Xã hội

Nỗi niềm con nước sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sông Ba chảy qua các huyện Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa bao đời nay đã tạo nên một lưu vực trù phú những sản vật. Thế nhưng, những ngư dân nơi đây đang đau đáu nỗi niềm khi những đặc sản trên sông cứ thưa vắng dần.

Thời những khoang thuyền ăm ắp cá

Sông Ba chảy qua nhiều địa phương tại Gia Lai trước khi qua địa phận tỉnh Phú Yên rồi đổ ra biển. Cũng dòng sông ấy, nhưng sông Ba lại “ưu ái” riêng cho vùng đất Ayun Pa những loại cá mà hiếm khi tìm thấy ở một nơi nào khác. Một ngày tháng 8, tôi tìm về và lắng nghe những câu chuyện trở thành “trầm tích” của dòng sông. Bên ly trà, ông Nguyễn Văn Ân (trú tại phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa)-người gắn bó gần cả cuộc đời mình với con nước sông Ba kể chúng tôi nghe về một thời những khoang thuyền ăm ắp cá.

Ấy là những ngày chưa có những con đập thủy điện trên sông Ba. Khi đó, Ayun Pa là nơi giao thoa giữa 2 dòng Ayun và sông Ba tạo nên lưu vực rộng, độ sâu lớn, nhiều đoạn có thác ghềnh. Chính những điều kiện tự nhiên thuận lợi đó giúp nơi đây hội tụ nhiều loại cá đặc trưng. Ayun Pa trở thành vựa cá sông cung cấp đi muôn nơi cùng sự ấm no của gia đình những người dân quen với nghề chài lưới.

 Ông Tạ Văn Tuấn khoe chú cá bống tượng hiếm hoi câu được trên sông Ba. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ông Tạ Văn Tuấn khoe con cá bống tượng hiếm hoi câu được trên sông Ba. Ảnh: Lê Văn Ngọc


Ông Ân cho hay, loài cá làm nên tên tuổi cho vùng Ayun Pa chính là cá chốt. Tại vùng đất Ayun Pa, cá chốt đạt kích thước lớn, con to có thể tới 8 lạng đến 1 kg. Cá chốt có thể thu hoạch quanh năm bằng cách đánh lưới hoặc giăng câu nhưng rộ nhất là vào khoảng thời gian khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống. Dòng nước mát mang theo nhiều thức ăn đánh động loài cá vốn sống ở tầng nước sâu này. “Khoảng chục năm về trước, mỗi ngày, chúng tôi có thể đánh lưới được gần chục kg cá chốt. Người đi câu cũng giật lia lịa, nhất là những hôm vừa mưa xong, cá rất háu ăn. Nhiều cá nên chủ yếu chỉ lấy cá đạt kích cỡ nhất định, cá nhỏ quá thì thả lại”-ông Ân hồi tưởng.

Từ đó, cá chốt nấu lá giang, cá chốt nướng muối ớt hay cá chốt kho tộ trở thành món ăn mà những vị khách phương xa ắt hẳn sẽ không thể nào quên nếu được một lần thưởng thức. Vị ngọt, dai của thịt cá chốt đã chinh phục khẩu vị của những thực khách khó tính. Những nhà hàng từ ấy mọc lên đưa cá chốt vào “menu” hàng đầu. Cá chốt cũng cho vào thùng đá rồi theo những chuyến xe đi các tỉnh, thành trong cả nước.

Nếu cá chốt có thể được so sánh với một số loại cá tương đồng thì cá phá sông Ba dường như chỉ là “độc quyền” của vùng Ayun Pa. Đây là loài cá có kích cỡ lớn tương đương cá trắm đen sống ở tầng nước sâu, trong những hốc đá lớn, có lớp vảy óng ánh kỳ lạ. Không có quá nhiều như cá chốt nhưng ngư dân vẫn thường xuyên bắt được cá phá. Ông Tô Hoài Nam (trú tại xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Cá phá phải dùng lưới có cước lớn chứ nếu dính vào nó sẽ phá tung lưới để thoát mất. Khi câu cũng dùng lưỡi lớn và dây dù, thường dùng mồi ốc thả ở nơi nước sâu, gần hốc đá. Cá phá lớn có trọng lượng 15-30 kg lại rất được giá, câu trúng 1 con thì ấm no nhiều ngày”. Cũng theo ông Nam, khi chưa có đập thủy điện, khu vực thung lũng Hồng ở gần đèo Tô Na đoạn giáp ranh với huyện Krông Pa có một thác nước tạo nơi trú ngụ cho cá chình-loài thủy quái có giá trị kinh tế cao. Cá chình nấp kỹ trong những hốc đá sâu và chỉ ra ăn vào ban đêm nên ngư dân thường phải câu đêm mới có thể bắt được chúng.

