Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Nỗi lo của giáo viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở nước ta đang xảy ra tình trạng thừa-thiếu giờ của giáo viên đứng lớp. Đây là một trong những vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là ở các cơ sở giáo dục địa phương.

Hàng năm, tỷ lệ tuyển sinh đầu vào ở các cơ sở GDNN đều có sự thay đổi. Việc tuyển sinh đạt hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chất lượng đào tạo, chính sách thu hút… nhưng quan trọng hơn cả là thị trường lao động. Vì khi thị trường lao động bão hòa thì ngành nghề đó sẽ dễ bị chết yểu.

Ngành nghề nào đáp ứng nhu cầu lao động thị trường thì thu hút được đối tượng tuyển sinh và ngược lại. Công việc giảng dạy của nhà giáo sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng tuyển sinh. Năm nào “được mùa” thì có giờ dạy, năm nào “mất mùa” thì thiếu giờ đứng lớp. Đó là chưa kể việc có những ngành nghề 2 năm liền tuyển sinh không đủ chỉ tiêu dẫn đến bị xóa sổ.

Điều đó dẫn đến việc giáo viên sẽ không đủ giờ dạy theo quy định. Được dạy hay “mất dạy” là việc diễn ra thường xuyên ở hầu hết các cơ sở GDNN. Chính vấn đề này đã gây tâm lý bất an cho nhà giáo.

Học viên trong giờ học nghề may tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Ảnh: Đ.T

Học viên trong giờ học nghề may tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Ảnh: Đ.T

Những năm gần đây, các cơ sở GDNN của địa phương sở dĩ tồn tại được là nhờ vào những ngành/nghề đang hot thu hút đối tượng người học. Đó là những ngành: công nghệ ô tô, may, hàn, dược, điều dưỡng, nấu ăn, mầm non…

Còn đối với những ngành như: văn thư lưu trữ, quản lý văn hóa, hội họa, kế toán, hướng dẫn du lịch, thư viện, chăn nuôi gia súc gia cầm, kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính… thì thưa vắng người học.

Để giải quyết bài toán này, lãnh đạo một số đơn vị trường học đã linh hoạt bố trí, sắp xếp tạo điều kiện cho các giáo viên được làm việc và hưởng lương đầy đủ theo đúng vị trí ban đầu tuyển dụng.

Giáo viên thiếu tiết dạy sẽ được bố trí kiêm nhiệm một số công việc để bù giờ, còn người nào thiếu nhiều tiết dạy trong năm thì chuyển về các phòng, ban, trung tâm làm công việc hành chính.

Theo quy định, đối với giáo viên làm việc tại phòng, ban và trung tâm, 1 năm phải dạy 80 tiết mới đủ chuẩn để không bị cắt tiền đứng lớp. Trường hợp dạy không đủ giờ quy định thì phải làm thêm các công việc khác để quy đổi ra số tiết đứng lớp như: nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, coi thi, viết bài đăng tạp chí…

Trước tồn tại khách quan ở các cơ sở nghề nghiệp thì cách xử lý này vừa hợp lý, nhân văn, vừa giúp giáo viên có cơ hội đứng lớp mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Tới đây, khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở GDNN không tránh khỏi lo lắng. Bởi hiện tại chưa có một văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể cho các giáo viên này.

Được biết, các trường đang xây dựng vị trí việc làm cho cán bộ, giáo viên nộp về Sở Nội vụ trong thời hạn cuối tháng 3-2024, trong khi hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục GDNN chưa có văn bản hướng dẫn.

Để kịp thời gian quy định, các cơ sở GDNN căn cứ vào Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30-10-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập mà không có quy định dành cho đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở GDNN. Vậy nên đã gây tâm lý lo lắng cho họ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là ưu tiên xét theo vị trí việc làm thì đội ngũ nhà giáo ở trường nghề với tính chất công việc không ổn định thì xếp họ vào vị trí nào khi bị điều về phòng, ban? Nếu bị chuyển ngạch từ giáo viên qua chuyên viên, như thế cơ hội đứng lớp không còn? Trong khi đó, đa số đội ngũ nhà giáo này đều là những người có tuổi nghề. Hơn nữa, đây cũng là nguồn lao động có chuyên môn cao, đa số đã qua đào tạo trình độ thạc sĩ.

Nếu bị chuyển ngạch, thứ nhất, không đúng với vị trí ban đầu tuyển dụng vì cơ bản họ đào tạo ra là để đi dạy; thứ hai, sẽ làm triệt tiêu động cơ, ý chí phấn đấu và nhiệt huyết nghề nghiệp của họ; thứ ba là lãng phí nguồn nhân lực của tỉnh và thứ tư là bất cập này sẽ không thu hút được nguồn nhân lực khi tuyển dụng giáo viên cho các trường nghề.

Đây đang là vấn đề bức thiết của các cơ sở GDNN cần phải có hướng giải quyết phù hợp để đội ngũ giáo viên trường nghề yên tâm công tác.

Có thể bạn quan tâm