Phóng sự - Ký sự

Nỗi đau khôn cùng: Người vợ bi thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nỗi đau bị chồng tẩm xăng thiêu sống, thoát chết nhưng mất chồng, mất đi nhan sắc, thanh xuân và cả quyền nuôi con, đời Trang đang đứng trước vực thẳm.

Chị Trang giờ đã chấp nhận số phận và không oán trách chồng nữa LAM NGỌC
Chị Trang giờ đã chấp nhận số phận và không oán trách chồng nữa LAM NGỌC
Chị Hoàng Thị Trang (29 tuổi, ngụ xã Sơn Thịnh, H.Văn Chấn, Yên Bái), nạn nhân bị chồng tẩm xăng thiêu sống 4 năm trước thổ lộ: “18 tuổi, em chưa từng yêu, được mẹ cho xuống Hưng Yên học may, em gặp anh Pháp (35 tuổi, ở Hưng Yên) lúc ấy mới đi bộ đội về. Em nghĩ anh ấy là bến đỗ đời mình ai ngờ lại là người gây ra toàn bộ bi kịch”. Trang tâm sự: “Có lẽ khi cưới em, gia đình anh Pháp nghĩ nhà em có tiền nhưng khi lấy về rồi mới biết nhà em nghèo nên mẹ anh Pháp muốn anh ấy bỏ em để lấy vợ khác”.
Khi “ân đoạn, nghĩa tuyệt”
Trang thừa nhận, chồng cô dù thương vợ nhưng từ những mâu thuẫn buổi đầu cộng với sự tác động từ phía mẹ chồng nên anh khó xử và tìm tới rượu thường xuyên hơn. Ban đầu, khi uống rượu, Pháp chỉ mắng mỏ, nhưng sau đó là những trận đánh, chửi bới không thương tiếc. “Trước anh Pháp dùng tay chân, nhưng sau anh ấy lấy dao bầu quấn vào cây gỗ dài để ngay góc nhà... đâm cho tiện tay”, Trang nhớ lại.
Theo Trang, một trong những nguyên nhân khiến quan hệ vợ chồng cô ngày càng bế tắc đến từ phía mẹ chồng. Có lần cô bị chồng trói trong phòng và khóa trái cửa. Cô dùng hết sức gọi: “Mẹ ơi cứu con”, nhưng chỉ nhận được câu trả lời bình thản: “Tao không có chìa khóa”.
Trang kể, một lần nọ, mẹ chồng tìm cách đổ oan cho cô. Bà bôi thuốc trừ sâu quanh miệng rồi gọi điện cho chồng cô về và lăn ra nhà kêu là cô đổ thuốc sâu vào miệng bà. Biết tính mẹ, chồng Trang không tin nhưng vẫn buộc mẹ đi viện. Tại bệnh viện bà mới thừa nhận chỉ bôi chút thuốc sâu ngoài viền môi và uống một ngụm rượu.
Chán cảnh chồng rượu chè, mẹ chồng cũng chẳng ưa, Trang trốn vào nhà người thân ở Vũng Tàu để nguôi ngoai nhưng vẫn bị chồng tìm thấy. Từ những lời xin lỗi, hứa hẹn ngon ngọt, Trang nghĩ con mình có bố vẫn hơn nên đồng ý quay về. Nhưng chứng nào tật ấy, Pháp không từ bỏ được thói quen nhậu say là đánh vợ nên Trang đòi ly hôn cũng không được chấp nhận.
Quá chán cảnh lục đục gia đình Trang bỏ về nhà mẹ ở Yên Bái được vài ngày thì chồng tìm tới tận nơi mang theo thuốc nổ, vũ khí kèm lời đe dọa nếu không về sẽ cho nổ nhà mẹ và em gái.

Mỗi lần nhớ lại chuyện bị chồng tẩm xăng thiêu sống Hoàng Thị Trang lại không kìm được xúc động
Mỗi lần nhớ lại chuyện bị chồng tẩm xăng thiêu sống Hoàng Thị Trang lại không kìm được xúc động
Trang biết tính chồng nói là sẽ làm nên không muốn để người nhà liên lụy đành ngậm ngùi lên xe cùng chồng trong đêm mang theo nỗi sợ hãi. “Suốt chặng đường từ Yên Bái về hơn 300 km em bị chồng đâm nhiều nhát dao vào người nhưng may, do mùa đông, mặc áo phao dày nên các vết dao chỉ làm xước da”, Trang chia sẻ.
Về phần mẹ Trang, thấy con gái bị uy hiếp phải về trong đêm thì không yên tâm nên bảo con trai bắt xe theo sau. Đến quê Pháp, mẹ và em trai Trang tới nhà mẹ Pháp, định sẽ họp gia đình để xin cho con gái được ly hôn và thoát khỏi cảnh khổ. Tuy nhiên, khi cuộc nói chuyện giữa hai bên gia đình chưa ngã ngũ thì Trang bị chồng kéo về nhà. Trước sự chứng kiến của người thân hai bên, Pháp đóng cửa nhốt vợ trong phòng riêng rồi tưới xăng lên người mình và vợ châm lửa đốt.
“Lửa phực lên rất nhanh, lúc đó em chỉ thấy bên tai có tiếng xèo xèo như mỡ đang cháy còn người thì nóng”, Trang nhớ lại. Vùng vẫy trong phòng tìm lối thoát Trang nghĩ mình sẽ chết nên lấy hết sức tông mạnh khiến cửa bật ra. Trang chạy ra ngoài và bất tỉnh. Pháp bị lửa thiêu cháy, không qua khỏi.
Phải sống vì con
Nhớ lại những ngày đầu sau tai nạn thoát chết, Trang bị hôn mê suốt một tháng do tổn thương hô hấp nặng, phải dùng máy thở suốt thời gian nằm viện. Sau khi hồi phục các vết bỏng, cô bắt đầu tập thở, tập ăn, tập nói... “Lúc này em chỉ muốn chết đi cho khỏe nhưng nghĩ đến con, em tự dặn mình không được chết”, Trang nhớ lại.

Trải qua những đợt vi phẫu bàn tay của Trang có thể cầm nắm nhưng ngượng nghịu
Trải qua những đợt vi phẫu bàn tay của Trang có thể cầm nắm nhưng ngượng nghịu
Khoảng 5 tháng sau khi tập nói rành, Trang nhờ người gọi video để gặp con. Lúc này, người mẹ tội nghiệp chỉ lo con không nhận ra và xa lánh mẹ. Cũng may, sau vài phút bất ngờ lạ lẫm, hai đứa con đều nhận ra và gọi mẹ. Cuộc trùng phùng trên điện thoại là động lực để Trang tiếp tục cố gắng. Sau đó, vì không có điều kiện nên Trang chỉ đợi cơ thể tự hồi phục mà không tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Hai năm sau cô mới được gặp lại con sau thời gian đằng đẵng mong nhớ. Tạm biệt các con, Trang hẹn ngay khi ổn định công việc sẽ về đón chúng để mẹ con được ở cùng nhau.
Trang rời quê vào Vũng Tàu làm công nhân và nay chuyển lên Củ Chi để làm nghề may mặc. Dù thân thể không còn lành lặn, khuôn mặt biến dạng nhưng Trang vẫn tìm đủ cách bươn chải để kiếm tiền lo cho bản thân và có thể đón các con.
Giờ đây, chỉ còn nguồn động viên tinh thần duy nhất từ hai đứa con thì một lần nữa, Trang lại phải đối mặt với mẹ chồng: “Ở với bà, bà thường nói với con em là mẹ mày bị thối thịt sắp chết rồi. Mẹ mày không nuôi được chúng mày đâu, mẹ mày định bán chúng mày đi Trung Quốc đấy”, Trang xót xa nhớ đến lời con kể.
Mới đây, Trang về quê xin đón con nhưng không được sự đồng tình của mẹ chồng. Trang đã nhờ tới sự hỗ trợ của trưởng thôn nhưng cũng không được. “Bây giờ ngoài những đứa con, em chẳng còn động lực sống nữa. Không có chúng, em thấy đời mình thật vô vị”, Trang thổ lộ.
Gần đây Trang thường nghe hàng xóm gọi điện báo đứa con trai 11 tuổi mỗi lần bị bà đánh lại bỏ đi. Phần thương mình, phần thương và lo cho con nên không đêm nào Trang ngủ được. “Chị ơi, bi kịch đời em khi nào sẽ kết thúc?”... 
Quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của người mẹ
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện tại, sức khỏe của chị Trang đã ổn định nên việc chị xin nhận lại các con từ mẹ chồng là đáng quý và đúng pháp luật. “Khi người cha chết thì việc mẹ nhận nuôi các con vừa là quyền vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của người mẹ. Đặc biệt là khi Trang đã mất đi nhan sắc, giảm khả năng lao động thì những đứa con còn là động lực sống và cứu cánh của chị về mặt tinh thần. Trong trường hợp không thể thỏa thuận việc nuôi con với nhà chồng, chị Trang có thể khởi kiện ra tòa án dân sự”, luật sư Phúc nói.
Cần lớp học tiền hôn nhân
TS xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, phân viện tại TP.HCM, cho rằng mâu thuẫn trong gia đình là điều khó tránh khỏi. Vì thế, vợ chồng phải học cách kiểm soát cảm xúc khi nóng giận bằng cách hít thở, đếm số, uống nước, hoặc thiền... Tuyệt đối tránh trường hợp chồng đang nóng mà vợ vẫn thách thức thì bị đánh là khó tránh khỏi. Yêu nhau chưa đủ, mà phải biết hóa giải xung đột, tôn trọng, chấp nhận nhau mới tạo được gia đình hạnh phúc.
Theo bà Thúy, ở nước ngoài trước khi kết hôn người ta thường tham gia các lớp học tiền hôn nhân để học cách giải quyết xung đột, cách ứng xử với nhau và với con... nhưng ở Việt Nam điều này chưa nhiều người quan tâm.
Theo Lam Ngọc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm