Thời sự - Bình luận

NÓI THẲNG: Đừng để ai phải chết tức tưởi như thế!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những trường hợp người bệnh không tìm ra nơi chữa bệnh trong thời gian qua không phải là chuyện hiếm. Ngoài nguyên nhân quá tải còn có tình trạng bệnh viện ngại nhận bệnh vì phải qua các khâu kiểm tra, test Covid-19…

Ngày 17-8, tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương, công an tỉnh này đã thông tin ban đầu về vụ việc một người đàn ông "tử vong vì 5 cơ sở y tế không cấp cứu" là đúng sự thật.

Đại tá Trần Văn Chính - Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, cho biết ngay sau khi báo chí phản ánh vụ việc, đơn vị đã khẩn trương xác minh. Theo đó, sự việc là đúng sự thật. Ông N.D. (57 tuổi; quê huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, thuê trọ tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương).

Khoảng 20 giờ ngày 13-8, ông S. bị tai biến, được người nhà đưa đến 5 cơ sở y tế bằng xe tải của hàng xóm, trong đó có 3 bệnh viện (BV) nhưng không được tiếp nhận điều trị. Tới 1 giờ sáng 14-8, người nhà buộc phải chở ông D. về phòng trọ.

Ba tiếng sau, ông D. tử vong mà không có bất cứ can thiệp y tế nào!

Cái chết của ông D. quá tức tưởi và đau khổ.

Ngày 17-8 Văn phòng Chính phủ phát đi công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thông tin báo chí phản ánh. Thủ tướng yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh vụ việc. Nếu có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, chấn chỉnh ngay công tác tiếp nhận và cấp cứu đối với bệnh nhân; các trường hợp cấp cứu phải được tiếp nhận và xử lý kịp thời theo đúng quy định. Công điện của Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có các giải pháp cụ thể, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc và phải đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế, khám chữa bệnh của người dân.

Đây không phải là chuyện đau lòng đầu tiên ở Bình Dương trong việc khám chữa bệnh, các dịch vụ y tế khác. Trước đó, ngày 6-8, anh Lý Củn (32 tuổi; quê Sóc Trăng, tạm trú tại TP Dĩ An) chở vợ là chị Lý Thị Đa Ghi (35 tuổi) đang chuyển dạ, đi sinh con. Anh chở vợ đi lòng vòng, đến các cơ sở y tế ở TP Dĩ An, qua TP Thuận An kiếm nơi sinh nhưng các BV, phòng khám nơi thì đóng cửa, nơi thì không chịu nhận.

Bí quá, anh Củn đành chở vợ về TP Thủ Dầu Một tìm BV. Trên đường đi, vợ anh vỡ ối nên anh tấp vào chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở Quốc lộ 13. Rất may được một người phụ nữ có hiểu biết về y tế đã đỡ đẻ thành công cho chị Ghi. Câu chuyện khiến chảy nước mắt khi một sản phụ đi sinh nhưng không có nơi nào nhận sinh!

Chuyện không chỉ xảy ra ở Bình Dương. Ngày 8-7, anh N.T.N. (27 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) khi tham gia tác nghiệp bị ngất, được đưa đi cấp cứu mấy nơi nhưng đều bị từ chối, may mà có BV Nhân dân 115 nhận nên anh được cứu kịp thời!

Những trường hợp người bệnh không tìm ra nơi chữa bệnh trong thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, không phải là chuyện hiếm. Dịch Covid-19 làm nhiều bệnh BV quá tải, có BV bị nhiều ca Covid-19 nên phải lockdown. Cũng có BV ngại nhận bệnh vì phải qua các khâu kiểm tra, test Covid-19… Tất cả đẩy bệnh nhân vào thế khó, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạng sống của họ.

Lỗ hổng này đã gây ra hậu quả bằng cái chết thương tâm của ông N.D., bằng lần sinh nở bất đắc dĩ trên hè phố của sản phụ Lý Thị Đa Ghi và có thể còn những trường hợp thương tâm khác.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đang bùng phát ở nước ta về quy mô là chưa có tiền lệ nên các nhà quản lý chưa thấy hết những hệ quả của dịch bệnh. Đã có những sai lầm mà khi làm mới thấy, mới biết như cách tổ chức tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm sao cho an toàn, phòng chống được lây lan dịch bệnh. Kể cả chuyện phun khử khuẩn ngoài đường phố… Và những chuyện bất cập khác mà có làm mới thấy được, để tìm cách khắc phục.

Chuyện cấp cứu cũng vậy. Y tế cấp cứu là chuyên khoa y tế liên quan đến việc chăm sóc bệnh tật hoặc chấn thương cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Bác sĩ cấp cứu chăm sóc cho bệnh nhân đột xuất và không phân biệt ở mọi lứa tuổi. Là người tiếp xúc đầu tiên, trách nhiệm chính của họ xử lý ban đầu, can thiệp để chẩn đoán và điều trị bệnh trong giai đoạn cấp tính.

Khái niệm y khoa này bác sĩ nào cũng biết, nhưng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến quá phức tạp, những bệnh khác ngoài Covid-19 bị bỏ quên. Đó là lỗi chuyên môn trong quản lý. Bởi hơn ai hết, ngành y tế thừa biết rằng bệnh tim mạch chẳng hạn, mỗi năm số người chết ở nước ta có hơn 200.000 người, gấp đôi số người mất vì ung thư và dĩ nhiên cao hơn rất nhiều so với số bệnh nhân chết vì Covid-19.

Thấy ngay điều đó nên Sở Y tế TP HCM có công văn khẩn yêu cầu tất cả BV trực thuộc phải mở cổng cấp cứu 24/7 và công bố danh sách 136 cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận người bệnh (cả người mắc Covid-19 và bệnh thông thường) đến khám, điều trị.

Kinh nghiệm nào cũng phải trả giá, nhưng trả giá bằng mạng người thì quá lớn, quá sức chịu đựng của xã hội và của cả ngành y.

Bài: Lưu Nhi Dũ; ảnh: Nguyên Lâm
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm