Thời sự - Bình luận

Nói thẳng, làm thật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

"Số ca mắc Covid-19 nhiều nhưng tỉ lệ tiêm vắc-xin luôn nằm ở nhóm cuối bảng trong cả nước nên người dân than phiền lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk".

Đó là thông tin ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, đưa ra tại buổi tiếp nhận trang thiết bị y tế do Tổng Thư ký, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội kết nối, vào sáng 15-10.

Theo ông Y Biêr Niê, hiện chỉ khoảng 274.000 người tiêm mũi 1, đạt hơn 13%, còn mũi 2 chỉ đạt hơn 6% (người từ 18 tuổi trở lên). Trong khi đó, Đắk Lắk được đánh giá là vùng có nguy cơ cao nhưng tỉ lệ phân bổ vắc-xin rất thấp. Xét về quy mô dân số hơn 2 triệu dân, với tỉ lệ tiêm phân bổ và tiêm vắc-xin như trên thì vẫn ở mức rất thấp. "Dân trách, than phiền chúng tôi là đúng" - ông Y Biêr Niê nói.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, rất cần những ý kiến thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương về thực trạng ở địa phương mình quản lý như vậy. Bởi cuộc chiến chống dịch gian nan, nơi nào cũng khó khăn bộn bề, song không đổ lỗi cho hoàn cảnh và đủ thứ lý do khác khi bị phê bình, nhắc nhở, mà tự nhận thấy việc mình làm chưa tốt trong khi có thể nỗ lực làm tốt hơn chức trách của mình.

Không chỉ chuyện tiêm vắc-xin, tiến độ thực hiện các gói an sinh xã hội cũng như bảo đảm các yêu cầu về nhanh, đúng, đủ cho các đối tượng thụ hưởng cũng có những bất cập. Gần đây, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 và Nghị quyết 116 của Chính phủ. Một số địa phương cũng triển khai các gói hỗ trợ, tùy theo khả năng ngân sách và nguồn tài trợ, để giúp các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong đời sống.

Nhìn chung tiến độ triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, của địa phương cũng nhanh hơn và kịp thời hơn. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng sót lọt người trong diện được thụ hưởng vì các khâu thủ tục không chặt chẽ và thực hiện trong điều kiện giãn cách xã hội. Ở TP HCM, do áp lực công việc, tâm lý, nhiều tổ trưởng, trưởng khu phố xin nghỉ việc, nên gói hỗ trợ thứ ba bị chậm trễ ở một số quận. Để khắc phục, cán bộ địa phương phải tranh thủ làm ngày làm đêm nhằm đưa tiền đến tay người dân nhanh hơn.

Ngay cả khi Nghị quyết 128 đi vào đời sống, vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, đến mức Thủ tướng Phạm Minh Chính ra lệnh "Phải nhất quán, thông suốt từ trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên" để các địa phương triệt để chấp hành.

Hành trình chống dịch và phục hồi kinh tế như cỗ xe vận hành, càng ít lực cản càng đi nhanh hơn. Nhiều lý do để hình thành lực cản nhưng đều quy về năng lực quản lý và trách nhiệm. Không đủ trình độ quản lý thì cấm cản là thói quen thường thấy lâu nay. Khi có ý kiến phản ánh thì lập tức phản ứng bằng đổ lỗi thay vì dám chịu trách nhiệm, nhìn thẳng sự thật. Nhận ra trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm mới thúc đẩy công việc, minh bạch quản lý, rạch ròi trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi sau một hoạt động quan trọng, tác động lớn đến quốc kế dân sinh. Đất nước luôn rất cần những cán bộ nói thẳng và làm thật.

Theo ĐỨC MINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm