Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Chế biến hạt mắc ca: Chất lượng cần đi đôi với mẫu mã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi được biết ít nhiều về giá trị của cây mắc ca và sản phẩm chế biến từ hạt mắc ca khi dự một hội nghị tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cách đây gần chục năm do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì.

Tại đây, Chủ tịch nước chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên quy hoạch, đưa vào kế hoạch trồng đại trà loại cây này. Và, từ chủ trương đó, cây mắc ca phát triển khá nhanh trên vùng đất Tây Nguyên.

che-bien-hat-mac-ca-chat-luong-can-di-doi-voi-mau-ma-bg.jpg
Một chủ cửa hàng tại TP. Pleiku tìm sản phẩm hạt mắc ca được chế biến từ huyện Kbang cho khách hàng mà không có. Ảnh: B.H

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.000 ha mắc ca, phân bố tại 14/17 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, riêng huyện Kbang, nơi được tỉnh chỉ đạo cho trồng thử nghiệm 500 ha vào năm 2016 thì diện tích đã lên đến 3.200 ha.

Mắc ca là loại cây có nguồn gốc từ nước Úc. Đây là loại cây có đặc tính dễ trồng và không đòi hỏi kỹ thuật cao. Do đó, mắc ca được phát triển ở nhiều vùng miền trên cả nước. Trong đó, 2 vùng trồng chính là Tây Nguyên và Tây Bắc. Hạt mắc ca nói chung theo các nhà khoa học đánh giá là một trong những loại hạt được mệnh danh là tốt nhất thế giới, bởi hương vị thơm ngon, hấp dẫn cùng hơn 20 dưỡng chất vô cùng quý cho sức khỏe, dinh dưỡng của con người. Trong những năm qua, loại cây “triệu đô” này đã được nhân giống thành công ở Việt Nam.

Với lợi thế về địa hình và khí hậu tương tự với các khu vực của nước Úc, cây mắc ca được trồng tại Kbang cho năng suất khá cao. Được hấp thu dưỡng chất từ vùng đất đỏ bazan màu mỡ, cây mắc ca ở vùng này cho quả nhiều và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn hẳn các nơi khác. Theo nhận định của đông đảo khách hàng đã sử dụng hạt mắc ca qua chế biến của các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Kbang thì các sản phẩm mắc ca tại đây có chất lượng tuyệt hảo, thành phần dinh dưỡng sánh ngang với các loại hạt mắc ca ở những nơi khác.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kbang có 1 doanh nghiệp và 10 hộ gia đình đầu tư các thiết bị chế biến hạt mắc ca. Trong đó chủ yếu là thiết bị chế biến theo cách làm bán thủ công là sấy khô và “nứt vỏ”. Hạt mắc ca được chế biến qua các công đoạn như sau: Trước tiên là loại bỏ lớp vỏ xanh, tiếp đến hạt được sấy chín và sấy khô ở nhiệt độ thích hợp.

Theo các nhà chế biến cho biết, đây là công đoạn cần sự chính xác để hạt được giòn, bùi, béo mà vẫn giữ được độ trắng của nhân hạt mắc ca. Nếu sấy quá lâu thì chất lượng hạt sẽ bị ảnh hưởng và nhân sẽ đắng, khét. Cuối cùng, hạt sẽ được làm vỡ thủ công để bóc tách nhân một cách dễ dàng trước khi dùng. Thành phẩm sau đó sẽ được đóng gói và chuyển tới tay người tiêu dùng.

Ngoài chất lượng, người tiêu dùng cũng rất chú ý đến hình thức của sản phẩm (bao bì, mẫu mã) và nguồn gốc xuất xứ. Nhìn các bao bì đóng gói hạt mắc ca được chế biến từ Kbang, có vẻ chưa “bắt mắt” lắm đối với người tiêu dùng.

2hat-macca-duoc-che-bien-tai-kbang.jpg
Hạt macca được chế biến tại Kbang. Ảnh: B.H

Việc nữa là công tác quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm mắc ca của huyện Kbang nói riêng và Gia Lai nói chung chưa thực sự được đẩy mạnh. Bản thân là một trong những khách hàng quen thuộc của nhiều cửa hàng tạp hóa trên địa bàn TP. Pleiku, tôi rất thất vọng vì mỗi khi hỏi mua sản phẩm mắc ca, chủ cửa hàng đưa ra các sản phẩm toàn là của “nhập ngoại” từ Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk...

Tại TP. Pleiku, tôi biết cũng có vài cơ sở chế biến hạt mắc ca, nhưng vẫn ít thấy xuất hiện sản phẩm của địa phương trong các cửa hàng tạp hóa. Vì vậy, mỗi khi ai đó muốn mua hạt mắc ca làm quà tặng bạn ở xa bằng chính sản phẩm của địa phương mình, tìm mua tại địa bàn TP. Pleiku là chuyện không dễ. Vì sao? Vài ý kiến nhỏ theo chủ quan của người viết, hy vọng được các nhà chức trách quan tâm!

Có thể bạn quan tâm