Nỗi niềm ngư phủ

Sông Ba từ nhiều năm nay đã không còn duy trì mực nước lớn như trước nên môi trường sống dành cho các loại cá cũng bị thay đổi. Bên cạnh đó, việc khai thác không chọn lọc khiến một số loài cá bị tận diệt. Ông Ân buồn bã: “Trước đây, đa phần chỉ dùng lưới và câu. Hiện nay, một số người dùng cả kích điện, cá to, nhỏ bắt hết. Vậy làm sao mà cá kịp sinh sôi nảy nở được”.

Cũng theo ông Ân, hiện nay, cá chốt lớn đã cực hiếm rồi. Mỗi chiều, thả 2-3 tay lưới cũng chỉ thu về vài lạng cá chốt. Bởi thế, nhiều người đã không còn bám trụ với cái nghề sông nước mà “lên bờ” đi làm nương rẫy cũng phập phù không kém. “Tôi đã tuổi cao sức yếu rồi nên cố gắng xuôi chèo đi thả lưới, sáng sớm lại đi gỡ cá. Dù sao đó cũng là cái nghề nuôi sống gia đình mình, giờ bỏ cũng không biết làm gì. Hôm nào không lên thuyền là đã cảm thấy nhớ sông lắm rồi”-ông Ân trải lòng.

Những bến thuyền thưa thớt dần do vắng bóng ngư dân. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Những bến thuyền thưa thớt dần do vắng bóng ngư dân. Ảnh: Lê Văn Ngọc


Gắn bó với con nước sông Ba cả thời tuổi trẻ, ông Nam cũng mang nặng nỗi lòng với dòng sông. “Cá chốt thì vẫn còn nhưng đã ít dần. Cá phá thì khan hiếm lắm rồi, chỉ sợ nó bị tuyệt chủng. Sau này, đời con cháu không còn được nhìn thấy con cá phá nữa. Chúng tôi ở đây mà lâu rồi chưa bắt lại được con cá phá nào. Cá chình hay cá chép cỡ lớn cũng rất hiếm, họa hoằn lắm mới thấy có người bắt được 1 con. Giờ thả lưới đa phần chỉ có cá rô phi hoặc mè dinh”-ông Nam rầu rĩ.

Sông Ba ở khu vực trước đập thủy điện Đak Srông 3A những năm gần đây xem như “thủ phủ” cuối cùng của các loài cá cũng đã bị biến đổi. Đây là vùng nước trũng có độ sâu lớn, lưu vực rộng hàng chục ngàn m2 và được phủ bởi một lớp bèo tây rất dày. Nhưng dòng nước lũ vào cuối năm 2020 đã cuốn trôi toàn bộ số bèo này xuống vùng hạ lưu khiến tôm cá không còn nơi trú ngụ. Anh Tạ Văn Tuấn (trú tại xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) cho biết: “Trước kia, nước lớn thế nào cũng không trôi được lớp bèo dày này. Nhưng năm vừa rồi, những mảng bèo khổng lồ cũng bị cuốn hết. Dân câu hay đánh lưới đều men theo những mảng bèo đó để kiếm cá. Giờ thì mặt nước trống hoác, cá không thấy mà đi đâu hết rồi. Đến bao giờ mới có lại lớp bèo lớn như thế cho cá ở nữa”.

Chúng tôi rời vùng đất Ayun Pa để lại sau lưng dòng sông Ba uốn lượn qua bãi bồi và những dãy núi cao mà lòng buồn vời vợi. Đâu đó bên con nước, những ngư phủ vẫn khua chèo trong nỗi tiếc nuối hoang hoải về một thời thuyền ăm ắp cá đã xa.

 

 LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm