Xã hội

Gia đình

Nỗi đau bạo lực gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Có một nơi để về, đó là nhà; có một ai đó để yêu thương, đó là gia đình”. Gia đình được ví như là tổ ấm, nhưng với một số người thì gia đình như là một địa ngục, nơi mà họ bị đối xử bằng bạo lực và phải chịu những nỗi đau về thể xác, tinh thần.
Nỗi đau không của riêng ai
Nhìn bên ngoài, không ai biết H., phóng viên một báo điện tử lớn lại có một quá khứ đầy đau buồn. Chị cũng từng có một tình yêu, đơm hoa kết trái, từng có hạnh phúc khi làm vợ, làm mẹ. Thế nhưng, kể từ khi công việc của chồng chị không may thất bại, mọi chuyện dần thay đổi.
Đầu tiên chỉ là chồng chị nhậu nhẹt thường xuyên do chán nản, chị góp ý thì anh mắng mỏ, gạt phăng đi. Rồi trong những cơn say, anh chuyển sang dùng đến tay chân để “dạy” vợ con.
Anh quy kết vợ là nguyên nhân khiến anh thất bại, là “sao quả tạ” của đời anh. Do chồng không làm việc, gánh nặng kinh tế dồn lên chị, công việc của một nhà báo khiến chị phải đi nhiều, chồng chị mặc cảm khi để vợ phải nuôi, nhưng thay vì chung tay vun vén gia đình, anh càng trở nên thô bạo. Những khi vắng chị, anh chuyển sự tức giận vào cô con gái mới chỉ hơn 5 tuổi.
Vì thế, mặc dù có chồng ở nhà, nhưng hễ đi công tác, chị toàn phải mang con đi gửi nhà người thân. Nhiều người khuyên chị ly hôn nhưng chị lại vẫn chần chờ bởi chị yêu anh, không nỡ bỏ anh trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống.
Bạo lực gia đình luôn gây ra tổn thương nặng nề từ thể xác đến tinh thần
Bạo lực gia đình luôn gây ra tổn thương nặng nề từ thể xác đến tinh thần
N., nhân viên truyền thông của một công ty văn hóa chịu một sự bạo hành kiểu khác. Chồng N. có tính hay ghen, hồi yêu nhau thì điều này có vẻ là biểu hiện của tình yêu. Thế nhưng, khi đã là vợ chồng, có đến 2 đứa con thì sự ghen tuông của chồng N. lại càng trở nên thái quá. Công việc truyền thông buộc chị thường xuyên liên lạc với nhiều người.
Chồng N. theo dõi, đôi lúc tức giận vì chị cười đùa với người khác. Có hôm chị đang ở nhà, có đối tác gọi điện hỏi thông tin, chị vui vẻ trao đổi xong, chưa kịp tắt máy thì anh xông tới, giật phắt điện thoại, chửi luôn người bên kia, rồi la mắng chị bằng những từ ngữ rất nặng nề.
Rồi anh bỏ công, bỏ sức theo dõi vợ, đi đâu, làm gì… đến khi không thấy có gì đáng nghi thì anh lại cho rằng do chị giỏi giấu, giỏi che đậy. Không chịu đựng nổi áp lực của chồng, chị mang con bỏ về nhà bố mẹ, anh lập tức lồng lên, đi khắp nơi rêu rao là chị bỏ nhà theo trai.
Có lần tình cờ, người anh họ ghé nhà thăm bố mẹ chị, anh chồng thấy liền chụp ảnh chiếc xe máy dựng trước cửa nhà rồi đăng hình lên facebook khẳng định đó chính là tình nhân của vợ.
Quá mệt mỏi, chị đưa đơn ly hôn, anh ra đến tòa vẫn khăng khăng cho rằng vợ mình là người đàn bà lăng loàn, dù khi tòa hỏi có bằng chứng gì hay không, anh đều lắc đầu.
Bạo lực gia đình (BLGĐ) có thể xảy ra với bất cứ ai, cả nam giới, phụ nữ, trẻ em… Tuy nhiên, theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VH-TT-DL, thì trong số các vụ BLGĐ bị phát hiện, nạn nhân là nữ chiếm đến hơn 74%, trẻ em là hơn 11%. Đặc biệt, có đến khoảng 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết, cuộc đời họ đã từng phải trải qua ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực: thể xác, tình dục, tinh thần.
Để gia đình là mái ấm hạnh phúc
Lý giải nguyên nhân phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực trong gia đình, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là tư tưởng bất bình đẳng giới, nghĩa là đàn ông được quyền “dạy vợ”.
Thậm chí, ngay chính các bà vợ nhiều khi cũng vẫn chấp nhận việc bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, lâu dần thành tâm lý bị khuất phục. Ngoài ra, tâm lý này còn ảnh hưởng đến nhận thức của người bị hại theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” chứ không muốn “vạch áo cho người xem lưng” bởi “xấu chàng thì hổ ai”. Thậm chí, có người còn cho việc chịu đựng là để giữ êm ấm nhà cửa, đợi các con khôn lớn…
Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc xử phạt các hành vi BLGĐ thường rất khó khăn. Bạo lực thể chất còn dễ thấy, nhưng bạo lực về tinh thần, tình dục lại khó để nêu ra. Có trường hợp hành vi bạo lực chỉ đơn thuần là sự im lặng tuyệt đối từ ngày này qua ngày khác khiến người vợ/chồng rơi vào khủng hoảng, trầm cảm nhưng lại không thể tìm ra sự hỗ trợ.
Phòng chống BLGĐ hiện nay đã không phải là chuyện trong gia đình mà là chính sách lớn của xã hội. Theo các chuyên gia của Vụ gia đình, một trong những nguyên nhân chính để BLGĐ tồn tại là sự im lặng, chấp nhận của chính các nạn nhân.
Như trường hợp chị H. ở trên, sự day dứt không nỡ bỏ chồng vì đang cảnh khó khăn vô tình lại kiến chính chị và con mình trở thành nạn nhân kéo dài của BLGĐ. Hay như chị N., cho rằng ghen là vì yêu nên ngại chia sẻ với người khác khiến nỗi đau tinh thần của chị ngày càng trở nên nặng nề.
Chính vì thế, trong tư vấn phòng chống BLGĐ, các chuyên gia tư vấn luôn nhấn mạnh sự chia sẻ thông tin. Mỗi nhà mỗi cảnh, nhất là với những hình thức bạo lực tinh thần, tình dục, sự sẻ chia sẽ giúp tìm ra cách xử lý phù hợp nhất. Một chuyên viên tư vấn của tổng đài tư vấn hôn nhân gia đình Sunnycare kể lại, có trường hợp người vợ bị bạo lực, nhờ tư vấn, qua câu chuyện mới phát hiện ra nguyên nhân thực ra từ chính người vợ.
Chị vốn hay càm ràm, nhiều hôm chồng mệt mỏi về đến nhà, chị cứ quen miệng mắng mỏ đủ thứ chuyện khiến ông chồng chịu hết nổi. Sau đó, theo lời khuyên, dù đang bực dọc thế nào chị cũng chờ cho anh nghỉ ngơi dịu xuống rồi mới trao đổi. Khi đó, cả hai đã bình tĩnh, mọi việc trở nên trơn tru, tốt đẹp hơn. 
Với nhiều người, lựa chọn chia tay là cách giải quyết BLGĐ hiệu quả nhất. Thế nhưng, đó chỉ là liều thuốc chữa phần ngọn bởi nếu không có sự hiểu biết về phòng tránh BLGĐ, rất có thể lại gặp một hành vi BLGĐ từ một người khác và rồi sẽ mất niềm tin vào cuộc sống, vào con người.
Hiện nay, đang có rất nhiều sự giúp đỡ những người bị bạo hành, từ luật pháp đến sự chung tay của xã hội, vấn đề chỉ còn ở chính những người bị bạo hành. Như lời khuyên được nhắc đến rất nhiều đối với những người bị bạo hành, nhẫn nhịn chịu đựng không phải là cách để gia đình có được hạnh phúc.
VŨ THANH PHƯƠNG (sggp)

Có thể bạn quan tâm