôn đạt năng suất cao. Ảnh: Q.T
Cùng với việc cơ giới hóa các khâu làm đất, vun đất, bón phân… ông Dũng còn là người đầu tiên trên địa bàn huyện Chư Sê sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho vườn ớt. Ngoài ra, ông đặc biệt chú trọng khâu chọn giống, sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Nhờ vậy, vườn ớt của gia đình ông sinh trưởng và phát triển rất tốt, sai quả, tuổi thọ cao gần gấp đôi so với ớt trồng theo phương pháp thông thường. Thành công với cây ớt, ông Dũng tiếp tục áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho các cây trồng khác như khoai lang, cà tím, khổ qua... Các loại cây trồng này cũng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Từ một hộ đi thuê đất để sản xuất, giờ đây, ông Dũng sở hữu 8 ha đất sản xuất. 
Ngoài trồng rau củ quả, ông Dũng còn trồng hơn 1.000 trụ hồ tiêu, 700 cây bơ booth, 600 cây mít Thái… Ông cũng đầu tư mua 2 máy cày để phục vụ sản xuất. Ông Dũng cho biết: “Tất cả các loại cây trồng đều được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến làm cỏ, bón phân và sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt. Các loại rau củ quả cũng được trồng trái vụ nên giá bán cao hơn so với vụ chính khoảng 5-10 ngàn đồng/kg. Điển hình năm ngoái, gia đình tôi bán ớt với giá bán bình quân 30-40 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến 60 ngàn đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá ớt chính vụ; khoai lang bán trung bình trên 12 ngàn đồng/kg. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình ước đạt trên 1 tỷ đồng”.
Ông Dũng cho biết thêm, các mặt hàng nông sản của gia đình ông sản xuất ra luôn được đảm bảo đầu ra bởi khi quyết định trồng loại cây gì, ông đều nghiên cứu kỹ thị trường và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các công ty. Cùng với đó, ông luôn tìm tòi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các mặt hàng nông sản của gia đình luôn đảm bảo năng suất cũng như chất lượng, được thị trường ưa chuộng.
“Tuổi cao chí càng cao”
Ông Rơ Ô Greng cắt cỏ chăm sóc đàn bò. Ảnh: Q.T
Ông Rơ Ô Greng cắt cỏ chăm sóc đàn bò. Ảnh: Q.T
Ở buôn Ma Leo (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai), ông Rơ Ô Greng được mọi người coi là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình. Trong những năm kháng chiến, ông Greng tham gia hoạt động cách mạng tại địa bàn huyện. Chiến tranh kết thúc, cuộc sống của gia đình ông cũng như người dân nơi đây rất khó khăn nhưng nhờ chăm chỉ lao động và chịu khó học hỏi, gia đình ông không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu.
Để không rơi vào tình trạng sản xuất “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Greng đã chủ động đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể, trong vườn điều rộng 3 ha, hàng năm, ông luân phiên trồng xen thêm mì, mè, bắp… Ông còn trồng 4 sào lúa nước để đảm bảo lương thực và trồng 2 sào cỏ cao sản để cung cấp thức ăn cho đàn bò hơn 20 con. Bên cạnh đó, gia đình ông đã sắm các loại máy móc như: máy cày, máy tuốt lúa, máy xới, máy cắt lúa để phục vụ sản xuất của gia đình cũng như của bà con trong xã. Ngoài ra, tận dụng nguồn thức ăn dư thừa cũng như lúc nông nhàn, gia đình ông còn nuôi thêm heo, dê, gà, chim bồ câu để tăng thêm thu nhập.
Ông Greng cho biết: “Việc đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi như trên sẽ tránh được rủi ro về mùa màng, nếu không may mất mùa cây này thì còn có các cây hay vật nuôi khác bù lại, chứ tập trung vào một loại nếu xảy ra mất mùa thì không có gì bù lại cả. Ngoài ra, tôi không ngừng trau dồi, học hỏi kinh nghiệm làm giàu cũng như quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi của các hộ dân trong và ngoài địa phương để áp dụng vào thực tiễn gia đình mình. Nhờ đó mà kinh tế gia đình tôi ngày càng phát triển và ổn định với tổng thu nhập bình quân hàng năm luôn đạt trên 600 triệu đồng”.
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm