Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại vùng nông thôn, thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều điểm bán hàng Việt, điểm bán hàng OCOP.

Cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng

Ngày 22-12, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp với Cơ sở kinh doanh KL Organic (tổ 3, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) khai trương điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Bà Đinh Thị Ngọc Lan-Chủ cơ sở-chia sẻ: “Điểm bán hàng có hơn 50 loại sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản địa phương như: cà phê, mật ong, bò khô, chanh dây, hạt điều, hạt mắc ca, ngũ cốc, sản phẩm từ dược liệu, thảo mộc…

Việc kết nối với các chủ thể sản xuất để đưa hàng vào điểm bán nhằm giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng, giúp cơ sở sản xuất có cơ hội tiếp cận trực tiếp khách hàng, từ đó tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng để từng bước cải tiến sản phẩm”.

Đi vào hoạt động được 1 năm, điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam” tại số 313 Hùng Vương (thị trấn Chư Prông) đã thu hút nhiều chủ thể sản xuất đưa sản phẩm trưng bày và bán hàng tại đây.

Ông Nguyễn Văn Lập-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Minh Phát Farms (313 Hùng Vương, thị trấn Chư Prông) cho biết: “Lúc đầu, điểm bán chỉ thu hút được khoảng 60 sản phẩm. Đến nay, đã phát triển lên khoảng 100 sản phẩm, trong đó, 90% là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”.

Theo ông Lập, sau một thời gian kết nối đưa hàng vào điểm bán, cơ sở cũng đã có một lượng khách hàng ổn định. Người tiêu dùng đánh giá các sản phẩm địa phương có chất lượng tốt, mẫu mã bao bì đẹp, giá cả hợp lý.

Điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại huyện Mang Yang thu hút nhiều khách hàng tham quan, mua sắm. Ảnh: V.T

Nhằm góp phần thúc đẩy kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt, Sở Công thương đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường thông qua việc hỗ trợ xây dựng 8 điểm bán hàng Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng và lựa chọn sản phẩm trong nước.

Bà Trần Thị Huyền (tổ 3, thị trấn Kon Dơng) cho hay: “Điểm bán hàng mới mở tại thị trấn khá đa dạng sản phẩm với nấm linh chi, bò khô miếng, mật ong rừng, sản phẩm từ chanh dây, các loại hạt dinh dưỡng… Điều này giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý”.

Tạo lợi thế để hàng Việt mở rộng thị trường

Đến nay, toàn tỉnh có 346 sản phẩm được công nhận OCOP của 166 chủ thể. Hiện có 5 sản phẩm đang đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Ông Rcom Jen-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Sở hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh quảng bá sản phẩm ra thị trường với chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao sức mua, góp phần bình ổn thị trường.

Thông qua đó, thúc đẩy việc hình thành chuỗi cung ứng hàng Việt, dần tiến đến kết nối mạng lưới sản phẩm trên cả nước. Việc có mặt tại các điểm bán hàng Việt giúp các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi hơn, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, từ đó tạo ra lòng tin cho người tiêu dùng”.

Việc mở các điểm bán hàng Việt ở nông thôn sẽ là Cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh: V.T

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương: Để hàng Việt có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, các nhà sản xuất phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, các nhà phân phối cần tăng cường quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; thực hiện tốt chính sách khuyến mãi, nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Việc phát triển hàng Việt đã trở thành một trong những chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế.

Tại Gia Lai, việc thiết lập các điểm bán hàng Việt không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận thị trường mà còn tạo cơ hội cho các chủ thể OCOP quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Đặc biệt, thông qua các điểm bán hàng, các chủ thể OCOP có cơ hội kết nối với nhau, tạo ra mạng lưới hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Đây là một bước đi quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Có thể bạn quan tâm