Bởi, buồn có gì… vui đâu! Chẳng phải người ta luôn chúc nhau vui vẻ và cầu mong hạnh phúc đó thôi?
Người ta có thể buồn vì rất nhiều lý do, thậm chí buồn vô cớ, kiểu như “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu). Một buổi hoàng hôn, một chiều mưa giăng, một bông hoa rụng, một đêm trăng tàn, một bờ cỏ lau phơ phất… đều có thể gợi nỗi buồn. Cái gốc của nỗi buồn vu vơ ấy là tâm hồn đa cảm dễ rung động trước những biến đổi tế vi của thiên nhiên, cuộc đời. Giống như việc nàng Kiều khóc trước mộ Đạm Tiên vậy, dẫu ít hoặc không có liên quan trực tiếp đến cảnh ngộ riêng tư, nỗi sầu bi đậm chất người ấy vẫn dấy lên khiến lòng nức nở.
Tuy nhiên, phần lớn nỗi buồn đều có nguyên cớ, xuất phát từ sự bất như ý trước một tình huống, cảnh ngộ, đôi khi là từ kết quả không như mong đợi hoặc gặp phải biến cố dẫn đến sự thăng trầm, mất mát. Buồn vì bị dối lừa, buồn vì bị phụ tình, buồn vì không đạt được điều mình mong muốn. Buồn đôi khi không đến một mình mà đi cùng với “khổ”, khiến cảm xúc không trôi qua nhanh chóng mà thành nỗi dằn vặt. Buồn cũng có lúc đi cùng với “đau”, là khi người ta gặp mất mát lớn lao không thể bù đắp được. Nỗi buồn khi đó không còn là trạng thái mà thành hố thẳm, vực sâu, rơi vào là không thoát ra được, thành vết thương sưng tấy, nhức buốt...
Nhưng, nghĩ mà xem, trên đời này còn gì đáng sợ hơn một thế giới không có nỗi buồn? Bởi cuộc sống có bao giờ phẳng lặng? Sự sống vẫn luôn song hành cùng cái chết, hạnh phúc vẫn sóng đôi cùng khổ đau, nhân loại vẫn khóc-cười, như ngày và đêm, như ánh sáng và bóng tối. Con người chỉ không buồn khi tâm hồn đã giá băng hoặc cằn khô như hoang mạc. Sẽ đáng sợ biết bao khi trước cảnh ngộ bi thương hay thậm chí là cái chết của người thân, đồng loại mà tâm hồn ta lại dửng dưng, vô cảm.
Vậy nên, buồn không hẳn là cảm xúc tiêu cực, mà ngược lại, sự hiện diện của nó lại giúp ta nhận ra phẩm tính rõ nhất. Bởi, còn biết buồn, biết cảm nhận và chia sẻ nỗi buồn với người khác là còn lương tri, đạo đức. Kẻ vô cảm trước nỗi đau cõi người là chỉ dấu kẻ cạn kiệt tình người, tính người.
Tôi cũng từng rất sợ phải buồn, dù trong sâu thẳm tâm hồn, tôi luôn khắc khoải với những gì bi thương, bi mỹ. Tôi thích hoàng hôn hơn bình minh, thích nhạc sầu hơn những bản nhạc sôi động. Đọc sách, xem phim cũng vậy, những gì “happy ending” chỉ làm tôi hân hoan trong giây lát, còn những kết thúc buồn luôn in dấu trong lòng và ám ảnh dài lâu. Càng trưởng thành, tôi càng hiểu nỗi buồn cũng như niềm vui là những tồn tại tất yếu của cuộc sống. Nỗi buồn cũng không đáng sợ như ta hằng nghĩ. Nó giúp ta biết trân quý niềm vui, giúp thanh lọc tâm hồn để ta biết yêu thương và chia sẻ.
Lâu lắm rồi, tôi đã không còn xua nỗi buồn ra khỏi tâm trí mà đón nhận nó như đón nhận quy luật mưa nắng của đất trời, “hết mưa là nắng hửng lên thôi”. Tôi ôm ấp nỗi buồn bằng trái tim dịu dàng đa cảm, bởi tôi biết, mọi sự khước từ, chối bỏ không làm cho nỗi buồn tan biến. Tôi cũng biết, những lời khuyên “đừng buồn nữa, vui lên đi rồi mọi chuyện sẽ qua” chỉ là lời động viên an ủi. Tôi cũng không đè nén, chôn chặt nỗi buồn vào lòng mà thả trôi như dòng nước, có lúc là dòng suối nhỏ len lỏi giữa bờ bãi tâm hồn, có lúc là dòng sông mênh mông tít tắp không biết đâu bến bờ, có lúc lại là trận lũ quét, ào ạt đổ và xoáy đến hoang tàn tâm can. Và rồi, nước cũng tìm đường trôi đi, trả lại cho tôi cõi lòng an yên bình lặng đã được chính nỗi buồn xoa dịu, chữa lành.