Thời sự - Sự kiện

Nỗ lực thực hiện Di chúc của Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đã 55 năm kể từ ngày Bác đi xa, song những lời căn dặn của Người trong bản Di chúc vẫn luôn là di sản bất hủ, là chỉ dẫn quý báu và là động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh Gia Lai xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc.

Phát huy tinh thần đại đoàn kết

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc củng cố, giữ gìn sự đoàn kết. Người khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta”. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” và “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Cụ thể hóa lời căn dặn của Bác, các thế hệ cán bộ, hội viên cựu chiến binh trong tỉnh luôn đoàn kết, gương mẫu, tích cực rèn luyện theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người. Ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh-chia sẻ: Cán bộ, hội viên toàn tỉnh luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu trong lời nói, hành động; đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Cán bộ, hội viên đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, vượt khó vươn lên; tham gia đóng góp hàng ngàn ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 58/220 xã, phường, thị trấn không còn hội viên nghèo. Các cấp Hội trong toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành việc xóa nhà dột nát cho hội viên khó khăn về nhà ở.

Đoàn xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ) nhận giúp đỡ thường xuyên 2 trẻ em khuyết tật trên địa bàn. Ảnh: P.D

Đoàn xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ) nhận giúp đỡ thường xuyên 2 trẻ em khuyết tật trên địa bàn. Ảnh: P.D

Thực hiện tư tưởng đại đoàn kết và tình thương yêu lẫn nhau của Bác, Đoàn xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ) cũng đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, phong trào thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Từ năm 2019 đến nay, Câu lạc bộ Tương lai xanh mà thành viên nòng cốt là Bí thư Đoàn xã và bí thư các chi đoàn thôn, làng trong xã duy trì đều đặn nồi cháo tình thương mỗi tháng/lần giúp người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn kinh phí do các thành viên Câu lạc bộ đóng góp và huy động thêm các nguồn lực.

Anh Nguyễn Thành Trung-Bí thư Đoàn xã-thông tin: “Năm 2023, Đoàn xã triển khai mô hình trao sinh kế cho gia đình đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, mục tiêu là vừa tạo sinh kế, vừa thực hiện công tác hậu phương quân đội. Thời gian tới, Đoàn xã tiếp tục rà soát, nhân rộng mô hình này và duy trì việc hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng với 2 trẻ em khuyết tật trên địa bàn”.

Thực hiện tư tưởng đại đoàn kết trong Di chúc của Người, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân nhằm củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với phương châm “Lấy sức dân chăm lo cho đời sống nhân dân”, Mặt trận đã huy động các nguồn lực tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, thực hiện công tác hậu phương quân đội...

Từ năm 2019 đến nay, Mặt trận đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động người dân hiến hàng ngàn mét vuông đất và đóng góp trên 120,8 tỷ đồng để chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để xây dựng, sửa chữa hàng trăm nhà “Đại đoàn kết”.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn được thể hiện rõ nét qua việc có hàng trăm tập thể, cá nhân đã ủng hộ “Quỹ phòng-chống dịch Covid-19” của tỉnh với tổng số tiền trên 33 tỷ đồng và nhiều hàng hóa thiết yếu khác.

Đại diện Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku hỗ trợ xây dựng nhà cho hội viên khó khăn. Ảnh: P.D

Đại diện Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku hỗ trợ xây dựng nhà cho hội viên khó khăn. Ảnh: P.D

Cùng với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận các cấp còn đẩy mạnh thực hành dân chủ. Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho hay: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội đã tích cực phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, hội viên và người dân.

Thông qua đó đã góp phần tạo môi trường dân chủ, cởi mở, kết hợp đối thoại với nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia; cấp ủy, chính quyền, cá nhân người có trách nhiệm, thẩm quyền đã trực tiếp trả lời, tiếp thu và giải quyết những vấn đề liên quan đến từng tổ chức, đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân.

Đây cũng là một trong những cách làm sáng tạo góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ, đảng viên trong việc giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.

Đổi mới, sáng tạo trong học tập và làm theo Bác

Theo Di chúc của Người, cách tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng là “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”.

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình, xác định đây là một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên. Nhiều cấp ủy đã ban hành hướng dẫn nội dung sinh hoạt đối với từng loại hình chi bộ, ban hành tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, đưa việc tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt hàng tháng; tăng cường sinh hoạt chuyên đề, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở triển khai nghiêm túc đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa”. Việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên, công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên gắn với xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy được quan tâm triển khai thực hiện.

Ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện-thông tin: Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 428 đảng viên (đạt 94,06% chỉ tiêu Nghị quyết); tỷ lệ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn trên địa bàn đạt 76,54%; trưởng thôn là đảng viên đạt 98,76%. Cấp ủy các cấp chú trọng sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa”.

Các cấp Hội CCB trong tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 xóa hết nhà dột nát cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Ảnh: P.D

Các cấp Hội CCB trong tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 xóa hết nhà dột nát cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Ảnh: P.D

Liên quan đến chăm lo đời sống người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Bám sát thực tiễn cơ sở, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn nỗ lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống mọi mặt cho người dân. Bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 8,11%; trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo dân tộc thiểu số đạt và vượt chỉ tiêu 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Thực tiễn đã chứng minh, bản Di chúc chính là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Và thực hiện theo Di chúc cũng là học và làm theo Bác. Theo thời gian, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong mọi hoạt động của các cấp ủy, địa phương, đơn vị và tạo sự lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Trong 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, toàn tỉnh đã có hơn 900 tập thể, cá nhân điển hình được các ngành, địa phương biểu dương, khen thưởng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2024, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Học tập Bác, làm theo Bác, nêu gương Bác là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị; cũng chính là chủ trương lớn của Đảng tiếp tục được khẳng định tại Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị. Việc học tập và làm theo Bác cần phải luôn được đổi mới để trở thành một nhu cầu tự thân của mỗi người và toàn xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, đơn vị, địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay; kiên quyết, chủ động vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận giá trị chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Có thể bạn quan tâm